Kĩ năng sống cho học sinh vùng cao

GD&TĐ - Với lứa tuổi học sinh THPT thì việc hiểu biết và được giáo dục kĩ càng những kĩ năng sống vô cùng cần thiết cho suốt quá trình hình thành phát triển nhân cách. 

Kĩ năng sống cho học sinh vùng cao

Bên cạnh việc giáo dục kĩ năng sống trong gia đình, các em tự học qua cuộc sống… thì giáo dục trong nhà trường vô cùng quan trọng. Tại một ngôi trường chuyên tỉnh Hà Giang – chương trình giáo dục kĩ năng sống đã được nhóm giáo viên nghiên cứu xây dựng với nội dung phù hợp góp phần mang lại chất lượng cho giáo dục toàn diện.

Giáo dục KNS - không thể thờ ơ

Có thể thấy, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là hoạt động có ý nghĩa quan trọng với sự hình thành và phát triển nhân cách người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng và nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung.

Cũng từ năm học 2010 – 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo cùng các tài liệu hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kĩ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường phổ thông. Đến nay giáo dục kĩ năng sống đã trở thành vấn đề được hầu hết các nhà trường quan tâm và đưa vào triển khai.

Tại tỉnh Hà Giang - một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang cho biết: đối tượng học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các em có hứng thú với nhiều vấn đề mới của cuộc sống nhưng lại hạn chế về giao tiếp, khả năng phán đoán chưa cao, tính thích ứng với môi trường không tốt, thụ động trước vấn đề của cuộc sống đặt ra, thiếu hụt nhiều kĩ năng sống cơ bản… Điều đó đã dẫn tới sự sa sút trong học tập, vụng về trong giao tiếp úng xử, chọn nghề không phù hợp với năng lực cá nhân.

Đáng nói, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bỏ học, bạo lực học đường, yêu sớm, nghiện game online… và nhiều hành vi lệch chuẩn khác của học sinh trung học đang ngày càng gia tăng trong giai đoạn hiện nay.

Xuất phát từ những vấn đề trên, nhóm giáo viên trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang đã chọn giải pháp để triển khai thực hiện phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” là “Nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình giáo dục kĩ năng sống phù hợp với học sinh trung học tại tỉnh Hà Giang”. Đến nay hiệu quả bước đầu từ nhóm nghiên cứu đã được thực tế ghi nhận hiệu quả.

Không để học sinh vùng cao thiếu hụt kĩ năng sống

Học sinh vùng cao, học sinh dân tộc với nhiều đặc điểm riêng trong tính cách, lối sống, trình độ… nên việc giáo dục kĩ năng sống không thể áp dụng cứng nhắc theo những giáo trình có sẵn đại trà mà cần được khảo sát, nghiên cứu để có sự phù hợp. Chính vì vậy, nhóm giáo viên trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang đã có những nghiên cứu, khảo sát… để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất cho giáo dục KNS.

Bên cạnh đi vào sưu tầm các tài liệu về giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giá trị sống… nhóm giáo viên còn phải điều tra thực trạng giáo dục kĩ năng sống ở một số trường trung học trên địa bạn tỉnh Hà Giang. 150 cán bộ quản lý, giáo viên và 735 học sinh của 3 trường THCS và THPT thuộc các huyện vùng cao, vùng sâu và khu vực thành phố Hà Giang đã được khảo sát để đánh giá đúng về thực trạng giáo dục kĩ năng sống và giáo dục giá trị sống.

Qua điều tra này cho thấy cán bộ, giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của kĩ năng sống và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên công tác giáo dục KNS nhiều khi còn mang tính lý thuyết, hình thức chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của nó.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều giáo viên chỉ tập trung cho chuyên môn, giảng dạy, thu hút học sinh đến trường là đã quá tải về công việc nên ít quan tâm cho chuyên môn, giảng dạy, các phương pháp và hình thức giáo dục kĩ năng sống thu hút được sự quan tâm, hứng thú của các em.

Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng nội dung chương trình giáo dục KNS phù hợp với học sinh trung học tỉnh Hà Giang và biên soạn 20 modul hướng dẫn dạy học tích hợp kĩ năng sống thông qua các môn học, các hoạt động sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của các câu lạc bộ.

Mặt khác, để thực nghiệm các nội dung GDKNS nhóm còn xây dựng 2 mô hình điển hình giáo dục kĩ năng sống cho học sinh cấp trung học. Tại các trường này đã tiến hành tổ chức các hoạt động như: Tập huấn hơn chục buổi về GDKNS cho 100 giáo viên; Mời chuyên gia tổ chức tọa đàm khoa học, hướng dẫn giáo dục kĩ năng sống cho giáo viên và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh toàn trường; tổ chức thực nghiệm sư phạm tích hợp cho GDKNS vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Cụ thể đã tích hợp GDKNS tích hợp vào các môn học. Tích hợp GDKNS cho học sinh thông qua các tiết sinh hoạt lớp, chào cờ, tổ chức các ngày lễ trong năm học; Tích hợp giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động của các câu lạc bộ; Tích hợp GDKNS thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và tích hợp GDKNS thông qua các hoạt động giáo dục hướng nghiệp…

Sau gần 1 năm triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự phản hồi tốt không chỉ từ lãnh đạo Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương, BCH nhà trường mà còn cả các thầy cô giáo, học sinh và cha mẹ học sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, dự kiến khi hoàn thành đề tài nhóm sẽ xây dựng được các sản phẩm: Các chuyên đề GDKNS cho học sinh trung học tỉnh Hà Giang; tài liệu về nội dung chương trình GDKNS phù hợp với học sinh THPT tỉnh Hà Giang; 20 mô đun hướng dẫn GDKNS cho học sinh THCS và THPT tỉnh và kết quả xây dựng mô hình điển hình GDKNS cho học sinh TH tỉnh Hà Giang: 80% học sinh biết vận dụng tốt những kĩ năng sống cần thiết vào học tập và cuộc sống; 20% biết vận dụng những kĩ năng sống cần thiết vào học tập và cuộc sống…

Học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về giao tiếp, khả năng phán đoán chưa cao, tính thích ứng với môi trường không tốt, thụ động trước vấn đề của cuộc sống đặt ra, thiếu hụt nhiều kĩ năng sống cơ bản… Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bỏ học, bạo lực học đường, yêu sớm, nghiện game online… và nhiều hành vi lệch chuẩn khác của học sinh trung học. Chính vì vậy việc giáo dục KNS cho học sinh dân tộc vô cùng cần thiết để hướng tới giáo dục toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ