(GD&TĐ) - Ozone là chất gì, có tác dụng chữa bệnh hay không là băn khoăn của nhiều người bệnh mắc viêm gan B, C hiện nay. Chúng tôi có cuộc trao đổi với GS Vũ Bằng Đình - Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội để làm rõ lợi - hại của ozone.
- GS có thể cho biết ozone là gì, có thể chữa được bệnh hay không?
GS Vũ Bằng Đình, Chủ tịch Hội Gan mật Hà Nội |
Ozone là một phân tử gồm 3 nguyên tử oxy gắn kết với nhau. Ozone có nhiều trên thượng tầng khí quyển, có tác dụng che tia tử ngoại của mặt trời. Do được sinh ra từ oxy nên người ta ứng dụng ozone trong công nghệ khử khuẩn (làm sạch rau củ quả) nên nhiều người nghĩ rằng ozone là lành tính. Nhưng thực tế, nếu không may hít vào khí ozone có thể gây tổn thương hệ hô hấp; nếu tiếp xúc với da, có thể bị tổn thương da.
Theo tôi biết, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá tác động của ozone lên sức khỏe người bệnh. Đặc biệt với bệnh viêm gan B, C, hiện các Hiệp hội gan mật của Mỹ, châu Âu, châu Á Thái Bình Dương vẫn chưa công nhận cũng như khuyến cáo dùng ozone để điều trị.
- Phương pháp điều trị bệnh viêm gan B, C bằng ozone chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép, phải chăng phương pháp trên mới chỉ là thí nghiệm?
Tôi được biết, Trung Quốc đang nghiên cứu điều trị viêm gan, tim mạch, tiêu hóa bằng ozone nhưng mới chỉ dừng lại ở công trình nghiên cứu khoa học, chưa áp dụng rộng rãi.
Tôi không phản đối việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong điều trị bệnh nhưng dù là nghiên cứu hay thí nghiệm cũng cần theo quy định cụ thể. Dù là thí nghiệm cũng phải dựa vào khuyến nghị của các hiệp hội chuyên ngành, được Bộ Y tế thẩm định, được Hội đồng đạo đức nghề nghiệp chấp nhận và được bệnh nhân tự nguyện tham gia.
- Là bác sĩ chuyên về gan mật, GS có lời khuyên gì với bệnh nhân?
Trước hết, liệu pháp ozone hiện chưa được giới khoa học công nhận bằng các nghiên cứu cụ thể trên lâm sàng và cận lâm sàng. Do vậy, chắc chắn không thể áp dụng đại trà. Thứ 2, việc điều trị viêm gan B, C bằng tế bào gốc là đắt bởi ở Việt Nam, chi phí cho một người bệnh viêm gan B nhiều nhất là 100 triệu, gần 200 triệu đồng với người viêm gan C.
Tuy nhiên, với bệnh nhân chỉ số afb chưa đến mức báo động (gây ung thư), men gan không quá cao thì thời gian, chi phí điều trị thấp hơn. Bên cạnh đó, khi phát hiện có virus gây bệnh trong người, bác sĩ cần làm tiếp xét nghiệm để xem đây là người lành mang trùng hay virus bắt đầu phát triển mới có y lệnh điều trị. Như vậy, không phải ai có virus trong người cũng phải điều trị. Thời gian điều trị, phác đồ điều trị cũng khác nhau…
Khi bị bệnh, ai cũng muốn chữa khỏi nhưng không phải vì thế mà nghe người ta mách ở đâu tham gia ở đó. Người bệnh cần tỉnh táo kẻo “tiền mất tật mang”.
- Xin cám ơn GS!
La Giang