Không để Việt Nam trở thành bãi thải

GD&TĐ - Chiều 8/8, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 281/TB-VPCP: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu
Thủ tướng giao Bộ TN&MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu

Thông báo cho biết, tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Nhu cầu về phế liệu như giấy vụn, nhựa… để làm nguyên liệu là có thật, điều này có lợi về kinh tế cho nhà sản xuất nhưng không có lợi về môi trường. Hiện nay còn tồn đọng nhiều container phế liệu nhập khẩu tại các cảng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, TPHCM, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấp phép của các DN nếu phát hiện sai phạm.

Rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Trong thời gian tới, không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho DN khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ TN&MT khẩn trương ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với toàn bộ mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay, khả năng sử dụng các phế liệu sẵn có trong nước cho sản xuất, tác động đến môi trường của từng loại phế liệu, tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu của từng loại phế liệu để có cơ sở nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo hướng hạn chế tối đa danh sách phế liệu được nhập khẩu, bảo đảm công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2018.

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương, các cảng biển và Hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển; khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.

Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng chức năng có trách nhiệm để phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển. Bộ Công Thương rà soát quy định hiện hành, có giải pháp kiểm soát và hạn chế hoạt động tạm nhập tái xuất đối với phế liệu.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo đồng thuận trong nhân dân, kịp thời lên án các hành vi sai trái trong sản xuất kinh doanh, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ