Không thể xem thường

GD&TĐ - Tại Anh, gần 2/3 số phụ huynh tham gia khảo sát cho biết, con họ trở nên gắt gỏng khi bị táo bón.

Trẻ bị táo bón có thể gặp căng thẳng. Ảnh minh họa
Trẻ bị táo bón có thể gặp căng thẳng. Ảnh minh họa

Tại Anh, gần 2/3 số phụ huynh tham gia khảo sát cho biết, con họ trở nên gắt gỏng khi bị táo bón. Trong khi đó, 1/3 phụ huynh cho rằng, táo bón khiến trẻ ngủ ít hơn.

Phổ biến ở trẻ

Táo bón được định nghĩa là tình trạng giảm tần suất hoặc gặp đau đớn khi đi đại tiện. Trẻ em từ 1 - 4 tuổi thường đi đại tiện từ một đến bốn lần một ngày. Hầu hết trẻ đi tiêu ít nhất hai ngày một lần. Trong khi đó, một số trẻ có thể bị táo bón. Khi trẻ bị táo bón lâu ngày, đại tràng sẽ căng ra và có thể xảy ra tình trạng ứ phân.

Theo ông Michael Wilsey - chuyên gia về tiêu hoá nhi khoa, gan và dinh dưỡng tại Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi đồng Johns Hopkins (Mỹ), táo bón là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ mẫu giáo và các bé trong độ tuổi đi học. Có tới 25% số trẻ đến gặp bác sĩ tiêu hóa nhi khoa do liên quan đến vấn đề táo bón.

Ở trẻ em, táo bón thường là kết quả của những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc thói quen, trong quá trình tập đi vệ sinh hay sau khi bị bệnh. Bất cứ điều gì khiến trẻ không còn thói quen bình thường đều có thể ảnh hưởng đến khả năng đi tiêu của trẻ. Đôi khi, trẻ có thể nhịn đi đại tiện bởi không muốn sử dụng nhà vệ sinh lạ. Điều này xảy ra phổ biến hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học.

Nếu trẻ táo bón, phân bị giữ lại có thể tích tụ và từ từ làm căng đại tràng. Đại tràng quá căng không hoạt động bình thường và giữ lại nhiều phân hơn. Việc đại tiện trở nên rất đau đớn. Khi đó, trẻ sẽ cố gắng nhịn đi đại tiện.

Các hành vi nhịn đi đại tiện ở trẻ có thể bao gồm bóp cơ mông, khóc hoặc bắt chéo chân. Việc giữ lại phân làm cho tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.

Các chuyên gia tại Anh ước tính, có tới 1/3 trẻ em bị táo bón. Trong đó, các lý do phổ biến bao gồm: Bệnh tật, chế độ ăn uống kém, sợ đi vệ sinh. Không có gì ngạc nhiên khi táo bón có thể khiến trẻ khổ sở.

Trẻ nhỏ bị táo bón có thể không hiểu đầy đủ lý do tại sao chúng cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn. Điều này có thể khiến trẻ trở nên gắt gỏng, khó ngủ và cảm thấy không thoải mái.

Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi tổ chức dược phẩm Docusol Pediatric trên hơn 1.000 phụ huynh cho thấy, 2/3 cha mẹ (66%) cho biết, trẻ trở nên gắt gỏng khi bị táo bón. Một nửa (50%) phụ huynh cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì khi trẻ bị táo bón.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm táo bón ở trẻ. Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm táo bón ở trẻ. Ảnh minh họa

Ảnh hưởng thể chất và tinh thần

Dược sĩ Sultan Dajani - cố vấn của Docusol Paediatric, nhận xét: “Chúng tôi cho rằng, việc đi tiêu chỉ diễn ra như một chức năng bình thường của cơ thể - một bản năng. Chúng ta không cần phải dạy trẻ sơ sinh cách đi tiêu. Tuy nhiên, tình trạng táo bón ở trẻ em lại rất phổ biến”.

Chuyên gia này dẫn chứng, theo ước tính, cứ 7 người lớn thì có khoảng 7 người ở Anh bị táo bón. Trong khi đó, cứ 3 trẻ em thì có 1 bé bị táo bón bất cứ lúc nào. 3/4 số phụ huynh được thăm dò cho biết, con họ từng bị táo bón ở một thời điểm nào đó.

Gần 4/10 (39%) cha mẹ cho biết, con họ bị táo bón 2 - 3 lần trong năm qua. Hơn 1/4 (28%) phụ huynh cho biết, tình trạng này ở trẻ xảy ra từ 7 lần trở lên. Song, những tác động tâm lý và cảm xúc ở trẻ táo bón thường bị đánh giá thấp.

Theo dược sĩ Sultan Dajani, nếu trẻ bị táo bón, có một số cách khác nhau mà cha mẹ cần làm để giúp con mình. Trước hết, phụ huynh có thể đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị phù hợp nhất với lứa tuổi của trẻ.

Đồng thời, có thể loại trừ bất kỳ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào khác gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón. Phụ huynh cũng cần giúp trẻ quản lý và giảm căng thẳng. Táo bón không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn cả tinh thần của trẻ.

Bà Sultan giải thích: “Táo bón thường gây đau đớn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không có lời nào để diễn tả cảm giác của mình và điều đó có thể khiến các bé vô cùng khó chịu. Những đứa trẻ bị táo bón thường thực sự đau khổ. Điều đó có thể gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe tinh thần của trẻ cũng như phụ huynh”.

Việc phụ huynh tập trung vào giảm mức độ căng thẳng của bản thân có thể tác động đáng kể đến sự lo lắng ở trẻ. Theo các nghiên cứu, căng thẳng của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến con. Để giảm căng thẳng của bản thân, phụ huynh được khuyến khích tập trung vào thời gian bữa ăn vui vẻ, lành mạnh hơn.

Tạo ra một môi trường thoải mái, yên tĩnh và vui vẻ xung quanh bữa ăn có thể là một thách thức. Nếu việc kén ăn khiến trẻ lo lắng, cha mẹ cần tìm hiểu thêm về những gì mình có thể làm để giúp con mà không gây thêm áp lực ngoài ý muốn.

Các cha mẹ cũng nên lưu ý giải quyết mọi việc một cách bình tĩnh và chậm rãi. Nếu trẻ vẫn đang tập ngồi bô, việc tạo ra một bầu không khí yên tĩnh, thoải mái xung quanh phòng tắm có thể giúp ích.

Điều quan trọng là tránh tạo ra cảm giác căng thẳng khi trẻ đi vệ sinh. Cha mẹ nên kiểm tra xem trẻ có lo lắng gì về việc sử dụng nhà vệ sinh không. Trong trường hợp trẻ gặp khó khăn, cha mẹ có thể thử tới gần con khi bé đi vệ sinh. Điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Bởi, những gì chúng ta ăn có tác động rất lớn đến nhu động ruột. Cha mẹ cần bảo đảm trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Trẻ nên uống nước thay vì nước trái cây có đường, đồ uống có ga. Đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh và lâu dài ở trẻ.

Theo Hopskinallchildren; Happiful

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ