Không để biện pháp phòng chống dịch Covid-19 rất cao, rất mạnh nhưng không nghiêm

GD&TĐ - Đặt ra nhiệm vụ với lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Không để biện pháp phòng chống dịch Covid-19 rất cao, rất mạnh nhưng không nghiêm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sóc Trăng tiếp tục phấn đấu để trở thành "tỉnh xanh"

Báo cáo tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 7/8, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng bcho biết, sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 7, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 388 ca, tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố.

Trong thời gian qua, Sóc Trăng đã thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân. Lượng hàng hóa thiết yếu đảm bảo ổn định; an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được giữ vững. Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát. 

Biểu dương những nỗ lực của Sóc Trăng trong việc triển khai nhiều mô hình sáng tạo để phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Sóc Trăng tiếp tục động viên các doanh nghiệp, người dân cố gắng điều chỉnh thói quen, phương thức sản xuất trong trạng thái bình thường mới; quyết tâm không để dịch xâm nhập vào cộng đồng, nếu có thì phát hiện sớm, dập tắt ngay.

Để sản xuất công nghiệp an toàn, Phó Thủ tướng yêu cầu các DN phải nắm sát số công nhân ở vùng an toàn, vùng nguy cơ cao, thực hiện di chuyển an toàn từ nơi ở đến nơi làm việc. Chia ca, kíp sản xuất gắn với nơi ở của công nhân hoặc có phương án thuê nơi lưu trú, đưa đón tập trung cho công nhân.

Chủ động triển khai xét nghiệm nhanh kết hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đối với người lao động, rút ngắn thời gian xét nghiệm định kỳ. Hợp đồng với cơ sở y tế để thực hiện theo dõi, giám sát y tế hằng ngày đối với người lao động tại nhà máy cũng như nơi ở. “Bất kỳ ai có triệu chứng gì phải có bác sĩ thăm nom, xét nghiệm ngay”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tương tự trong sản xuất nông nghiệp, Sóc Trăng cần linh hoạt trong áp dụng các quy định giãn cách, bảo đảm các thành viên trong cùng gia đình không tiếp xúc với người khác khi làm việc trên đồng, ruộng.

Phó Thủ tướng tin tưởng và đề nghị Sóc Trăng tiếp tục phấn đấu để trở thành "tỉnh xanh", sớm quây gọn, dập dịch dứt điểm ở một vài điểm nhỏ để cùng các tỉnh khác trong vùng Nam Sông Hậu hình thành vùng xanh an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Nguồn: VGP.

Bạc Liêu cần có phương án đón người dân từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh có dịch về

Làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đoàn công tác, trưa 7/8, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến nay dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát ổn định, không tăng đột biến. Đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (đều trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch).

Trong suốt 2 tháng qua, Bạc Liêu đã duy trì 72 chốt kiểm soát giao thông tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh (kể cả đường bộ, đường sông, đường biển). Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bạc Liêu yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 5h sáng hôm sau.

Các địa phương phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, triển khai theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, nắm chắc danh sách người Bạc Liêu sinh sống, lao động ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, vận động người thân của họ gọi điện để nếu về thì phải khai báo y tế, cách ly tập trung. Nhờ đó Bạc Liêu đã phân loại, sắp xếp đối tượng và chủ động phương án điều trị.

Bạc Liêu đã bố trí gần 30 khu cách ly tập trung ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với công suất khoảng 3.400 chỗ.

Hiện Bạc Liêu có 3 cơ sở được cấp phép xét nghiệm khẳng định có khả năng thực hiện 1.200 mẫu đơn/ngày (tương đương 6.000 mẫu gộp), phấn đấu trong thời gian tới nâng công suất lên 2.000 mẫu đơn/ngày.

Trên tinh thần chủ động ứng phó với dịch Covid-19, Bạc Liêu đã sẵn sàng huy động đội ngũ y bác sĩ (khoảng gần 1.000 bác sĩ) làm việc tại các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn có 60 trạm y tế có khả năng tiếp nhận theo dõi, điều trị cho 600 người mắc Covid-19 ở tầng 1.Tỉnh đã chuẩn bị 200 giường để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bạc Liêu cũng dự kiến phương án cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo 5 tình huống có từ 100 đến hơn 2.000 ca nhiễm.

Nguy cơ dịch bệnh của Bạc Liêu được xác định là người về từ các vùng dịch; một số lái xe lợi dụng cơ chế “luồng xanh” để chở người từ vùng dịch vào tỉnh…

Tại cuộc họp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch cho biết, tận dụng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Bạc Liêu cần kiểm soát chặt chẽ, kỹ lưỡng người ra vào tại các cửa ngõ của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Các lực lượng hạn chế thấp nhất các ca F0 "lọt" vào cộng đồng bằng cách xét nghiệm "đột xuất" tại những nơi có nguy cơ cao như chợ dân sinh, bến xe... để đánh giá tình hình dịch bệnh. Khi phát hiện ca mắc hoặc ổ dịch, lập tức phong tỏa, truy vết liên tục để tìm F0, sàng lọc cộng đồng.

Đánh giá cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch “sớm một bước, cao hơn một mức” của tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia; có phương án đón người dân từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh có dịch về, tổ chức xét nghiệm, cách ly kịp thời; chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để khi cần thiết sẽ hỗ trợ, chi viện cho các tỉnh khác theo điều động của Bộ Y tế.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến kiểm tra khu cách ly tập trung tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau.

Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến kiểm tra khu cách ly tập trung tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau.

Cà Mau có thể nới lỏng giãn cách cục bộ tỉnh

Báo cáo với Phó Thủ tướng tại cuộc làm việc, chiều muộn 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, tính đến 12 giờ ngày 7/8, toàn tỉnh ghi nhận 41 ca mắc Covid-19. Công suất xét nghiệm RT-PCR toàn tỉnh đạt khoảng 1.200 mẫu đơn/ngày (tương đương 12.000 mẫu gộp).

Tỉnh đã bố trí các khu điều trị ca mắc Covid-19 với tổng số 790 giường, trong đó 240 giường đặt tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 bệnh viện tuyến huyện (với 40 giường điều trị bệnh nhân nặng); 4 bệnh viện dã chiến với 550 giường (với 50 giường điều trị ca nặng) và có khả năng mở rộng thêm 200 giường. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực y tế (trong và ngoài công lập) hiện có khoảng 5.800 người, trong đó có gần 1.400 bác sĩ, đảm bảo nhu cầu điều trị cho các ca bệnh mắc Covid-19.

Xác định nguy cơ dịch bệnh rất lớn từ người đi trên các xe vận tải hàng hoá nên tỉnh Cà Mau kiểm soát rất chặt, rất kỹ từ người, phương tiện ra, vào; thiết lập các điểm trung chuyển hàng hoá tập trung, chỉ cho phép xe vận tải hộ gia đình hoạt động nội tỉnh; đưa đi cách ly tập trung ngay những lái xe vi phạm… Bên cạnh đó, Cà Mau, cũng như những tỉnh còn ít ca nhiễm, kiến nghị tiếp tục thực hiện cách ly tập trung F1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt nhưng phải an toàn dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, tạo thuận lợi cho hoạt động thu hoạch, tiêu thụ nông sản của người dân nhưng vẫn bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh.

“Cà Mau xác định phương châm chống dịch là kiểm soát chặt, xét nghiệm cho nhanh, tiêm phòng vaccine càng nhiều càng tốt”, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đến giờ phút này Cà Mau kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kinh tế được duy trì, phương pháp chống dịch bài bản, huy động được cả hệ thống chính trị nhân dân vào cuộc. Lãnh đạo tỉnh nắm rất sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Trong thời gian tới, khi kiểm tốt tình hình dịch bệnh, Cà Mau có thể nới lỏng giãn cách cục bộ tỉnh; phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát những khu vực nguy cơ cao; sẵn sàng các trung tâm cách ly tập trung F1; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào tỉnh, nhất là lái xe vận tải hàng hoá; giám sát y tế cộng đồng…

Phải rất nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, là nhằm thực hiện đồng loạt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ TP Hồ Chí Minh và một phần của Đồng Nai, Bình Dương, Long An; thiết lập vành đai an toàn, hậu phương vững chắc cho tuyến đầu chống dịch ở TP Hồ Chí Minh.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang sạch, có rất ít ca nhiễm, vì vậy, các tỉnh phải tăng cường tần suất tầm soát, sàng lọc bằng xét nghiệm nhanh, kết hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, truy vết không được bỏ sót những trường hợp liên quan đến các ca nhiễm mới phát hiện.

Thiết lập và giữ vững các vùng xanh an toàn bằng cách kiểm soát chặt người từ nơi khác về, xét nghiệm tầm soát định kỳ, thực hiện giám sát y tế cộng đồng, phát hiện và xử lý nhanh nhất những người hợp có triệu chứng nghi nhiễm.

Đây là lúc phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ Covid-19 cộng đồng, toàn thể người dân, nòng cốt là lực lượng công an, để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, nắm bắt tất cả những người từ nơi khác về, xử lý nghiêm những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực, trong đó có trách nhiệm của người thân trong gia đình; cơ quan nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm khắc. 

Phó Thủ tướng yêu cầu, khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phải rất nghiêm túc. Tuyệt đối tránh tình trạng nói phương pháp, biện pháp rất cao, rất mạnh nhưng thực hiện bên dưới chỉ làm mạnh một vài ngày sau đó lỏng dần. Kinh nghiệm thực tế nơi nào mắc phải điều này thì tình hình dịch bệnh cực kỳ phức tạp.

Khi đã kiểm soát rất tốt, rất vững chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn thì các tỉnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Trong thu dung, điều trị ban đầu người nhiễm Covid-19 (F0), Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh phải tổ chức riêng khu thu dung, quản lý F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ cho bà con về dinh dưỡng, có không gian vận động, rèn luyện sức khoẻ, thoải mái tinh thần, cấp các loại thuốc, phương thuốc đông y, kết hợp tây y để nâng cao thể trạng, giảm hết mức tỉ lệ chuyển thành có triệu chứng.

Phó Thủ tướng cho biết, có những quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh tỉ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng lên tới 30% nhưng nếu quản lý tốt như ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) thì tỉ lệ này dưới 5%.

Cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ và vừa thì phải trang bị hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC), một số loại thuốc điều trị để can thiệp, xử lý sớm, không để cho bệnh nhân chuyển nặng hơn.

Đặc biệt, bên cạnh việc bố trí đủ giường điều trị, các tỉnh cần khẩn trương tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho y, bác sĩ ở các cơ sở điều trị để sẵn sàng cho tình huống có nhiều ca bệnh phải cấp cứu, chuyển nặng.

Thời gian tới, các tỉnh phải tập trung thiết lập mạng lưới tiếp nhận thông tin, thăm khám, sàng lọc tất cả những người có triệu chứng nghi ngờ tại cộng đồng, khu dân cư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Các đồng chí phải tăng cường tuyên truyền, thông tin bằng nhiều hình thức để người dân sớm nhận biết, báo ngay cho hệ thống giám sát y tế cộng đồng. Đối với các bệnh viện phải bảo vệ nghiêm ngặt, tăng cường xét nghiệm nhanh sàng lọc đối với tất cả nhân viên y tế, những người có triệu chứng nghi ngờ khi đến khám, chữa bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.