(GD&TĐ)-Trong những ngày này, các trường học trên cả nước, dù mỗi nơi một vẻ nhưng đều rộn ràng không khí mùa xuân.
Chợ xuân ngày Tết được chuẩn bị công phu tại trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn |
Năm nào cũng vậy, cứ gần tết Nguyên đán, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) lại tổ chức chương trình Liên hoan ẩm thực cho học sinh khối lớp 5 để qua đó các em được tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa mâm cỗ truyền thống ngày Tết.
Cô Phạm Hằng Nga – giáo viên chủ nhiệm lớp 5A của trường cho biết, Liên hoan ẩm thực không chỉ giáo dục cho các em về ý nghĩa mâm cỗ tết truyền thống mà thiết thực hơn là việc dạy cho các em thói quen biết giúp đỡ bố mẹ hàng ngày. Có thể những món ăn này hay cách trang trí, hay công đoạn thực hiện chưa thật ngon, còn vụng về nhưng các em tất cả đều hào hứng với công việc này. Vì vậy, qua nhiều năm triển khai, đến nay chương trình đã mang lại hiệu quả rất tốt. Nhiều em học sinh đã bộc lộ được khả năng ẩm thực của mình. Học mà chơi, chơi mà học hầu hết các em rất hào hứng khi được tận tay làm món ăn mà mình yêu thích. Thậm chí, có những em chưa phải làm công việc nhà bao giờ cũng hăng hái tham gia.
Những hoạt động mang hơi hướng dân gian được nhiều học sinh hào hứng tham gia. Ảnh: gdtd.vn |
Không chỉ ở trường Đoàn Thị Điểm mà với ngành GD&ĐT Thủ đô, việc tổ chức các phiên chợ quê từ lâu đã trở thành một hoạt động quen thuộc của nhiều nhà trường mỗi khi Tết đến. Không chỉ dừng lại ở việc tổ chức phong trào, nhiều thầy, cô giáo đã mày mò, sưu tập những hoạt động tập thể mang tính truyền thống, mong muốn để các em tiếp cận thường xuyên với những hoạt động văn hóa dân gian vốn quen thuộc với trẻ con ngày trước nhưng lại đang dần bị bỏ quên.
Quận Cầu Giấy là một trong số những đơn vị tiêu biểu khi dành hẳn một ngày ở Công viên Nghĩa Đô để tổ chức ngày hội các trò chơi dân gian, hội chợ quê và triển lãm tranh do chính các em vẽ, thu hút gần 7.000 HS các trường tham gia.
Đến học sinh nam cũng hào hứng "vào bếp". Ảnh: gdtd.vn |
Hòa cùng không khí vui tươi khi Tết đến, xuân về, trường THPT Lục Ngạn số 2 (Bắc Giang) cũng chào đón mùa xuân bằng nhiều hoạt động. Cô Nguyễn Thị May – giáo viên trong trường hào hứng chia sẻ, bên cạnh tổ chức lễ khởi động năm Thanh niên 2011, trường còn phát động phong trào “Tết trồng cây” tới từng chi đoàn và tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” tặng xe đạp, tặng quà tết cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay trong ngày 24/01, các đoàn viên thanh niên của trường đã tham gia trồng 1200 cây xanh tại thôn Vặt Phú – xã Tân Hoa và quét dọn nghĩa trang liệt sĩ của xã. Còn trong ngày hội “Thắp sáng ước mơ” do trường tổ chức, 12 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được tặng 12 chiếc xe đạp với tổng trị giá 12 triệu đồng. Đây là món quà của Đoàn thanh niên, Công Đoàn, Chi Hội chữ thập đỏ nhà trường, và nhiều cá nhân hảo tâm. Bên cạnh những phần quà đó, hưởng ứng chương trình “ Tết vì người nghèo” xuân Tân Mão 2011, Chi hội chữ thập đỏ nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên và Hội phụ huynh học sinh trao 102 xuất quà với tổng trị giá 7,1 triệu đồng cho 102 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Những món quà đầy ý nghĩa ấy sẽ là nguồn cổ vũ, động viên các em học sinh luôn vững tin trong học tập, đoàn kết trong xây dựng tập thể.
Cô trò trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) hào hứng gói bánh chưng ngày Tết. |
Có thể nói, những hoạt động này không chỉ tạo không khí hào hứng, phần khởi cho cả cô và trò mà còn là hình thức giáo dục đầy sức thuyết phục, không khô khan, giáo điều. Khi dư luận xã hội đang bức xúc vì tác động tiêu cực của game online, bạo lực học đường… thì các hoạt động văn hóa dân gian như thế có thể nói là một trong những giải pháp quan trọng và bền vững để lôi cuốn học sinh vào những hoạt động lành mạnh.
Hiếu Nguyễn