Giá sách và nỗi lo
Theo bảng niêm yết giá 4 bộ SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng; Chân trời sáng tạo gồm 9 cuốn (giá 186.000 đồng). Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gồm 9 cuốn (giá 199.000 đồng).
Giá SGK mới cao hơn trở thành quan tâm của nhiều gia đình, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên tâm tư: Nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục cũng như tạo điều kiện mua sắm sách, vở, đồ dùng cá nhân cho con em của người dân còn hạn chế. Chuẩn bị cho năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Điện Biên xây dựng chính sách hỗ trợ giá sách cho học sinh. Tuy nhiên, với giá SGK mới, ngành gặp không ít khó khăn trong việc huy động nguồn vốn mua SGK cho HS dân tộc có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
"Sìn Hồ (Lai Châu) có 19/22 xã, thị trấn thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Năm học 2020 - 2021, huyện Sìn Hồ có 134 lớp 1 (129 lớp tập trung và 5 lớp ghép) với gần 2.200 học sinh. Đời sống nhân dân khó khăn, việc tự mua SGK cho con em mình là rất khó. Tuy vậy, chúng tôi đang cùng toàn ngành nỗ lực kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tổ chức thiện nguyện, để các em đủ SGK để học tập", bà Nguyễn Thị Giang - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: Những năm vừa qua, tỉnh có chính sách hỗ trợ mua SGK cho học sinh diện chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, chính sách này hiện tạm dừng trong khi giá bộ sách mới cao hơn sẽ ảnh hưởng nhất định tới các bậc phụ huynh.
Tương tự NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu bày tỏ: Là tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, với người dân việc chênh lệch vài chục nghìn đồng là rất lớn, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra triền miên.
Tìm mọi cách có sách cho trò
Để học sinh lớp 1 không phải "học chay", học chung, theo ông Nguyên Văn Kiên, ngành GD-ĐT Điện Biên rất cần chính sách trợ giá SGK cho học sinh vùng khó.
Sở GD&ĐT Điện Biên đã và đang tận dụng mọi nguồn lực để phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc chung tay hỗ trợ học sinh. Mục tiêu giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện mua sắm, tiếp nhận SGK, không để các em thiếu sách khi đến lớp, trường.
Năm học 2020 - 2021, huyện vùng cao Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên có hơn 1.800 học sinh lớp 1. Qua rà soát, toàn huyện có hơn 700 em thiếu sách, trong đó có 100 trường hợp thuộc diện đặc biệt khó khăn, không đủ khả năng mua sách.
"Trong số 700 học sinh khó có khả năng mua sách, chúng tôi tính đến phương án trích nguồn hỗ trợ học tập mà các cháu được thụ hưởng để mua 600 bộ SGK. Còn 100 cháu chưa có sách, chúng tôi không biết vận động, xoay sở thế nào. Rất may, nhờ kết nối của Báo GD&TĐ, qua sự kêu gọi, chia sẻ của nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng ở Hà Nội đã có nhà hảo tâm gửi tặng 100 bộ sách. Đây là món quà ý nghĩa trước thềm năm học mới", ông Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông bộc bạch.
NGƯT Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu khẳng định: Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020 - 2021 trên địa bàn. Việc cung ứng SGK phải đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Sơn La vận dụng nhiều giải pháp kêu gọi xã hội hóa. Sở GD&ĐT Sơn La đang vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua SGK hoặc tặng cho các thư viện trường học, để học sinh khó khăn không có sách vẫn có thể mượn nguồn sách dồi dào từ thư viện, phục vụ việc học tập tại trường. Song song với đó, ngành Giáo dục Sơn La phát động phong trào xây dựng tủ sách tại các trường học để hỗ trợ tối đa cho trẻ trước khi đến lớp.
Có 3/22 trường: Tiểu học Nậm Tăm, Pa Tần, Lùng Thàng làm tốt việc kêu gọi tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh tham gia công tác xã hội hóa trong việc mua sắm dụng cụ học tập cho học sinh. Những xã còn lại tuy còn khó khăn, song chúng tôi quyết tâm không để cháu nào không có sách khi bước vào năm học. - Bà Nguyễn Thị Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ (Lai Châu)