Theo thông tin mới được công bố bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland, Mỹ, hóa thạch trên, có tên gọi MRD-VP-1/1, được tìm thấy vào tháng 2.2016 tại khu vực khảo cổ Woranso-Mille thuộc vùng Afar, phía Bắc Ethiopia, và các nhà khảo cổ cùng các nhà cổ sinh vật học đã tiến hành phân tích một cách sâu rộng hóa thạch này kể từ đó.
Hộp sọ được xác định thuộc chủng loại Australopithecus anamensis, và được tìm thấy trên bãi cát ven khu vực đổ ra sông của một con hồ.
Mảnh sọ đầu tiên được tìm thấy thuộc vùng hàm trên, khi nó được lộ ra trên mặt đất. Các mảnh còn lại được tìm thấy sau khi các nhà khảo cổ tiến hành kiểm tra kỹ hơn khu vực này.
Tiến sĩ Yohannes Haile-Selassie, quản lý Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland, đồng thời là Giáo sư Thỉnh giảng của Đại học Case Western Reserve, người chỉ đạo nhóm nghiên cứu trên, đã miêu tả phát hiện này như một “khoảnh khắc eureka có thật.”
“Tôi không thể tin vào mắt mình sau khi phát hiện ra phần còn lại của hộp sọ này", Tiến sĩ Selassie phát biểu.
Kết luận quan trọng nhất mà các nhà nghiên cứu từng đưa ra là việc chủng loại Australopithecus anamensis đã cùng tồn tại ít nhất 100.000 năm với chủng loại hậu thế của nó, Australopithecus afarensis, nhằm bác bỏ giả thuyết trước đó cho rằng quá trình tiến hóa của loài người chỉ mang tính tuần tự theo thời gian.
Lucy, một trong những hài cốt cổ nhất và hoàn chỉnh nhất của loài vượn người biết đi thẳng, thuộc về chủng loài Australopithecus afarensis sống từ khoảng 3,9 tới 2,9 triệu năm trước.
Trước đó, những cái nhìn sơ bộ về Australopithecus anamensis vốn chỉ thông qua các mảnh răng và hàm của chủng loài này.
Theo tiến sĩ Selassie, việc phát hiện ra một hộp sọ hoàn chỉnh sẽ lần đầu tiên cho phép các nhà khoa học được nghiên cứu một cách bao quát hơn hình thái của Australopithecus anamensis.
Chủng vượn người này có “sự pha trộn các đặc tính nguyên thủy trên khuôn mặt và hộp sọ”, hay nói cách khác là các đặc tính “giống với loài vượn”.
Khuôn mặt phục dựng gần như hoàn chỉnh của người vượn thuộc chủng loài Australopithecus anamensis (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland).
Báo cáo của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland cũng cho biết các hóa thạch người tiền sử có niên đại từ 4,1 đến 3,6 triệu năm trước thường “vô cùng hiếm”.
Các nhà nghiên cứu thường ước lượng thời điểm hình thành của các khoáng vật ở các lớp đá núi lửa gần đó để xác định độ tuổi của một hóa thạch, đồng thời kết hợp việc quan sát thực địa với phân tích các dấu tích sinh học hiển vi để có thể tái tạo cảnh quan, thảm thực vật và điều kiện thủy văn nơi tổ tiên của chúng ta đã qua đời.
Các lớp đá núi lửa trên mặt đất và dưới đáy hồ cho phép các nhà nghiên cứu phác thảo điều kiện cảnh quan và quá trình thay đổi của chúng theo thời gian.
Theo Beverly Saylor, giáo sư địa tầng và trầm tích học tại Đại học Beverly Saylor, khu vực hồ nơi hộp sọ được phát hiện vốn rất khô hạn.
Kể từ khi bắt đầu quá trình nghiên cứu thực địa tại Woranso-Mille vào năm 2004, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 12.600 mẫu hóa thạch, đại diện cho khoảng 85 loài động vật có vú khác nhau.