Không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng

Không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng

Nhiều nơi xuất hiện ô nhiễm mức nguy hại

Hội thảo "Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp" diễn ra chiều 28/7 đã chỉ ra những thay đổi nghiêm trọng của không khí ở Hà Nội sau 2 tháng tương đối tốt. Sau hai tháng chất lượng không khí tương đối tốt nhờ điều kiện thời tiết, từ rạng sáng 27/7, chất lượng không khí có xu hướng kém rồi xấu.

Đến ngày 28/7, theo ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo tại nhiều nơi ở Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên tím. Đây là ngưỡng rất xấu, cảnh báo sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, người có mắc bệnh lý hô hấp mãn tính không nên ra ngoài. Điển hình là các khu vực: Ô Chợ Dừa (AQI là 255), Nguyễn Chế Nghĩa (240), Ba Đình (234), Bà Triệu (230), Kim Liên – Đống Đa (216)…

Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội cũng thống kê AQI tại nhiều nơi ở Thủ đô đạt ngưỡng đỏ, gần chuyển sang tím. Chỉ số tại các điểm Trung Hòa (189), Phạm Văn Đồng (170), Trần Hưng Đạo (163), Hàng Đậu (160) và Nam Từ Liêm (152).

Trang Airvisual xếp hạng Hà Nội vị trí thứ 2 trong tổng số 10.000 thành phố trên thế giới tính đến 14 giờ ngày 29/7 với AQI là 163, nồng độ bụi mịn là 88.5 µg/m³. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ra ngoài, nhất là nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.

Chiều 28/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ các nghiên cứu, giải pháp về cải thiện chất lượng không khí đã và đang triển khai trên địa bàn TP.

TS Lý Bích Thủy (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ những đánh giá về ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đến chất lượng không khí bằng sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng thời tiết lên nồng độ bụi mịn trên từng ngày là rất lớn. Nhất là nồng độ ô nhiễm trong thời gian cách ly giảm so với trước cách ly. Sự suy giảm này tương ứng với sự suy giảm của lưu lượng giao thông trong thời gian cách ly.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được đánh giá do nhiều nguyên nhân cộng hưởng gồm giao thông, xây dựng, sản xuất và các hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rác. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các chất ô nhiễm khuếch tán lên cao giúp chất lượng không khí được cải thiện. Khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, các chất ô nhiễm sẽ đọng lại và gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra.

Cách nào quản lý chất lượng không khí?

Cùng cập nhật kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thực hiện nghiên cứu “Tác động của nhiệt điện than tới CLKK và sức khỏe tại Việt Nam” từ 10/2018 đến tháng 6/2020. Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi công suất nhiệt điện than có tác động lớn tới lượng phát thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kết hợp với năng lượng tái tạo, để giảm nhiệt điện than sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí…

TS Lý Bích Thủy cho rằng, rất khó để nhận định Hà Nội đang ô nhiễm thế nào bởi ô nhiễm không khí là một vấn đề quá phức tạp, nó liên quan đến rất nhiều loại thành phần ô nhiễm khác nhau, từ hạt bụi ở nhiều kích thước đến các chất ô nhiễm dạng khí và phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố khác nhau như điều kiện khí tượng, hoạt động của con người… Chúng ta mới chỉ nắm bắt được một bức tranh sơ bộ chứ chưa thể có được thông số chính xác.

Hạt bụi cỡ PM2.5 và PM10 đang lơ lửng trong bầu khí quyển đều xuất phát từ các nguồn là tự nhiên và hoạt động của con người. Nhưng chúng chủ yếu từ đâu, liệu có phải là giao thông? "Người ta thường cho là giao thông đóng góp 70% ô nhiễm không khí. Nhưng trên thực tế, nó chỉ có thể gần đúng với trường hợp phát thải các chất CO, CO2, NOx… và không đúng với trường hợp bụi mịn vì nó có phần đóng góp của cơ chế hình thành bụi thứ cấp và vận chuyển dài hạn", TS Lý Bích Thủy giải thích. Đây cũng là lý do vì sao trong thời kỳ giãn cách xã hội để góp phần kiểm soát dịch Covid-19, lưu lượng giao thông đã giảm hẳn nhưng hàm lượng PM2.5 của Hà Nội vẫn còn cao.

Hạt bụi ở Hà Nội không chỉ là bụi, nó còn "cõng" thêm những yếu tố phức tạp khác. Ví dụ khi tìm hiểu về các hợp chất hữu cơ khuếch tán trong không khí, TS Lê Hữu Tuyến (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), đã đi sâu vào phân tích thành phần hữu cơ PAHs - những hợp chất đã bị cấm sử dụng trong quá trình sản xuất đồ chơi do nghi ngại hợp chất này có thể gây ung thư cho con người, bám trên hạt bụi PM2.5.

"Thật ra hạt bụi nó có độc tính hay không là do các chất bám trên đó. Ở thành phố lớn với lưu lượng giao thông lớn như Hà Nội, PAHs xuất phát từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong các động cơ đốt trong của ô tô, xe máy. Khi cơ thể bị phơi nhiễm thì lượng PAHs được vận chuyển vào tận nhân tế bào và hạt bụi kích thước càng nhỏ thì độc tính càng cao", TS Lê Hữu Tuyến nói.

Nhìn tổng thể, bức tranh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội được dựng lên theo từng kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Nhưng đến nay chưa ai có thể trả lời được tường tận và thấu đáo câu hỏi "những nguồn phát thải nào đóng góp lớn nhất trong ô nhiễm không khí Hà Nội?", "cách thức giảm thiểu ô nhiễm nào là hiệu quả nhất với Hà Nội?" hoặc "Hà Nội có thuộc tốp thành phố ô nhiễm nhất thế giới không"? Theo các chuyên gia, muốn trả lời được những câu hỏi này, Hà Nội phải có kiểm kê phát thải. Đáng tiếc là đến nay vẫn chưa làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.