Mở đầu chia sẻ của mình, TS Nguyễn Chí Hiếu đưa ra 10 kỹ năng hàng đầu đối với thế giới việc làm và hiện thiếu hụt ở phần lớn học sinh, sinh viên, đó là: tư duy linh hoạt, kỹ năng đàm phán, kỹ năng phục vụ cộng đồng, kỹ năng đánh giá và quyết định, thông minh cảm xúc, khả năng phối hợp, quản lý con người, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và cuối cùng là kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
“Không phải điểm số, đây mới là những kỹ năng quan trọng. Những kỹ năng này không thể có được chỉ bằng việc luyện thi. Tốt nhất, nên xây dựng những kỹ năng này ngay từ khi học THPT" – TS Hiếu cho hay.
Nhắc đến 5 “dạng" người: người cục bộ (chỉ làm tốt công việc trong một môi trường nhất định), người phân tích (tư duy logic, kỹ năng phản biện và nghiên cứu tốt, nhưng chỉ giỏi lý thuyết mà không có thực hành, kém tương tác xã hội), dạng người tự nhiên (bản năng tốt nhưng ngẫu hứng, thiếu tính chiến lược), dạng người đại sứ (có kiến thức, kỹ năng, chiến lược nhưng quá tự tin), TS Hiếu cho biết đánh giá cao nhất dạng người cuối cùng, với cách gọi nôm na là "tắc kè hoa". Đây đôi khi không phải là những người xuất sắc nhất trong trường học, nhưng vô cùng linh hoạt và có thể thích nghi với mọi môi trường.
"Chỉ có 5% những người đi làm hiện tại đạt được dạng "tắc kè hoa" – TS Hiếu nêu nhận định.
Với chia sẻ này, đặt câu hỏi "để thay đổi bản thân, trong những năm học ở THPT và đại học, chúng ta cần làm gì?", TS Nguyễn Chí Hiếu nhắc tới 4 cấu phần, đó là: động lực (để tìm hiểu và thích nghi với những môi tường hoàn toàn mới), kiến thức (về nhiều phương diện, góc độ của các lĩnh vực khác nhau), chiến lược (chiến lược cụ thể để thay đổi nhận thức và thói quen học tập, làm việc, sinh sống) và hành động (cách thức điều tiết hành động, lời nói, cử chỉ trong các môi trường và ngữ cảnh thực tế).
"Ngoài việc học trong nhà trường, học sinh cần làm rất tốt 4 cấu phần này" – TS Nguyễn Chí Hiếu cho hay.
Vậy cần làm thế nào? Trả lời câu hỏi về phương pháp, TS Nguyễn Chí Hiếu tóm lược bằng 4 từ: see - nhìn – đọc và nghiên cứu, trải nghiệm, quan sát; think – tổng hợp, phân tích, phản biện; act - lập kế hoạch, thử nghiệm, đo lường và cuối cùng là reflect - phản chiếu, đúc kết, điều chỉnh
Các bạn đừng lên lớp như 1 tờ giấy trắng với chủ đề học hôm đó. Sau khi đã đọc, cần tổng hợp lại kiến thức quan trọng nhất, đúc kết thành kiến thức của mình. Sau đó là vận dụng kiến thức và trong quá trình đó thì tự điều chỉnh để làm tốt hơn.
Tuy nhiên, có 4 trở ngại mà nếu không khắc phục sẽ rất khó có thể "đi đường dài". 4 trở ngại đó, theo TS Nguyễn Chí Hiếu, đó là: Ngại: ngại tò mò, ngại tương tác, ngại trải nghiệm; Lười: lười đọc, lười suy nghĩ, lười nghiên cứu; Vội: vội trong cảm xúc, dẫn đến hay quy chụp, vội trong hành động; Thiếu: thiếu tự tin, thiếu cởi mở, thiếu kiên trì.
"Những thập kỷ qua thuộc về một dạng người với một dạng tư duy nhất định – những luật sư có thể thảo các hợp đồng, những người có bằng MBA có thể đánh vật với những con số trong excel... Thế nhưng, chìa khóa vương quyền đã được chuyển tay.
Tương lai thuộc về một dạng người khác, với một lối tư duy khác – những người nhận ra được các quy luật, những người sáng tạo và đồng cảm; những người tạo ra được ý nghĩa. Những người này sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp và hạnh phúc nhất trong xã hội" – TS Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.