Từ tử thi vô thừa nhận
Vào cuối thế kỷ thứ 19, thi thể của một thiếu nữ được phát hiện trôi nổi trên sông Seine ở Paris. Do không có bằng chứng về hành vi bạo lực nào đối với cô ta, qua khám nghiệm tử thi, người ta cho rằng cô gái đã tự kết liễu mạng sống của mình. Điều này không có gì là lạ ở nơi này trong thời điểm đó.
Bình quân, mỗi năm cảnh sát đường sông ở Paris đã vớt khỏi làn nước đục của dòng sông Seine khoảng 200 người. Ít nhất một phần tư trong số này là những tử thi và phân nửa được cho là những người chán sống. Những phụ nữ trẻ chiếm phần lớn trong số những kẻ tự tử ở dòng sông này.
Trong những ngày này, khi một thi thể không xác định danh tính được phát hiện, người ta sẽ đặt kẻ xấu số lên một phiến đá cẩm thạch và đưa lên ngang với cửa sổ nhà xác cho mọi người quan sát, với hy vọng một người nào đó sẽ nhận dạng được người chết và thông báo cho thân nhân đến nhận.
Cái chết và sự trừng phạt từng là những hình thức phổ biến trong nền giải trí ở châu Âu và việc phô bày các tử thi một cách ghê rợn đã khiến mọi người - từ trẻ cho đến già - tìm đến nhà xác, do tò mò và cũng do hy vọng tìm được người thân mất tích của mình. Nhưng không có gì thu hút sự tưởng tượng của những người dân Paris vào năm đó, và thế kỷ tiếp theo nữa, như tử thi của thiếu nữ đẹp và bí ẩn này.
Câu chuyện kể rằng, một nhà bệnh học làm nhiệm vụ khám tử thi đã trở nên mê mẩn bởi vẻ đẹp của cô gái, đến nỗi ông ta đắp thạch cao lên khuôn mặt của cô và hình thành chiếc mặt nạ có hình người đẹp. Chẳng bao lâu, khuôn mặt bằng thạch cao trắng của người đẹp vô danh với nụ cười của nàng Mona Lisa bắt đầu xuất hiện trong các cửa hàng ở khắp Paris.
Vào những năm sau đó, các bản sao của mặt nạ trở thành một vật không thể thiếu trong những nơi ở của giới sang trọng khắp châu Âu. Nụ cười bí ẩn này đã làm say mê các họa sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia và trong nhiều thập niên, hàng chục bài thơ đã được viết và nhiều câu chuyện được sáng tác để trao cho người đẹp một thân phận, một danh tính.
Trong quyển tiểu thuyết ra đời năm 1900 của Richard Le Gallienne mang tên The Worshipper of the Image, một nhà thơ người Anh đã phải lòng chiếc mặt nạ này, cuối cùng đưa đến cái chết của cô con gái ông ta và vợ ông ta phải tự tử. Năm 1936 bộ phim của Đức Die Unbekannte, lấy cảm hứng từ chiếc mặt nạ người chết này, kể về một cô gái mồ côi bị cám dỗ bởi một chàng trai giàu có, sau khi bị người yêu bỏ rơi, cô phải tự tử.
Khuôn mặt được cho là của người phụ nữ chết đuối trên sông Seine |
Đến mặt nạ người đẹp
Tiếp theo nhiều thế hệ, khi nhà sản xuất đồ chơi người Na Uy, Asmund Laerdal, phải chọn khuôn mặt cho một mannequin để huấn luyện CPR (Kỹ thuật hồi sinh tim phổi hay hô hấp nhân tạo), ông nhớ đến khuôn mặt của “Inconnue de la Seine”, tức người phụ nữ vô danh của sông Seine.
Đó là vào những năm 1960, Asmund Laerdal được tiếp cận bởi Peter Safar, một bác sĩ người Áo tiên phong trong kỹ thuật CPR, để hỗ trợ huấn luyện kỹ thuật mới phát minh. Laerdal suýt mất đứa con trai của mình do đuối nước vài năm trước đó, và điều này giúp ông tiếp thu nhanh chóng ý tưởng này.
Laerdal thiết kế một con búp bê như người thực và nặn khuôn mặt dựa vào chiếc mặt nạ người chết nổi tiếng. Búp bê này, mang tên Resusci Anne, là một trong những sản phẩm y học nổi tiếng nhất của Laerdal và được dùng rộng rãi trên khắp thế giới để huấn luyện sinh viên y khoa và nhân viên y tế kỹ thuật làm hồi tỉnh môi áp môi. Cũng chính động tác này khiến một số người gọi đây là cô gái được hôn nhiều nhất trên Trái đất.
Bằng cách chọn mặt nạ của cô, Laerdal đã biến Resusci Anne thành một đài tưởng niệm của người phụ nữ vô danh bị chết chìm ở sông Seine. “Bởi vì cô ta không có tên và vẫn còn là một bí ẩn nên chúng ta không bao giờ tiếp cận cô ấy và làm ô uế cô ấy. Chúng ta thực hiện chính ước mơ của chúng ta lên cô ấy”, tài liệu của công ty Laerdal viết.
Nhưng qua nhiều thập niên, những câu hỏi về sự xác thực của khuôn mặt đã được đặt ra. Đây có phải là mặt nạ từ khuôn mặt của người phụ nữ đuối nước hay là từ khuôn mặt được làm từ một người đẹp còn sống?
“Thật ngạc nhiên khi thấy một khuôn mặt lộ vẻ yên bình như vậy”, Pascal Jacquin, thiếu tướng thuộc tiểu đoàn Fluviable, cảnh sát đường sông ở Paris, đơn vị chịu trách nhiệm vớt những thi thể từ sông Seine, nói. Pascal Jacquin là người thấy nhiều thi thể đuối nước hơn bất cứ ai khác ở Paris. “Những người mà chúng tôi vớt lên từ dưới nước, do đuối nước hay tự tử, trông không hề yên bình chút nào. Họ phình lên trông rất khủng khiếp”, ông giải thích.
Theo Jacquin, chết đuối từ bạo lực và ngay cả tự tử, người ta cũng vùng vẫy tìm sự sống trong khoảnh khắc cuối cùng. Những khoảnh khắc sau cùng của sự sợ hãi, nỗi đau và lưỡng lự thường làm cơ mặt tê liệt. Người phụ nữ này lại khác, cô ta có khuôn mặt trong sáng, trông giống như đang ngủ và mơ về người yêu.
Khi trang BBC tham khảo ý kiến của các chuyên gia, những người này cũng đồng ý rằng, khuôn mặt của người phụ nữ vô danh này trông khỏe mạnh chứ không phải là khuôn mặt tử thi. Michel Lorenzi, người làm chủ một xưởng đúc ở Paris thì cho biết, mặt nạ này có thể được lấy mẫu từ người sống. “Thật khó để duy trì một nụ cười trong khi thực hiện khuôn đúc bằng thạch cao. Tôi nghĩ cô ta là một người mẫu rất chuyên nghiệp”.
Mô hình hướng dẫn kỹ thuật hô hấp nhân tạo với khuôn mặt của Inconnue de la Seine |