Tham dự chương trình có lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Sở GD&ĐT Thái Nguyên; đại diện các sở ban ngành của tỉnh; đại diện các trường THPT trên địa bàn.
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch - Tổng thư kí Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Giáo dục xanh là phát triển kiến thức, kỹ năng, phát triển giá trị, quan điểm mang tầm thế giới để tạo ra thế hệ, lớp người hành động đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục xanh là nền giáo dục định hướng cho tương lai, tập trung vào bảo vệ môi trường, tạo ra một thế giới công bằng hơn về mặt sinh thái, tự nhiên, xã hội.

Các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lí, đơn vị doanh nghiệp tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Tổng quan về giáo dục xanh, chuyển đổi xanh; Kinh nghiệm thực tiễn; Định hướng và giải pháp…
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên trình bày tham luận “Môi trường giáo dục xanh - Tiếp cận từ khoa học giáo dục”.

Với vai trò vừa là nhà quản lí vừa là nhà khoa học, GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh: Môi trường giáo dục gồm các quan hệ chuyên môn bên trong và bên ngoài nhà trường, các điều kiện vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Tính tích cực, nỗ lực của GV và HS là chỉ số (định tính) quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bản chất của việc tạo lập môi trường giáo dục hiện đại chính là thể hiện tinh thần dân chủ, kích thích sáng tạo, gồm đặc tính: Xanh, Số và Bản sắc.

“Giáo dục xanh không chỉ là một sự lồng ghép mà quan trọng hơn là nó làm chuyển đổi cách thức Dạy và Học, chuyển cách học tập truyền thống sang cách học hiện đại, giúp người học tự định hướng học tập và có năng lực sáng tạo trong việc tương tác với thế giới bên ngoài bằng lối tư duy tăng trưởng của mình” - GS.TS Phạm Hồng Quang đánh giá.
Từ những phân tích khoa học, GS.TS Phạm Hồng Quang đúc rút vấn đề: Trường học phải luôn suy nghĩ mới, chủ động hấp thụ ý tưởng tiến bộ, sản sinh ra cách làm hiệu quả, và để bền vững thì phải tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng, đất nước và nhân loại.

Cũng tại chương trình, tham luận của đại diện Sở GD&ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Khuyến học tỉnh, các đơn vị doanh nghiệp, nhóm học sinh… đã đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Kết luận Hội thảo, bà Đỗ Thị Thìn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Các tham luận, trao đổi đã làm rõ vấn đề “Khuyến học xanh” trước yêu cầu phát triển xanh, tăng trưởng xanh của đất nước, tập trung vào nội dung mà mỗi người cần có như tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh; qua đó đề xuất những giải pháp cần thiết cho khuyến học xanh tại Thái Nguyên.