Mỗi món đồ mang một ý nghĩa
Thầy Nguyễn Tài Duệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS Lý Tự Trọng (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) - cho biết: Đều đặn hàng năm, mỗi lớp, học sinh đều đăng ký một việc làm cụ thể theo 5 điều Bác Hồ dạy. Có những lớp đăng ký phấn đấu học tốt, đạt nhiều thành tích trong học tập. Lớp khác thì đăng ký chăm sóc, bảo vệ cây xanh để gìn giữ môi trường trong lành hoặc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập… Đặc biệt, các em luôn có những hành động tương thân tương ái, trung thực, thật thà trong học tập cũng như cuộc sống.
Theo thầy Duệ, năm học 2021 - 2022, nhiều học sinh trong trường đã nhặt được của rơi và trả lại người đánh mất. Đặc biệt, có 11 học sinh nhặt được tiền, đồ vật giá trị đã tìm để trả lại người đánh rơi và được nhà trường biểu dương, khen thưởng.
Như trường hợp em Vũ Trần Đăng Khôi, học sinh lớp 5A3 đã nhặt được 1 chiếc vòng đeo tay bằng vàng có giá trị gần 7 triệu đồng của một giáo viên trong trường đánh rơi.
Em Đăng Khôi chia sẻ: Hôm đó, vào giờ ra chơi em cùng các bạn đang chạy nhảy dưới sân trường. Em phát hiện ra một chiếc vòng tay màu vàng nên đã tìm đến cô Tổng phụ trách Đội để báo lại sự việc. Sau đó, thầy cô đã tìm và trả lại được cho cô giáo đánh rơi. “Bố mẹ và thầy cô luôn dạy em phải thật thà, trung thực trong mọi việc. Do đó, khi nhặt được đồ người khác đánh rơi em sẽ báo lại thầy cô hoặc bố mẹ để tìm người bị mất. Em rất vui và hạnh phúc khi làm được việc tốt và ý nghĩa”, Khôi tâm sự.
Tương tự, em Nguyễn Hoàng Anh Nhật, học sinh lớp 5A3, kể: “Trong lúc chơi đùa cùng các bạn em đã nhặt được một chiếc máy tính Casio. Sau khi hỏi thăm và không biết của ai đánh rơi, em mang nộp cho nhà trường để tìm lại người đánh mất. Bởi em biết, máy tính là một đồ dùng hết sức quan trọng với cá nhân mỗi người. Bên cạnh đó, mỗi món đồ đều có một ý nghĩa và kỷ niệm với cá nhân. Chính vì vậy, em không muốn người đánh rơi lo lắng, tiếc nuối”.
Hạnh phúc khi làm việc có ích
Không chỉ nhặt được những món đồ giá trị, khi nhặt được số tiền lớn học sinh cũng không nảy sinh lòng tham mà tìm và trả lại người đánh rơi.
Sau khi kết thúc tiết học, em Xa Lê Đức Trung (dân tộc Tày, học sinh lớp 8B3) ra ngoài hành lang chơi thì phát hiện có một số tiền được cuộn tròn lại. Biết đây là số tiền bị đánh rơi nên em đã cố gắng tìm để trả lại người mất. Sau khi biết số tiền này của cô Phạm Thị Thu, giáo viên trong trường em đã đến và đưa tận tay cho cô. Để cảm ơn tấm lòng của em, cô Thu đã tặng Trung một đôi giày đi học. Mỗi lần đi đôi giày cô giáo tặng, Đức Trung đều thấy vui và điều này đã khích lệ em làm nhiều việc tốt.
“Mặc dù, gia đình thuộc diện khó khăn nhưng khi nhặt được của rơi, em chỉ mong tìm và trả lại người mất. Tuy số tiền lớn trước mắt có thể giúp nhà em bớt vất vả hơn, nhưng đó không phải là tiền của em. Thầy cô và gia đình luôn dạy em không được làm việc sai trái và khi nhặt được của rơi phải trả lại người mất. Khi tìm và trả lại được tài sản cho cô giáo, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã làm được một việc ý nghĩa”, em Đức Trung bộc bạch.
Sau khi nhận lại số tiền đánh rơi từ em Xa Lê Đức Trung, cô Phạm Thị Thu, giáo viên Địa lý rất vui mừng, xúc động về tấm lòng trung thực của em. Cô Thu tâm sự: Số tiền đánh rơi là 1,4 triệu đồng, mặc dù không lớn đối với nhiều người nhưng với bản thân Trung và gia đình thì không hề nhỏ. Tuy vậy, em rất bản lĩnh và thật thà không tham của rơi.
“Nhà trường cũng như bản thân tôi luôn giáo dục học sinh cần sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là phải thật thà, trung thực và không tham của rơi. Chính vì vậy, khi em Trung nhặt được của rơi mà chủ động tìm và trả lại người mất, bản thân rất cảm kích, xúc động. Bởi từ những bài học, lời dạy của thầy, cô và gia đình mà các em đã trở thành người tốt, thật thà và trung thực. Đặc biệt là người đánh rơi tiền và được chính học trò tìm thấy, gửi lại nên niềm hạnh phúc nhân lên nhiều lần. Việc làm thiết thực của em Trung cũng như những học sinh khác trong trường là tấm gương sáng cho các bạn noi theo. Không những vậy, tôi cũng thường xuyên kể, chia sẻ với học sinh, con, cháu để các em học tập và làm nhiều việc ý nghĩa hơn cho gia đình và xã hội”, cô Thu bộc bạch.
Theo thầy Nguyễn Tài Duệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng, nhiều năm qua dù học sinh nhặt được tiền, đồ vật có giá trị nhỏ hay lớn ở trong hay ngoài khuôn viên trường đều giao lại cho nhà trường để tìm, trả lại người mất. Nếu trong thời gian dài không có người nhận lại, số tiền sẽ được bỏ vào quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn.