Không để thực phẩm thành nỗi lo học đường

GD&TĐ - Dù nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm của 58 HS Trường Tiểu học huyện Bảo Yên (Lào Cai) được làm rõ và không để lại hậu quả nặng nề, song từ đây cho thấy tầm quan trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Bữa ăn bán trú của HS Trường PTDTBT Tiểu học Cố Ly 1 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC
Bữa ăn bán trú của HS Trường PTDTBT Tiểu học Cố Ly 1 (Bắc Hà – Lào Cai). Ảnh: NTCC

Thực hiện nghiêm quy trình 

Thầy Phạm Trung Thực, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Lử Thần (huyện Si Ma Cai – Lào Cai) cho biết: Mỗi ngày, bếp ăn nhà trường cung cấp đủ 3 bữa cho 170 HS bán trú. Vì vậy, vấn đề VSATTP được tuân thủ nghiêm ngặt. 

Nguồn gốc thực phẩm nhà trường ký hợp đồng với hộ kinh doanh. Đây cũng là đơn vị cung cấp cho nhiều trường khác trên địa bàn huyện. Do đó, thực phẩm luôn tươi mới, không tồn đọng và có sự kiểm tra hàng ngày của Đội quản lý thị trường, kiểm dịch. 

Cùng đó, trường  triển khai bếp ăn 1 chiều theo quy định của Trung tâm y tế huyện (có khu chế biến sống, chín tách biệt). Nhân viên bếp được nhắc nhở thường xuyên về quy trình, trang phục khi tham gia chế biến. Hàng ngày, thực phẩm đưa về trường được Ban quản lý bán trú (gồm nhân viên y tế trường, ban giám hiệu, GV trực) kiểm tra mới đưa đi chế biến. Trường thực hiện lưu mẫu thực phẩm 3 bước theo quy định... 

Theo thầy Phạm Trung Thực: “Ban giám hiệu có 3 người, dù hàng ngày bận tới đâu vẫn chia nhau giám sát các khâu từ giao nhận thực phẩm tươi sống, chế biến, quan sát HS ăn uống, lưu mẫu thực phẩm. Hàng năm, Trung tâm y tế huyện kiểm tra bếp ăn định kỳ 2 - 3 lần, đột xuất 3 - 4 lần… Hơn 10 năm nay, bếp ăn bán trú của trường chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, thậm chí công tác VSATTP ngày càng siết chặt để bảo đảm tối đa sức khỏe, an toàn cho HS khi sinh hoạt, học tập tại trường”. 

Thầy Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) thông tin: Để bảo đảm VSATTP hàng ngày, trường triển khai kiểm thực 3 bước (kiểm tra thực phẩm khi nhập về; quá trình chế biến; sau nấu chín). Cùng đó lưu mẫu thực phẩm 3 bữa trong ngày. 

“Khi kiểm tra, nếu nhân viên y tế trường phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường từ thực phẩm (mùi hôi, mầu sắc khác thường, vị lạ…) sẽ báo cáo hiệu trưởng để xử lý nhanh. Nhà trường luôn dự trữ sẵn thực phẩm, do đó ngay cả khi thực phẩm đã nấu chín trước giờ ăn của HS nhưng phát hiện bất thường sẽ huỷ bỏ và chế biến thực phẩm mới thay thế” – thầy Lục khẳng định. 

Cô Đỗ Thị Kim Cúc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) khẳng định: Bếp ăn của trường hàng ngày chế biến 349 phần ăn cho trẻ tại điểm trường chính và 4 điểm lẻ. Bếp ăn thực hiện theo quy trình 3 bước. Bếp 1 chiều, chế biến đồ sống và đồ chín riêng biệt. Thực phẩm khi đưa tới được Ban giám hiệu, nhân viên y tế và nhân viên bếp kiểm tra kĩ càng trước khi chế biến. Đặc biệt, nhà trường thực hiện nghiêm việc khám sức khỏe cho nhân viên bếp, yêu cầu sử dụng bảo hộ lao động đầy đủ trong quá trình chế biến thức ăn. 

Phòng ăn Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) luôn sạch sẽ. Ảnh: Đức Trí
Phòng ăn Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) luôn sạch sẽ. Ảnh: Đức Trí

Đặt an toàn HS lên hàng đầu

Ông Bùi Minh Tuân –Trưởng phòng GD&ĐT Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Ngay khi tìm ra nguyên nhân vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Trường PTDTBT Vĩnh Yên, phòng GD&ĐT yêu cầu 100% các trường  tổ chức nấu ăn cho HS thực hiện đúng quy định về VSATTP. 

Đồng thời tăng cường giải pháp bảo đảm VSATTP như: Hàng ngày, phân công lãnh đạo nhà trường trực bán trú; phân công người giao nhận thực phẩm, kiểm soát hóa đơn, giấy tờ kiểm dịch…, kiểm tra chất lượng, định lượng thực phẩm tươi sống; giám sát khâu chế biến, chia, cấp phát thức ăn, lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. 

Yêu cầu các trường lựa chọn nơi, nguồn cung cấp thực phẩm an toàn; thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng theo chuỗi (nguồn gốc thực phẩm - thời gian và nơi tiêu thụ - đối tượng sử dụng)… Định kỳ tổ chức họp Ban chỉ đạo và các tổ phục vụ bán trú để trao đổi, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời tồn tại trong quá trình thực hiện. 

Ông Bùi Văn Tiến - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà cũngcho biết: Bắc Hà có 60 trường học các cấp MN, tiểu học, THCS. Trong đó có 53 trường có bếp ăn tập thể, 33 trường có HS bán trú còn lại 20 trường MN có nấu ăn tại trường. 

Từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT Bắc Hà thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các khâu VSATTP 100% trường học. Quá trình kiểm tra phát hiện và yêu cầu các đơn vị khắc phục hạn chế trong mọi khâu đoạn. Tới đây, phòng sẽ cung ứng thêm trang thiết bị cần thiết cho bếp ăn các trường nhằm bảo đảm tối đa quy trình chế biến, chất lượng bữa ăn. 

Theo thầy Nguyễn Văn Lục, sức khỏe, an toàn 263 HS không thể xem nhẹ, nhà trường sẽ phát huy vai trò của các đoàn thể trong trường và vai trò giám sát của Ban đại diện cha mẹ HS trong công tác VSATTP. Ngoài việc Ban đại diện cha mẹ HS cử đại diện phối hợp với nhà trường giám sát nguồn gốc, chất lượng, giá cả thực phẩm của nhà cung cấp còn thẩm định trực tiếp các bữa ăn cùng HS. Mọi góp ý, phản ánh hợp lý sẽ được nhà trường ghi nhận, điều chỉnh. 

Tại Trường PTDTBT THCS xã Lử Thần, 100% HS người dân tộc, thích thức ăn truyền thống (trứng, đậu, thịt lợn, thịt gà và rau xanh). Với một số thực phẩm ít được ăn từ nhỏ (hải sản, thức ăn chế biến từ hải sản, rau lạ…) nếu ăn HS dễ bị đau bụng, nôn ói, đi ngoài. Hiểu được đặc tính của HS, theo thầy Phạm Trung Thực, nhà trường tăng cường thực phẩm tươi sống, các lại rau xanh quen thuộc với khẩu vị HS và được trồng tại địa phương...; hạn chế hải sản, không dùng thực phẩm đông lạnh đóng gói.

Việc bảo đảm VSATTP tại các trường học tại Lào Cai đã và đang được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, để không xảy ra sự việc đáng tiếc từ bữa ăn bán trú vẫn đòi hỏi nhà trường nâng cao ý thức, trách nhiệm; sâu sát nắm bắt thực tế, có giải pháp hữu hiệu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.