Dự thảo đảm bảo tính liên thông, xuyên suốt giữa 3 cấp học; giảm tải được môn học nhất là ở chương trình lớp 11 và 12, HS được chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Trong đó có đưa vào một số môn mới phù hợp với thực tiễn của đất nước và quan điểm GD toàn diện…” - Đó là nhận định của ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, khi trao đổi với báo GD&TĐ.
Đòi hỏi sự phát triển đồng bộ và toàn diện của đội ngũ
Theo ông Huỳnh Minh Thuận, Dự thảo lần này đã kế thừa những ưu điểm của chương trình GD hiện hành và có nhiều điểm mới. Cụ thể, mục tiêu của Chương trình GDPT nhằm giúp HS hình thành những phẩm chất, năng lực cụ thể; chú trọng đến việc trang bị cho HS kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thích ứng với những thay đổi; định hướng nghề nghiệp cho HS bằng những môn học và hoạt động giáo dục cụ thể.
Dự thảo đã kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.
Dự thảo có nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành, đổi mới nhằm nâng cao sự tư duy, tinh thần tự học, tăng thêm các kĩ năng về thực hành, trải nghiệm thực tế, rèn kĩ năng sống, kĩ năng sáng tạo cho HS.
Một điểm mới đáng chú ý là Chương trình GDPT đặt ra yêu cầu phát triển HS theo hướng năng động hơn, có tư duy độc lập, có khả năng giải quyết vấn đề. Chương trình mới cho phép nhà trường và giáo viên tự sắp xếp môn học, giờ học ở mỗi môn để phù hợp với điều kiện của từng trường.
Chương trình mới phân hóa các môn học, số tiết THPT ở từng khối lớp phù hợp. Chương trình cũng khẳng định những điều kiện cơ bản, tối thiểu về công tác quản lý, đội ngũ giáo viên, CSVC, kỹ thuật của trường phổ thông để thực hiện được Chương trình mới phù hợp với thực tiễn, đồng thời đặt ra yêu cầu nhà trường phải liên tục phát triển để ngày càng đáp ứng tốt hơn Chương trình mới.
Chương trình GDPT tổng thể là văn bản chính sách của Nhà nước thể hiện mục tiêu GDPT, để chính sách có tính khả thi và thực hiện theo lộ trình khoa học thì Bộ GD&ĐT nên có đánh giá và thống kê các số liệu về đội ngũ cán bộ giáo viên (CB-GV) và CSVC hiện nay của hệ thống GDPT đồng thời có dự kiến về số liệu đội ngũ CB - GV và CSVC đáp ứng cho chương trình đổi mới khi hoàn thiện, từ đó xây dựng lộ trình bồi dưỡng, đào tạo CB-GV cũng như chế độ chính sách dành cho đội ngũ CB-GV còn thiếu hoặc bị dư thừa và nguồn kinh phí dùng để tăng cường, bổ sung CSVC cho quá trình đổi mới theo từng giai đoạn hợp lý.
Theo đó, Dự thảo cần qui định thêm việc lựa chọn môn tự chọn và môn tự chọn bắt buộc phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và năng lực đáp ứng của từng cơ sở giáo dục phổ thông; Cách phân chia môn bắt buộc và môn tự chọn chưa rõ ràng. Chương trình quy định các môn học bắt buộc ở các cấp nhưng không nói rõ mỗi cấp HS phải chọn tối thiểu bao nhiêu môn và chỉ được chọn thêm tối đa bao nhiêu môn để không bị quá tải, gây phân tán học lực... yếu tố phân luồng và phương pháp phân luồng chưa rõ nét.
Một số môn và hoạt động giáo dục trong Dự thảo có tính tích hợp nhưng giáo viên phổ thông còn nhiều hạn chế về mặt này, do đó khi xây dựng chương trình cụ thể cho từng môn học cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.
Chú trọng CSVC, thiết bị dạy học cho trường học vùng khó
“Theo Dự thảo, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo như sự định hướng của Bộ GD&ĐT là rất cần thiết cho HS trong thời đại ngày nay; song thiết nghĩ đối với HS vùng DTTS, chẳng hạn với địa bàn Tây Nguyên này, thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ vấp phải những khó khăn về kinh phí như: Tổ chức cho HS đi những đâu, thời gian nào, kinh phí thực hiện để chuyên chở, chăm sóc và hướng dẫn HS.
Về thời gian dành cho GD hướng nghiệp mà Dự thảo xây dựng là quá nhiều, cần phải có Chương trình hướng nghiệp theo hướng mở, phù hợp với mỗi vùng miền và mỗi địa phương. Việc trang bị phương tiện, điều kiện CSVC để thực hiện nhiệm vụ Giáo dục hướng nghiệp cho HS vùng đặc thù cũng cần làm rõ” - ông Huỳnh Minh Thuận kiến nghị.
Cùng với đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho rằng việc trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung GD và triển khai kế hoạch GD phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, của cơ sở… là khó có thể thực hiện được tại một địa bàn đặc thù như vùng đồng bào DTTS. Điều này sẽ dẫn đến không công bằng giữa những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển với những vùng khó khăn.
Cùng với đó, nội dung và yêu cầu về định hướng đánh giá kết quả GD của Dự thảo nêu ra là chưa phù hợp với đơn vị tại địa bàn vùng đặc biệt khó khăn và các đơn vị có tỉ lệ HS con em DTTS chiếm tỉ lệ cao. Không thể “đồng bộ hóa” kết quả GD giữa các vùng, miền trên cả nước, mà phải có các mức kết quả GD (hay các tiêu chí cần đạt) phù hợp có tính đặc trưng cho mỗi vùng, miền khác nhau.
Để nâng cao tính khả thi của chương trình, ông Thuận đề xuất: Ban soạn thảo Chương trình cần đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp điều kiện GD nước ta, đặc biệt là chú ý đến các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng có tỉ lệ DTTS cao. Ở những vùng có CSVC khó khăn như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ và các vùng xa xôi, hẻo lánh thì cần có cơ chế thực hiện riêng. Chẳng hạn các môn Âm nhạc, Ngoại ngữ 2 và đặc biệt là Mỹ thuật ở vùng nông thôn và miền núi có thể rất ít HS đăng ký chọn, dẫn đến việc tổ chức lớp học sẽ gặp nhiều khó khăn…