Anh phản ứng nhanh nhưng thận trọng
Giới chức Anh đã phản ứng nhanh nhưng thận trọng sau vụ khủng bố này. Trong những giờ đầu tiên sau khi vụ khủng bố xảy ra, giới chức cảnh sát Anh tuyên bố họ đi theo giả thuyết vụ khủng bố được thực hiện bởi các phần tử hồi giáo cực đoan nhưng từ chối tiết lộ danh tính của kẻ tấn công.
Cảnh sát Anh đã ngay lập tức mở cuộc điều tra và ngay trong tối và đêm thứ Tư, đến nay đã tiến hành bắt giữ 8 nghi phạm.
Vụ tấn công khủng bố xảy ra trong lúc Hạ viện Anh đang có cuộc họp, phiên họp ngay lập tức bị dừng và các nhà lập pháp được yêu cầu ở lại bên trong. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, nhiều cuộc khám xét cũng được tiến hành khẩn cấp tại 6 địa điểm trên khắp nước Anh, tại thủ đô London, tại thành phố Birmingham và nhiều nơi khác. Có thể nói, phản ứng của giới chức Anh là tương đối nhanh.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, bọn khủng bố đã không chọn địa điểm hành động một cách ngẫu nhiên bởi nơi diễn ra vụ khủng bố chính là trái tim của London và nước Anh, nơi có những biểu tượng lớn nhất của đảo quốc này như cầu Westminster, tháp đồng hồ Big Ben hay Nghị viện Anh.
Nhưng bà May tuyên bố là nước Anh sẽ không thay đổi mức báo động khủng bố. Hiện tại London vẫn giữ mức báo động khủng bố ở mức “nghiêm trọng”, là mức 4 trên 5 cấp độ khủng bố.
Trên thực tế thì từ sau vụ khủng bố tại Paris tháng 11/2015, an ninh đã được tăng cường đáng kể tại nước Anh và thủ đô London khi giới chức nước này bổ sung thêm 600 cảnh sát bảo vệ an ninh cho London, nâng tổng quân số lên 2.800 người.
Sở cảnh sát London cũng cho biết là từ tháng 6/2013 đến nay họ đã phá được 13 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào London, tức là từ lâu nay, London đã luôn là một trong những mục tiêu lớn mà bọn khủng bố nhắm tới.
Ngay sau vụ việc, bà May lên tiếng cho rằng, đây là vụ tấn công “bệnh hoạn và xấu xa” nhằm vào trái tim của thủ đô London. Ảnh: Reuters.
Hành động “đơn độc”
Cách thức mà kẻ tấn công khủng bố ở London sử dụng là tương tự như vụ khủng bố tại Nice (Pháp) ngày 14/7/2016 hay tại chợ Noel ở Berlin trong dịp Giáng sinh 2016, tức là sử dụng phương tiện vận tải thông dụng là ô tô làm phương tiện gây án. Trong cả hai vụ trước, kẻ khủng bố cũng hành động đơn độc.
Đây thực ra không phải là điều quá mới mẻ với các lực lượng an ninh châu Âu bởi trong báo cáo đưa ra hồi tháng 8/2016 của Cơ quan cảnh sát châu Âu, Europol thì nguy cơ tấn công khủng bố dạng này đã được nhắc đến nhiều.
Tức là, để tránh sự theo dõi và kiểm soát ngày càng chặt chẽ của các lực lượng an ninh thì các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, nhất là IS, đang tìm cách thay đổi.
Chúng không dùng đến những cách phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ như đai thuốc nổ tự sát hay súng tấn công hạng nặng nữa mà chuyển sang sử dụng các phương thức đơn sơ hơn là dùng xe lao vào đám đông.
Mục đích là hành động ít bị chú ý nhất và gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất. Đây là phương thức rất khó đối phó bởi các phần tử khủng bố có thể sử dụng bất cứ chiếc xe ô tô dân dụng nào và lao vào bất cứ đám đông nào trên đường.
Chúng lại hành động một mình theo kiểu “con sói đơn độc” nên không cần tạo lập mạng lưới trao đổi để qua đó bị các cơ quan an ninh theo dõi.
Vụ khủng bố xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm vụ tấn công do chiến binh Hồi giáo thực hiện, khiến 32 người chết ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters.
Có thể nói, các cách thức khủng bố này tuy đơn giản nhất nhưng lại khó đối phó nhất bởi lực lượng an ninh không thể nào giám sát tất cả các xe chạy trên đường để ngăn chặn nguy cơ. Đây thực sự là bài toán đau đầu với các cơ quan an ninh châu Âu.
Một điều đáng buồn là vụ tấn công bằng xe tại London diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm một năm vụ khủng bố tại Brussels, Bỉ. Trong khi chưa đầy 4 tháng trước, người dân tại Berlin, Đức cũng phải trải qua những thời khắc kinh hoàng như vậy.
Vụ tấn công ở London một lần nữa cho thấy, Hồi giáo cực đoan đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến sự an toàn của các công dân châu Âu mà còn làm rạn nứt xã hội, đẩy cao các xung đột về tôn giáo, sắc tộc và văn minh giữa các sắc dân sống trong lòng xã hội các nước như Pháp, Bỉ hay Anh.
Tâm lý chán ghét và thù hận Hồi giáo cực đoan đang dâng cao tại các nước này và rất dễ dẫn đến việc đánh đồng những phần tử khủng bố cực đoan này với cả những cộng đồng Hồi giáo ôn hòa khác.
Điều này sẽ làm xã hội bất ổn thường trực và đến một mức độ nào đó, những công dân châu Âu bản địa cũng sẽ phản ứng lại một cách cực đoan bằng cách ủng hộ các đảng phái cực hữu bài ngoại, phát xít và khi đó thì nguy cơ đổ vỡ xã hội là khó tránh khỏi./.