Khúc bi tráng của giao hưởng tháng Tám

Khúc bi tráng của giao hưởng tháng Tám

(GD&TĐ) - Tôi thường đi không biết bao lần qua cái hàng song sắt ấy, và chẳng thể nào quên những vết đạn còn vương lại theo thời gian. Đôi lúc tôi cứ ngẩn ra trước một lỗ sâu hoắm còn giữ lại cái vỏ đạn trên thanh sắt của hàng rào bao quanh Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Nhà khách này chính là dinh thự Bắc Bộ phủ xưa kia, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu kiên cường và bất khuất của một đơn vị vệ quốc đoàn nhỏ bé, chống lại cả binh đoàn lính lê dương của thực dân Pháp, cách đây ngót  68 năm. 

1. Mọi ký ức trở về như ngày nào khi bài ca 19 tháng Tám vang lên trong tâm tưởng mọi người. Một không khí rạo rực và hào hùng khi quân và dân Thủ đô ào ạt tiến lên trong ngày giành lại chính quyền. Hàng vạn người tập trung ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám, trước cửa nhà hát Lớn, với niềm khao khát cháy bỏng giành lại một đất nước dân chủ, tự do.

Ai ai cũng tập trung lắng nghe lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa. Rồi hàng vạn người chia thành hai hướng, để đánh chiếm Phủ Khâm sai và Trại bảo an binh, với khí thế cách mạng trào dâng như nước cuốn. Con đường dẫn tới Phủ Toàn quyền tràn ngập người, vì nơi đây chính là trụ sở tập trung của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim và bọn tay sai. 

Cùng tham gia với dòng người đi giành lại chính quyền, nhạc sĩ Xuân Oanh không ngờ cảm xúc trào dâng trong lòng, như một sự ấp ủ hy vọng từ lâu, nay bỗng bật lên những lời ca đầu tiên. Lúc đó ở lứa tuổi 20, nhạc sĩ trẻ Xuân Oanh, một đội viên của đội tuyên truyền cách mạng đã sáng tác bằng trí tưởng tượng và cảm hứng bất chợt trào dâng.

Dào dạt với khí thế cách mạng, âm nhạc và lời ca tự vang lên từ trái tim nóng bỏng của người nghệ sĩ, chiến sĩ cùng với lá cờ đỏ sao vàng và cây đàn trong tay: “Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới - cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…”. Cứ thế từng câu, từng nốt nhạc được truyền đi, từ người này sang người khác, dần dần lan xa đi khắp nơi, hừng hực khí thế trong đội ngũ quân hành. 

Chẳng bao lâu sau đó, chính phủ bù nhìn phải bàn giao chính quyền về tay nhân dân. Lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc nhà Phủ Toàn quyền. Bầu trời tháng Tám xanh trong và tưng bừng trong không khí của một ngày hội toàn dân.

Ngay hôm sau (20/8/1945), trước ngôi nhà này, tại vườn hoa Diên Hồng (trước là vườn hoa Con Cóc), Ủy ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ ra mắt, trước niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân thủ đô. Và cũng chính tại ngôi nhà này, mọi người lại nô nức chuẩn bị cho việc làm lễ ra mắt Chính phủ Lâm thời, trước quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình theo kế hoạch đã định từ trước.

Từ đó, ngôi nhà Phủ Toàn quyền được đổi thành Bắc Bộ phủ, và trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng; đồng thời cũng là nơi Bác Hồ, rời từ địa chỉ 48 Hàng Ngang, về làm việc trong những ngày đầu tiên. Tại đây, chính quyền cách mạng đã phân công các chiến sĩ thuộc Vệ quốc đoàn và Tự vệ Hoàng Diệu làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. 

Nhưng rồi mọi chuyện trở nên nóng bỏng khi giặc Pháp âm mưu trở lại đánh chiếm nước ta một lần nữa. Bác Hồ đã chỉ đạo kế hoạch chống Pháp khi tình thế bất lợi; Toàn quân và dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân xâm lược với tư duy chiến lược lâu dài: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Tình thế ngày càng quyết liệt khi giặc Pháp đổ bộ hàng chục ngàn quân vào nước ta và âm mưu tiêu diệt bộ máy Nhà nước non trẻ của chúng ta. Bác đã rời khỏi Bắc bộ phủ vào tháng 11 năm 1946, rồi đến làm việc ở một số địa điểm bí mật khác, để chuẩn bị kế hoạch bảo toàn lực lượng cách mạng, và viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 

Nhà khách Chính phủ – Bắc Bộ phủ xưa (12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nhà khách Chính phủ – Bắc Bộ phủ xưa (12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
 

2. Đúng ngày quân Pháp trở mặt tấn công, những người dân Thủ đô lại sôi nổi với mặt trận chiến đấu mới; hàng ngàn thanh niên xung phong lên đường tham gia kháng chiến cứu nước. Nhiều đội chiến sĩ cảm tử quân, ở các mặt trận trên địa bàn Hà Nội náo nức chuẩn bị chiến lũy đánh chặn kẻ thù, để bảo toàn cho lực lượng cách mạng rút lui nhanh chóng. Toàn dân tộc ta sôi động trong một tâm thế mới của những ngày toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 19/12/1946, vang lên: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Hỡi đồng bào!... Là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…”

Và đó cũng là ngày giặc Pháp mở cuộc tiến công hòng đánh chiếm Bắc bộ phủ một cách dữ dội, với âm mưu đánh úp trụ sở lãnh đạo chính quyền cách mạng. Để cầm chân giặc, chính quyền cách mạng đã cử một đại đội cảm tử ở lại, cùng với các đơn vị khác ở các trận địa trên khắp địa bàn Hà Nội, chiến đấu với khẩu hiệu “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Riêng đại đội 1, thuộc tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101, do chính trị viên Lê Gia Định phụ trách, ở lại giữ Bắc Bộ phủ. Sau khi làm lễ nhận danh hiệu “Đội quyết tử của Thủ đô”, các chiến sĩ còn nắm tay nhau thề: “Chúng tôi còn, Bắc Bộ phủ còn”.

Có thể coi đây là một lễ truy điệu sống của những anh hùng Thủ đô, trẻ trung và quả cảm. Với họ đây là ngôi nhà của cha Hồ, nơi nuôi dưỡng những ý tưởng cách mạng giải phóng đất nước, giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Họ sẽ quyết hy sinh cho đến chiến sĩ cuối cùng để bảo vệ ngôi nhà lịch sử này. Cuộc chiến đấu mang tính chất một mất một còn, nung nấu ý chí của những người con thân yêu của Thủ đô; Họ sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử với giặc Pháp.

Biết lực lượng của ta có ít người cùng với số lượng vũ khí khiêm tốn, giặc Pháp huy động một đơn vị xe tăng, gồm 18 chiếc, cùng khoảng 300 tên lính lê dương mở cuộc tấn công ào ạt nhằm nhanh chóng chiếm lại Bắc Bộ phủ.

Một cuộc chiến tưởng như không cân sức, nhưng không ngờ, suốt từ 21 giờ tối 19/12 đến 15 giờ ngày 20/12/1946, giặc Pháp đổ bộ quân tới 6 lần bắn phá dữ dội vào Bắc Bộ phủ nhưng đều bị các chiến sĩ ta đánh bật ra. Chúng bị chết và thương vong khá nhiều, tính tới hơn trăm tên và không lường được sự chống trả quyết liệt và sẵn sàng hy sinh của những người lính cụ Hồ.

Lần lượt từng chiến sĩ đều giành lấy nhiệm vụ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, và bắn trả kẻ địch đến viên đạn cuối cùng. Lực lượng của đại đội 1 bị tiêu hao dần, bởi kẻ địch quá đông, trong khi đó đạn dược cũng đã cạn kiệt. 

Bất ngờ, xe tăng địch húc đổ hàng rào để cho bộ binh tiến vào; nhưng các chiến sĩ ta vẫn kiên cường bắn trả và quyết sống mái đánh một trận cuối cùng, nên giặc Pháp không dễ gì vào được tới cửa. Nhưng rồi mọi người lần lượt hy sinh chỉ còn lại đại đội trưởng Lê Gia Định.

Giặc Pháp lò dò tiến vào ngôi nhà. Anh chờ cho bọn chúng vào trong sân, rồi bất ngờ ôm quả bom lớn lao đến đập kíp nổ vào thành xe tăng. Quả bom nổ tung, xe tăng cháy bùng lên và hàng chục tên lính Pháp lăn lộn trong vũng máu.

Người chính trị viên đại đôi đã anh dũng hy sinh trong thế đứng cao vời vợi cùng những tiếng ca vang từ hàng triệu trái tim người con đất Việt. Cả đơn vị anh hùng; đã chiến đấu và hy sinh anh dũng đúng như lời thề: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”…

3. Giờ đây, tất cả đã trở thành quá khứ, một quá khứ hào hùng và bất tử. Mỗi vết đạn còn ghi dấu trên hàng rào sắt của ngôi nhà lịch sử ấy. Mỗi vết đạn như một câu chuyện có thể âm vang lên những âm thanh của một thời hào sảng.

Mỗi khi đến ngày tháng Tám, bao giờ trong tôi cũng vang lên bản giao hưởng hùng ca của một ngày cách mạng bắt đầu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày lại ngày, đi qua ngôi nhà lịch sử cách mạng, Bắc Bộ phủ xưa và Nhà khách Chính phủ nay, tôi không thể không dừng chân trước những vết đạn lỗ chỗ đây đó, với bao cảm xúc trào dâng. 

Những tiếng nổ, những ánh lửa và những lời hát của bài ca 19 tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh lại vang lên: “ Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa – Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam…” . Khi ấy hình ảnh anh hùng Lê Gia Định lại hiện lên cùng với đồng đội tạo nên một hình tượng kỳ vĩ. Sự hy sinh của họ luôn luôn đánh thức mọi điều còn ẩn giấu trong tôi, với ý niệm thiêng liêng cao cả. Vẻ đẹp của sự quyết tử, mà họ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, như một bức tranh bi tráng và mỹ lệ xiết bao.

Vương Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ