Lao động khuyết tật vẫn chủ yếu làm trong khu vực nông nghiệp - một lĩnh vực có thu nhập thấp, điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác...
Gần 90% NKT trong khu vực phi chính thức
Khảo sát, nghiên cứu về “An sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật ở Việt Nam” được Viện Khoa học Lao động và Xã hội và Tổ chức Hanns Seidel Foundation phối hợp nhằm phân tích các nguồn vốn sinh kế, yếu tố dễ bị tổn thương/rủi ro, hoạt động sinh kế của lao động là NKT;
Đánh giá vai trò của hệ thống an sinh xã hội hiện hành, vai trò của mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức trong phòng ngừa, khắc phục, giảm thiểu rủi ro/thách thức, tăng cường vốn sinh kế cho lao động khuyết tật.
Cùng đó, đề xuất các biện pháp can thiệp an sinh xã hội phù hợp với đặc điểm sinh kế, giảm thiểu rủi ro, xây dựng chiến lược sinh kế phù hợp với lao động khuyết tật.
Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của NKT khá thấp chỉ đạt 44,7% so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi (72,03%). Tỷ lệ làm công hưởng lương chỉ chiếm 14,28, chỉ bằng 1/2 so với nhóm không khuyết tật.
Đặc biệt tỷ lệ lao động khuyết tật trong khu vực Nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 4,7%. Trong khi đó, tại khu vực phi chính thức có tới 89,1% lao động khuyết tật làm việc tại hộ kinh doanh cá thể và 3,4% trong khu vực tư nhân.
PGS.TS Nguyễn Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho hay, người khuyết tật ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn tài chính để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Những đặc điểm về vốn sinh kế của lao động khuyết tật (trình độ thấp hơn,sức khỏe kém hơn, vận động khó khăn hơn) đã khiến cho các hoạt động sinh kế của lao động khuyết tật gặp nhiều khó khăn.
Đa số lao động khuyết tật đều nghèo, không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi. Có tới 49,4% người khuyết tật sống trong hộ nghèo và cận nghèo.
Hiện có tới 72,3% lao động khuyết tật làm trong khu vực nông nghiệp, một lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác.
Đổi mới quan điểm tiếp cận
Việt Nam là nước có tỷ lệ NKT khá cao trong tổng dân số, đứng thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến tháng 6/2015, cả nước có trên 7 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số). Trong đó, khoảng 700 nghìn người, tương đương 10% số NKT thuộc các hộ nghèo, tính trung bình cứ 4 hộ gia đình thì có 1 hộ NKT.
Ông Đào Quang Vinh, Viện trường Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ: “Khuyết tật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như chiến tranh, thiên tai, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo lực và các rủi ro khác. Khuyết tật thường đi với những vấn đề khác như đói nghèo, bệnh mãn tính, càng làm cho tình trạng của NKT thêm trầm trọng”.
Bên cạnh đó, cơ hội đi học của người khuyết tật thường bị hạn chế, thời gian đi học ngắn hơn so với lao động không khuyết tật, ở các cấp học càng cao, khoảng cách này càng lớn. Trình độ chuyên môn của lao động khuyết tật còn thấp. Có tới 91,7% lao động khuyết tật không có bằng cấp, chứng chỉ.
Từ kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị: cần đổi mới quan điểm tiếp cận đối với NKT; mở rộng các chính sách hỗ trợ đến tất cả nhóm NKT dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục hỗ trợ, khuyến khích vươn lên; tăng cường công tác tuyên truyền về NKT; hỗ trợ NKT tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm...