Kỉ lục Guinness - Có cần phải chạy đua?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Lễ hội Đền Hùng 2023, áo dài 'Non sông gấm vóc' của nhà thiết kế Phương Hồ được xác lập đạt kỷ lục Guinness Việt Nam với độ dài 178m.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bộ áo dài “Dấu ấn thời gian” của nhà thiết kế Hoàng Ly vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục dài 189m, đính đá và in nổi hoa văn, họa tiết cổ xưa của Việt Nam với số lượng nhiều nhất (468 hoa văn, họa tiết). Cân nặng của chiếc áo dài này vào khoảng 200 kg.

Trước đó, tại Lễ hội Đền Hùng 2023, áo dài “Non sông gấm vóc” của nhà thiết kế Phương Hồ được xác lập đạt kỷ lục Guinness Việt Nam với độ dài 178m. Hơn một tháng sau, cũng chiếc áo dài này được “nới” cho dài thêm, tới 220,6m, nặng gần 250 kg, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận “Chiếc áo dài đính kết thủ công, giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam có kích thước dài nhất”.

Để thực hiện được bộ áo dài có tính độc bản và nhiều cái “nhất” như thế này, đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ và rất tốn kém. Tất nhiên, kỳ công hay tốn kém là việc riêng của các nhà thiết kế. Họ chấp nhận, không một chút phàn nàn, bởi đây là dịp khuếch trương tên tuổi và thương hiệu.

Và tất nhiên, những chiếc áo như thế này cũng chỉ dành để trình diễn theo các tiêu chí dài nhất, nặng nhất, nhiều phụ kiện đính kèm nhất, nhiều người phục vụ nhất, vận chuyển khó khăn nhất… chứ không phải là chiếc áo đẹp nhất.

Mục đích của chủ nhân khi thực hiện thiết kế, dù được truyền thông rất kỹ, được bảo chứng bằng những kỉ lục nhưng có vẻ nó không ngấm vào đời sống, không có tác dụng với đời sống. Phần đông công chúng chỉ thấy nó cồng kềnh, nặng nhọc.

Việc một cá nhân hay tổ chức xác lập được những kỉ lục Guinness Việt Nam hay kỉ lục Guinness thế giới đã không còn xa lạ. Có những kỉ lục ý nghĩa, đáng tự hào, cho thấy nỗ lực đưa hình ảnh con người Việt, văn hóa Việt ra thế giới. Song bên cạnh đó, không ít những kỉ lục mang tính “vô bổ”, “chả để làm gì”. Chưa nói đến những kỉ lục không phản ánh đúng bản chất.

Ví dụ, kỉ lục cặp bánh Trung thu lớn nhất hay chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam, tô phở ăn liền lớn nhất thế giới, ngoài tốn kém tiền của công sức, thì nó chẳng hề ngon. Mà giá trị của ẩm thực lại nằm ở chữ “ngon”, quảng bá ẩm thực cũng nằm ở chữ “ngon”.

Hay những kỉ lục như “Nhiều người mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh nhất”, “Màn xòe cổ lớn nhất Việt Nam”, ngoài hô hào nhiều người tham gia thì nói được điều gì về văn hóa, nghệ thuật? Đó là chưa kể sự ồn ào ấy phá vỡ không gian văn hóa rất riêng biệt của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Câu tục ngữ này không thể đúng cho tất cả, nhưng rõ ràng tiêu chí “tinh” đã được ông bà ta lựa chọn. Trong nghệ thuật hay trong văn hóa, đời sống, tiêu chí để kết thành giá trị là “tinh”, chứ không phải là những con số có tính cơ học.

Các đơn vị trao bằng chứng nhận kỉ lục có lẽ cũng cần phải “thay máu”, đừng lạm dụng “quyền năng” của mình mà trao những kỉ lục “vô thưởng vô phạt”, thậm chí là vô bổ, phản cảm. Mọi danh hiệu, chứng nhận chỉ có giá trị khi được trao đúng người, đúng việc, đúng bản chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.