Không nên nhập 2 kỳ thi làm một

GD&TĐ - TSKH Nguyễn Trọng Hoàng - Nguyên Hiệu phó chuyên môn ĐHSP Huế, nguyên thành viên Tổ công tác chuyên gia Văn phòng Chính phủ về đổi mới thi tuyển sinh ĐH - cho rằng, không nên nhập 2 kỳ thi quốc gia làm một.

Kỳ thi tốt nghiệp nhằm kiểm tra và đánh giá quá trình học tập
Kỳ thi tốt nghiệp nhằm kiểm tra và đánh giá quá trình học tập

Hai cách đánh giá hoàn toàn khác nhau

Theo TSKH Nguyễn Trọng Hoàng, về mặt kỹ thuật trong lý thuyết kiểm tra và đánh giá, khi thẩm định khả năng của một cá nhân, người ta thường phân biệt hai loại hệ thống quy chiếu.

Đó là: Hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn và hệ quy chiếu dựa trên tiêu chí định giá trị thành quả. Các phép đo có hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn là những phép đo để lượng giá thành quả của mỗi cá nhân so với thành quả của các thí sinh khác cùng dự thi một bài thi trắc nghiệm. Ý nghĩa điểm số của mỗi cá nhân được xuất phát từ sự so sánh ấy.

Vì mỗi cá nhân được so sánh với những người khác trong cùng nhóm chuẩn nên phép đo này được gọi là phép đo quy về nhóm chuẩn. Bài thi tuyển sinh ĐH chính là thuộc loại này.

Các phép đo quy về tiêu chí định giá thành quả là những phép đo dùng xác định vị trí của mỗi cá nhân đối với một tiêu chí giá trị ấn định trước, chứ không so sánh với các cá nhân khác. Ý nghĩa của điểm số của mỗi cá nhân không tùy thuộc vào việc so sánh với điểm số của các thí sinh khác.

TSKH Nguyễn Trọng Hoàng

Trong các phép đo loại này, chúng ta muốn biết mỗi cá nhân có thể làm được gì chứ không cần biết khả năng của cá nhân ấy so với những người khác. 

Khi muốn khuyên một học sinh nên chọn ngành nghề nào ở ĐH, chúng ta cần loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn, vì chúng ta cần biết vị trí của người này khi dự tranh với các học sinh khác. Ngoài ra, môn thi phải tùy thuộc ngành học.

Loại trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả định trước khi chúng ta cần đánh giá hiệu quả học tập một chương trình giảng dạy. Tiêu chí đánh giá dựa trên mục tiêu đã định cho bài học, chương trong sách, hay chương trình học.

Các ĐH Việt Nam thường gọi là “chuẩn đầu ra”, còn các trường ở Hoa Kỳ gọi là “learning outcome”, bao gồm xác định học sinh biết gì, làm được gì, đến mức nào, trong điều kiện nào.

Ví dụ, muốn đạt được tín chỉ của môn học, học sinh phải làm được 70% tiêu chí bao gồm bài thi, bài nghiên cứu, báo cáo trong môn học. Như vậy việc đạt số tín chỉ tối thiểu để tốt nghiệp trung học, hay bài thi tốt nghiệp THPT là thuộc loại này.

Như vậy, hai loại bài thi hay cách đánh giá là hoàn toàn khác nhau, không thể dùng giải pháp “gộp hai kỳ thi làm một”. Đó là chưa kể các bài thi như SAT, ACT chủ yếu đo lường khả năng tư duy, lý luận, sáng tạo, các mức trí lực bậc cao của Bloom là những khả năng cần thiết để học đại học.

Bên cạnh đó, theo công thức: Khoa học bằng kinh nghiệm cộng óc tưởng tượng, sáng kiến. Các trường ĐH Hoa Kỳ thường cả SAT hay ACT kết hợp với việc xét điểm trung bình (GPA) của những học sinh tốt nghiệp THPT.

Do đó trong việc tuyển sinh vào ĐH, cần lựa chọn học sinh có khả năng lý luận, tư duy phù hợp với ngành học. Nhưng muốn lý luận, tư duy, cần phải có chất liệu để suy luận, tư duy chứ không thể suy luận, tư duy với không khí. Do đó, cả hai đều cần thiết chứ không thể “gộp hai thành một.”

Như vậy, mặc dầu cả hai loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn và trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả đều dùng để đánh giá cá nhân, nhưng sự khác biệt giữa hai loại thường nằm ở chỗ mục đích sử dụng kết quả trắc nghiệm. Thông thường, loại trắc nghiệm quy về nhóm chuẩn được dùng khi cần có sự tuyển chọn.

Ngược lại, trong những trường hợp chỉ cần biết người nào đã đạt được hay không một kỹ năng nào đó, và không cần giới hạn số người đạt kỹ năng ấy, chúng ta cần đến trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả.

Điểm khác biệt thứ hai là, thông thường đường biểu diễn phân bố tần số điểm của trắc nghiệm quy về tiêu chí thành quả định trước, có dạng lệch; trong lúc phân bố tương ứng của loại quy về nhóm chuẩn lại có dạng chuẩn hay gần như có dạng chuẩn (phân bố hình chuông.)

Nên hay không nên bỏ khối thi?

Trả lời câu hỏi này, TSKH Nguyễn Trọng Hoàng cho rằng, thông thường ở các trường ĐH Hoa Kỳ, học sinh không bị bắt buộc phải chọn ngay chuyên ngành khi mới vào đại học. Sau khi học hai hay ba học kỳ, dựa vào sở thích và năng khiếu sinh viên sẽ hội ý với giáo sư hướng dẫn hay giáo sư cố vấn để chọn chuyên ngành.

Ở Việt Nam, sinh viên phải chọn chuyên ngành ngay từ đầu nên cần chú ý giá trị tiên đoán của bài thi. Từ điểm số trong kỳ thi trắc nghiệm của mỗi người, chúng ta muốn tiên đoán mức độ thành công trong công việc của người ấy trong tương lai và trong việc học chuyên ngành ở đại học.

Muốn thế cần phải dựa vào thực nghiệm và phương trình hồi quy tương quan đa biến. Tùy theo ngành nghề, phương trình hồi quy tương quan đa biến sẽ giúp xác định trọng số của mỗi môn thi tuyển sinh ĐH.

Ví dụ, khả năng lý luận và kiến thức Toán học là cần thiết cho ngành Công nghệ Thông tin, Kinh tế, Kiến trúc. Ngành Kiến trúc còn cần thêm khả năng lý luận khi nhìn hình trong không gian. Sinh viên kỹ sư cần Lý luận Toán học và Lý luận Cơ khí.

Như vậy phương án cộng điểm cho các khối cũng như phương án bỏ khối thi đều chưa chính xác về mặt khoa học. Các trường ĐH phải có kế hoạch nghiên cứu thực nghiệm dựa trên thống kê tương quan đa biến để xác định trọng số cho các môn thi cho từng chuyên ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.