Không sử dụng tiền công quỹ để làm quà biếu Tết

Không sử dụng tiền công quỹ để làm quà biếu Tết

(GD&TD)-Đó là nội dung trong Chỉ thị 2051/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ  về việc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.

Kiểm soát giá cả trên thị trường là nhiệm vụ chính của các cơ quan chức năng (ảnh MH)
Kiểm soát giá cả trên thị trường là nhiệm vụ chính của các cơ quan chức năng (ảnh MH)

Chỉ thị nêu rõ, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với đời sống, xã hội đặc biệt là đến việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 và năm 2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, tiêu thụ sản phẩm, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn để tiết kiệm thời gian, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo: không sử dụng tiền ngân sách, công quỹ để làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về giá để mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết giá và bán hành đúng giá niêm yết; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh; nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đến bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2011 và dịp Tết Nguyên đán.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm rau xanh để có đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, kể cả trường hợp nhu cầu tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng,... rà soát kỹ và có các giải pháp bảo đảm cân đối hàng hóa, chủ động điều hòa cung cầu trong phạm vi vùng, miền và trên phạm vi cả nước; tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm tối đa khâu trung gian, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mở rộng mạng lưới kinh doanh tham gia bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một mặt phải tăng cường chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện và hoàn thành mục tiêu của kế hoạch năm 2011, mặt khác phải xác định được nhu cầu của nhân dân đối với từng mặt hàng, nhất là các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trực tiếp phục vụ cho nhu cầu của nhân dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc chữa bệnh; tiếp tục tổ chức và có biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp đủ điều kiện dự trữ các loại hàng hóa thiết yếu để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt, đi đôi với sử dụng có hiệu quả các công cụ lãi suất, tỷ giá để ổn định thị trường tiền tệ; điều hành lượng tiền cung ứng hợp lý nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, nhất là vốn cho những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, có thị trường và tiêu thụ được sản phẩm; kiểm soát tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng phù hợp, đáp ứng yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chủ động áp dụng các giải pháp mạnh, hiệu quả để kiểm soát, ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng không để biến động lớn; từng bước giảm lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất về mức phù hợp với mục tiêu và yêu cầu thực tế của sản xuất; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh ngoại tệ, vàng trái pháp luật gây mất ổn định thị trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán, kiểm soát nợ xấu, kịp thời có biện pháp điều tiết, hỗ trợ khi cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn tại các bến xe, bến tàu, nhà gia; xử lý nghiêm các hành vi vi pham.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp vận tải hành khách có các biện pháp điều động, tăng cường phương tiện vận chuyển để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra, rà soát chất lượng phương tiện vận chuyển, không để phương tiện không đảm bảo an toàn tham gia giao thông.

Bộ Công an phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh sát trật tự ngăn chặn kịp thời các hành vi gây rối, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển hàng cấm,... bảo đảm trật tự tại các đầu mối giao thông; chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.