Bộ cần nghiên cứu, xem xét và thiết kế các bộ sách giáo khoa chuẩn và ổn định. Một bộ sách giáo khoa, sách bài tập có thể sử dụng được nhiều năm. Việc ghi bài, làm bài tập nên để học sinh tự viết mà không điền, viết vào sách, vở bài tập như hiện nay gây lãng phí và khó khăn về kinh tế cho phụ huynh học sinh.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để các Hội đồng quốc gia sử dụng làm căn cứ thẩm định sách giáo khoa.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT hướng dẫn chi tiết các minh chứng đánh giá tiêu chuẩn sách giáo khoa trong đó đặc biệt lưu ý nội dung sau: “Phần kiến thức mới, luyện tập, vận dụng có thể được trình bày xen kẽ hoặc tách rời phù hợp với nội dung, phương pháp và kĩ thuật tổ chức hoạt động dạy học.
Sách giáo khoa được biên soạn, thiết kế phù hợp, khoa học giữa các phần và theo hướng khuyến khích người học sử dụng lâu dài tránh lãng phí”.
Như vậy, một bộ sách giáo khoa sẽ được sử dụng trong nhiều năm. Đồng thời Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT quán triệt giáo viên hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa theo quy định tại Chỉ thị số 3789/CT-BGDĐT ban hành ngày 24/9/2018.