Khuyến học nhưng không khuyến bệnh thành tích

GD&TĐ - Làm sao để khuyến học nhưng không khuyến bệnh thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp mặt.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp mặt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ điều này trong phát biểu tại Chương trình gặp mặt nhân Ngày khuyến học Việt Nam; sơ kết 5 năm Kết luận 49/KL-TW và phát động Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2025 do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.

Cùng tham dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội; đại diện lãnh đạo 14 cơ quan, đơn vị mà Hội khuyến học Việt Nam đã ký chương trình phối hợp; lãnh đạo Hội Khuyến học các địa phương…

Học tập suốt đời, hành động suốt đời

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục - đơn vị có nhiệm vụ quản lý nước về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới Hội Khuyến học Việt Nam lời chúc mừng nhân ngày Khuyến học Việt Nam và lời cảm ơn, sự ghi nhận về những gì Hội đã làm được trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng, trong điều kiện tài chính, nhân sự vô cùng khó khăn, ban lãnh đạo đều “ở độ tuổi rất đáng kính”, nhưng vẫn miệt mài với công việc, với sự nghiệp giáo dục. “Đó là điều rất cảm động. Cùng với tinh thần học đi đôi với hành, học tập suốt đời, chính Hội Khuyến học đã nêu cao một triết lý nữa, đó là hành động suốt đời”. Bộ trưởng nói, đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò, uy tín đặc biệt quan trọng của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

ngay-khuyen-hoc3-8512.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Nhắc tới nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Bộ trưởng cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Chúng ta đang dần xây dựng hệ thống giáo dục mở, giáo dục ngoài nhà trường; do đó rất cần sự hỗ trợ, đồng hành, góp sức của các hội, tổ chức, đơn vị, người dân. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn tới các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã góp sức cùng ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.

Đề cập tới yêu cầu, nhu cầu ngày càng lớn của việc xây dựng xã hội học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời nhằm xây dựng con người đáp ứng sự phát triển của tri thức mới, Bộ trưởng đồng thời cho biết về những việc Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều việc để đáp ứng được yêu cầu này. Đó là việc củng cố, hoàn thiện các quy định, thể chế; trong đó dự kiến năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ bắt tay nghiên cứu, xây dựng Luật Học tập suốt đời…

Để không ai cô độc trên con đường học, tự học

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, cũng như yêu cầu tăng cường hơn nữa sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Giáo dục và Hội Khuyến học, Bộ trưởng gửi gắm tới Hội Khuyến học nhiều mong mỏi cụ thể.

Trước hết, xung quanh câu chuyện khuyến học, khuyến tài, nhưng vẫn phải liên tục đặt ra việc “khuyến” cái gì, “khuyến” như thế nào cho đúng, cho đủ. Bộ trưởng mong mỏi sự hô ứng giữa Hội Khuyến học với Bộ GD&ĐT đã tốt, cần tiếp tục đi vào chiều sâu hơn nữa, để làm sao khuyến khích học tập nhưng góp phần hạn chế bệnh thành tích. Khuyến học nhưng không khuyến bệnh thành tích, khuyến tài nhưng không thúc đẩy sự háo danh; chỉ số sự phát triển cộng đồng, gia đình học tập không chỉ dừng lại ở bao nhiêu bằng cấp.

Đó là mong mỏi, Hội Khuyến học sẽ tiếp tục hô ứng với ngành Giáo dục trong kiên trì triết lý dạy kiến thức căn bản, dạy khả năng thích ứng, tự tích lũy… cho người học. Bởi trong bối cảnh giáo dục tri thức ngày càng bùng nổ, nguồn dữ liệu lớn, bên cạnh khuyến khích học mở mang tri thức, thì cần khuyến khích khả năng tự mở rộng, tự tích luỹ không ngừng, khuyến khích cách để học, phương pháp để học - đó chính là câu chuyện tương lai của việc học.

ngay-khuyen-hoc5-8955.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân Ngày Khuyến học Việt Nam.

Cùng với việc đề cao tự học, trân trọng con người tự học, tự thành tài, theo Bộ trưởng, cần “khuyến” giúp nhau học, chia sẻ để không ai cô độc trên con đường học; khuyến khích tự học, nhưng gia tăng cơ hội, hỗ trợ trong cộng đồng, hình thành các cộng đồng học tập nhiều hơn nữa, tận dụng sức mạnh, cơ hội của thời đại nhiều hơn nữa.

Nhấn mạnh đến việc “dạy người”, Bộ trưởng cho biết: Chúng ta vẫn nói “dạy chữ” và “dạy người”, nghe thì giản dị, nhưng đang là cuộc điều chỉnh lớn. Trải nghiệm học làm người là việc từng ngày, đó là việc học không ngừng, học để chung sống, học để yêu thương, bao dung, tha thứ. Cái đó cần suốt đời, không thể một sớm, một chiều.

Nên, cộng đồng học tập cùng giúp nhau cập nhật kiến thức đã là vô cùng quý; nhưng cần hơn nữa là học tập để làm người; đơn giản nhất là sống một cách lương thiện, biết chia sẻ.

Ngành Giáo dục cũng nhìn thấy trước những thách thức rất lớn đối với con người, nhất là trong bối cảnh kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo, khi đất nước ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường. Để thăng bằng, củng cố lại trước những thách thức lớn đối với giáo dục, vẫn phải quay về câu chuyện giản dị, tưởng như rất đơn sơ là giáo dục giá trị người. Đó là câu chuyện của cả gia đình, dòng tộc, cộng đồng, xã hội…; nhà trường không thể đơn độc làm nổi chuyện này.

Nhân đây, Bộ trưởng nhắc lại những chia sẻ khi tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024. “Trường học ngày xưa kín trong mấy bức tường, ngăn các em tiếp xúc với xã hội đã khó. Giờ xây dựng nền giáo dục mở, “tường” của trường học ngày càng mong manh hơn ngày xưa. Mạng xã hội, internet, tiếp xúc xã hội rộng lớn,… nếu bạo lực trong xã hội không giảm, người lớn không góp phần giảm bạo lực trong xã hội, ở gia đình, thì vô cùng khó giảm bạo lực ở trẻ em”. Từ đó, Bộ trưởng mong các tổ chức hội cùng chung tay để học sinh có được môi trường trong lành từ gia đình, đến xã hội; lúc đó mới có thể nói không với bạo lực học đường.

ngay-khuyen-hoc4-4145.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Hội Khuyến học Việt Nam nhân Ngày Khuyến học Việt Nam.

Một vấn đề khác, Bộ trưởng mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Khuyến học đó là công tác “phụ huynh vận”.

Nhấn mạnh đây là việc lớn, có ý nghĩa quan trọng, Bộ trưởng bày tỏ trăn trở khi đâu đó còn có khoảng cách giữa phụ huynh và nhà trường. Trong khi đó, nếu phụ huynh không thấu hiểu, đồng hành thì rất khó thực hiện đổi mới giáo dục.

Nhà trường vốn dĩ là tổ chức mang tính tập thể, phải tồn tại trong lòng của cộng đồng. Ngành Giáo dục không chấp nhận bất cứ việc làm sai trái, tiêu cực nào từ nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên; nhưng cũng mong muốn phụ huynh đồng hành, đồng lòng, bao dung và chia sẻ.

“Phụ huynh vẫn là mong sự thấu hiểu, chia sẻ đúng cách, đúng bối cảnh, đúng hành động, đặc biệt là quan tâm đến trẻ em một cách đúng đắn”. Nói điều này, Bộ trưởng đồng thời dẫn giải từ một vấn đề luôn được quan tâm trong giáo dục, đó là dạy thêm, học thêm. Trên thực tế, đúng là có hiện tượng giáo viên “ép” học sinh học thêm - đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục. Nhưng cũng không ít phụ huynh bắt con em mình học thêm quá nhiều.

“Mong Hội Khuyến học cùng đồng hành, hỗ trợ, vận động phụ huynh trong việc này. Đại sự nghiệp trồng người cần phải chăm lo cho đúng cách”, Bộ trưởng bày tỏ.

ngay-khuyen-hoc1-9833.jpg
Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Hình thành phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập rộng khắp

Báo cáo tại buổi gặp mặt, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Sau 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố đã làm tốt chức năng tham mưu cho tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở GD&ĐT tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chủ động phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai, thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư đạt kết quả tốt.

Công tác thông tin, truyền thông về giá trị, tầm quan trọng của sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các cấp Hội đặc biệt chú trọng và triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiện đại nhưng cũng phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa của từng địa phương.

Các tổ chức khuyến học tiếp tục được phát triển trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong lực lượng vũ trang, trong các cộng đồng dân cư, trong cơ sở thờ tự tôn giáo… tạo thành hệ thống mạng lưới các cấp Hội Khuyến học từ trung ương đến cơ sở, hình thành phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sôi nổi, rộng khắp trong cả nước.

Chính quyền các cấp ngày càng nhận thức rõ vai trò, vị thế của tổ chức Hội khuyến học nên ngày càng quan tâm, tạo điều kiện, môi trường cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển. Từ đó, cơ hội học tập của người dân - nhất là người lớn, không chỉ học tập trong gia đình, nhà trường mà học tập toàn xã hội ngày càng được nâng cao. Truyền thống hiếu học của nhân dân trong cả nước tiếp tục được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Quỹ Khuyến học và các hình thức khuyến khích học tập được xây dựng và phát triển tốt. Số lượng dư quỹ năm sau cao hơn năm trước, tạo nguồn lực để trao học bổng cho hàng trăm nghìn lượt học sinh và giáo viên trên địa bàn cả nước, tạo động lực thúc đẩy sự học trong nhân dân.

ngay-khuyen-hoc2-4836.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt.

Bên cạnh các kết quả, hoạt động khuyến học trong thời gian qua cũng còn những hạn chế, khó khăn.

Theo đó, nhiều nơi, tổ chức cơ sở đảng chưa quan tâm thực hiện các nội dung của Kết luận 49-KL/TW. Hằng năm, ở một số tỉnh /thành phố, hội cấp huyện chỉ được khoán chi sự nghiệp, còn hội cấp xã hầu như không được cấp kinh phí để hoạt động và triển khai nhiệm vụ được giao. Thậm chí, trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố, huyện này được cấp kinh phí hoạt động còn huyện khác thì không được cấp. Việc chi thù lao cho cán bộ nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo của các cấp hội thấp hơn (hoặc không có) so với quy định tại Quyết định 30/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, gần 40% hội cấp huyện và trên 50% hội cấp xã chưa được công nhận là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nên việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ làm chuyên trách công tác hội trong cả nước còn nhiều khó khăn, hạn chế và rất khác nhau.

Sự phối hợp công tác giữa Hội Khuyến học và các đơn vị trong việc quản lý trung tâm học tập cộng đồng cấp xã ở một số nơi chưa hiệu quả nên hạn chế đến việc thúc đẩy học suốt đời của người dân tại các trung tâm, cộng đồng dân cư. Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị khi thực hiện số hóa, triển khai phần mềm đánh giá mô hình “Công dân học tập” là tương đối phổ biến…

Chia sẻ với những tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhận định đó là phát biểu sâu sắc, “từ tâm can”, GS.TS Nguyễn Thị Doan bày tỏ đồng tình với những vấn đề Bộ trưởng đưa ra và cho biết Hội Khuyến học Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, đồng hành.

Với việc chống bệnh thành tích trong giáo dục, GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nhà trường, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Công tác “phụ huynh vận” là vô cùng quan trọng. Nhiều phụ huynh thích thành tích, vô tình thúc đẩy dạy thêm, học thêm. Đồng thời, suy nghĩ dù nghèo cũng phải bằng mọi giá cho con học lên đại học, không tính đến các yếu tố khác nên rất khó khăn trong công tác phân luồng, hướng nghiệp…

Vấn đề phương pháp khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng tình quan điểm khuyến khích phương pháp học, tự học thật tốt, nhưng không để người học phải đơn độc…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.