Khủng hoảng tại Syria

Khủng hoảng tại Syria

(GD&TĐ) - Tàu Nga đang trực chiến tại Địa Trung HảiHôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trực tiếp trước toàn thể nhân dân Mỹ kêu gọi ủng hộ quyết định tấn công Syria. Ngày mai (11/9), Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về quyết định này. Theo các nhà phân tích, nếu Quốc hội Mỹ đồng thuận với quyết định của Tổng thống, cuộc tấn công Syria có thể sẽ bắt đầu vào giữa tuần này.

Ả Rập là "hầu bao" chiến tranh

Có vẻ như tuần này là thời điểm quyết định cho các sự kiện xung quanh câu chuyện Syria. Ngày thứ ba (10/9), Tổng thống Barack Obama có bài phát biểu đặc biệt trước toàn thể nhân dân Mỹ nhằm giải thích tại sao cần một chiến dịch quân sự chống lại chính quyền Bashar Assad. Ngay sau đó, vào thứ tư, vấn đề này sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét.

Trong khi đó, vào thứ sáu tuần trước, Nhà Trắng xem xét khả năng mở rộng kế hoạch quân sự tấn công Syria. Trước đó nữa, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cuộc tấn công Syria sẽ có quy mô và thời gian “hạn chế”- tên lửa hành trình chỉ được bắn từ biển (từ các tàu khu trục, tàu ngầm) và chỉ diễn ra trong khoảng 48 giờ. Tuy nhiên, tờ The New York Times trích nguồn tin từ Chính phủ Mỹ mới đây cho biết, Barack Obama có ý định “mở rộng kế hoạch tấn công 50 mục tiêu” đã dự định từ trước.

Theo The New York Times, chính quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên đề cập đến khả năng sử dụng máy bay Mỹ, Pháp để ném bom những mục tiêu cụ thể. Các chuyên gia tin rằng trong chiến dịch này Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom chiến lược dạng như B-52.

Các mục tiêu chính của máy bay ném bom là những cơ sở sản xuất vũ khí hóa học cũng như các căn cứ quân sự của quân đội Syria, trong đó có các trận địa phòng không, pháo binh, tên lửa...

Trong trường hợp cuộc tấn công Syria được mở rộng, chi phí cho nó sẽ “đội” lên khá nhiều. Theo các chuyên gia, giá mỗi quả tên lửa Tomahawk vào khoảng trên 1 triệu USD, còn 1 giờ bay của máy bay ném bom chiến lược có giá 60 ngàn USD. Tuy nhiên, chính quyền Barack Obama ra sức trấn an dân chúng rằng cuộc tấn công vào Syria hoàn toàn khác với cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan, còn về kinh tế thì các đồng minh Ả Rập của Mỹ sẵn sàng “chịu trách nhiệm”. Trong tuyên bố vào ngày 6/9, Barack Obama thừa nhận rằng ông đang cân nhắc giữa hai lựa chọn: Tấn công hạn chế và tấn công mở rộng. 

Biểu tình chống can thiệp quân sự vào Syria trên quảng trường Thời Đại (Mỹ)
Biểu tình chống can thiệp quân sự vào Syria trên quảng trường Thời Đại (Mỹ)
 

Những rào cản cuộc chiến

Mấy ngày nay cả thế giới hồi hộp dõi theo những diễn biến xung quanh câu chuyện Mỹ tấn công Syria.

Các nhà phân tích khẳng định, nếu mở rộng đáng kể các mục tiêu đánh phá với sự tham gia của không quân Mỹ, Pháp hay một số đồng minh khác, hậu quả của cuộc chiến là khó có thể đoán định. “Vấn đề ở chỗ, các nước phương Tây không có một chiến lược thực tế và sự hiểu biết những gì sẽ xảy ra và họ sẽ làm gì sau cuộc tấn công?”- chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu khoa học chính trị Paris Ronald Atto nhận định. Cũng theo lời Ronald Atto thì Nga đã cung cấp cho Syria hệ thống phòng không hiện đại, nếu sử dụng máy bay, không quân Mỹ, Pháp sẽ bị đe dọa thực sự. 

Ngày 7/9, các ngoại trưởng EU nhóm họp tại thủ đô Vilnius của Lithuania - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận được cái lắc đầu của hầu hết Ngoại trưởng các nước EU. Họ cho rằng, Mỹ hãy khoan hành động cho tới khi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc báo cáo về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.  

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon khẳng định mọi cuộc tấn công quân sự vào Syria phải được thực hiện cùng với quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, còn cuộc tấn công của Mỹ có thể dẫn đến bất ổn hơn. Với bài bình luận “Kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ chống Syria sẽ dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng”, Tân Hoa Xã khẳng định: “Can thiệp quân sự vào Syria sẽ có tác động lớn không chỉ tới địa chính trị của khu vực mà còn tạo ra hiệu ứng xung đột lan rộng sang một số lượng lớn các quốc gia ở Trung Đông và cả thế giới nói chung”. Tân Hoa Xã nhấn mạnh: “Sau những bài học đau đớn từ những cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan mà hậu quả của chúng đã và đang được cảm nhận trên khắp thế giới, có một niềm tin rằng giải pháp chính trị là cách tốt nhất và duy nhất để chấm dứt khủng hoảng ở Syria”.

Pháp là nước cam kết sát cánh cùng Mỹ trong cuộc tấn công này, tuy nhiên, những ngày gần đây nước này có phần do dự. Đa số các nước lo ngại tình hình bất ổn tại Trung Đông sẽ gia tăng, kinh tế thế giới sẽ lún sâu vào khủng hoảng bởi giá dầu sẽ tăng vọt.

Băn khoăn của dư luận ngày càng tăng khi Tổng thống Nga V.Putin công khai tuyên bố trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G-20 chiều 6/9 rằng Nga sẽ giúp Syria nếu nước này bị tấn công từ bên ngoài. Trước đó Moskva đã cử một loạt chiến hạm tới Địa Trung Hải, nơi có 6 tàu khu trục Mỹ đang đợi lệnh tấn công Syria. Gần đây nhất, tàu Nikolai Filchenkov chở “hàng đặc biệt” tới Địa Trung Hải với sứ mệnh… trực chiến.

Trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, các cuộc biểu tình phản đối can thiệp quân sự vào Syria nổ ra rầm rộ.

Theo con số thăm dò mới nhất, 223 nghị sĩ của Hạ viện Mỹ có khả năng phản đối can thiệp quân sự vào Syria và con số này đang được tăng lên. Cuộc bỏ phiếu phê chuẩn quyết định tấn công Syria của Quốc hội Mỹ sẽ được tiến hành vào ngày mai. Nếu Quốc hội Mỹ ủng hộ, cuộc tấn công Syria có thể sẽ xảy ra vào giữa tuần này.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.