Nhận diện bệnh nghề nghiệp của giáo viên

Không chủ quan các bệnh về mắt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giảm thị lực, đau lưng, đau nhức xương khớp, viêm họng, ho, khản tiếng, viêm phế quản… là những căn bệnh nghề nghiệp giáo viên cần phải biết.

Giáo viên là nghề có khả năng cao mắc các bệnh về mắt. Ảnh minh họa
Giáo viên là nghề có khả năng cao mắc các bệnh về mắt. Ảnh minh họa

Như vậy sẽ giúp thầy cô có biện pháp phòng tránh bảo vệ sức khỏe bản thân.

Đặc thù nghề nghiệp

Mặc dù đã có những loại phấn ít bụi hơn, nhưng bụi phấn vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe giáo viên. Bởi phấn cơ bản được làm từ thạch cao, vôi tôi, đất sét, nếu bay vào mắt sẽ rất khó chịu, gây ra hiện tượng đỏ mắt, rát mắt, chảy nước mắt. Nếu kéo dài tình trạng này có thể dẫn tới bệnh mạn tính.

Hiện nay, công việc đòi hỏi giáo viên phải nhìn rõ ở các cự ly xa, gần, trung bình khác nhau và liên tục. Thường trên 40 tuổi, giáo viên khó giữ được đôi mắt khỏe mạnh. Ngoài ra, giáo viên có tuổi cũng có thể mắc các bệnh lý lão hóa về mắt. Đó là các bệnh đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng…, thường xuất hiện sau tuổi 50.

Đặc thù nghề nghiệp, thầy cô phải thường xuyên soạn giáo án, chấm sửa bài cho học sinh, cường độ làm việc cao nên hiện tượng khô mắt, mỏi mắt là chuyện có thể gặp hàng ngày. Thời đại công nghệ thông tin phát triển, khi soạn bài, thực hiện các bài giảng bằng máy tính nhiều cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đôi mắt, làm cho các bệnh lý về mắt nặng hơn.

Bác sĩ Tạ Bích Ngọc, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, mắt nhức mỏi là tình trạng khá phổ biến, xảy ra khi mắt phải làm việc với cường độ cao hoặc là dấu hiệu của một số bệnh về mắt. Ví dụ như đọc sách quá lâu, lái xe đường dài, nhìn lâu vào màn hình máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác.

Mắt nhức mỏi có thể gây phiền nhiễu nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất nếu được thư giãn đúng cách, được điều tiết phù hợp. Một số triệu chứng nhức mỏi mắt bao gồm mắt đau hoặc kích thích, khó tập trung, mắt khô hoặc chảy nước.

Bệnh thường gặp ở giáo viên

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Môi trường làm việc tiếp xúc với bụi phấn, thời gian đọc sách, soạn giáo án và làm việc nhiều trên máy tính nên các thầy, cô giáo hay mắc bệnh về mắt như viêm bờ mi, viêm kết mạc, khô mắt…

Theo bác sĩ Tạ Bích Ngọc, mỏi mắt không gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc kéo dài, nhưng có thể nặng hơn. Từ đó, gây khó chịu và khiến các thầy, cô giáo mệt mỏi và giảm khả năng tập trung trong việc giảng dạy.

“Khi mới xuất hiện các triệu chứng này, giáo viên cần chủ động để mắt nghỉ ngơi, tránh làm việc với máy tính quá nhiều, và nên đến khám chuyên gia nhãn khoa để được chẩn đoán và can thiệp, cải thiện sớm”, bác sĩ Ngọc khuyên.

Cũng theo bác sĩ Ngọc, có rất nhiều nguyên nhân khiến mắt nhức mỏi. Hiện tượng này trong thời gian dài sẽ khiến đôi mắt đứng trước nguy cơ suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Mắt nhức mỏi kèm theo việc khó tập trung, đau đầu là một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh hội chứng thị giác màn hình.

Nguyên nhân chủ yếu là do mắt bị tác động bởi ánh sáng nguy hiểm phát ra từ các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi… hoặc ánh sáng nguy hiểm từ đèn LED, đèn huỳnh quang. Ánh sáng nguy hiểm này tác động gây tổn thương các tế bào võng mạc, làm chết tế bào thị giác, gây rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa.

Ngoài ra, khi mắt nhức mỏi kèm theo việc nhìn hình méo mó, song thị, nghĩa là giáo viên đang có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa của võng mạc tại vùng hoàng điểm. Triệu chứng đặc trưng là nhìn hình biến dạng, méo mó. Bên cạnh đó còn xuất hiện các dấu hiệu khác như mắt mờ vùng trung tâm, nhìn có ám điểm (điểm mờ đen) trước mắt, bị rối loạn thị lực màu. Đồng thời nhìn mọi vật mờ và nhạt màu hay nhìn song thị (nhìn thành hai hình).

Theo bác sĩ Ngọc, ánh sáng nguy hiểm khi tác động vào đáy mắt (võng mạc) sẽ gây tổn thương và làm chết các tế bào võng mạc. Từ đó, khiến mắt bị tổn thương và suy yếu sẽ dẫn đến thoái hóa hoàng điểm.

Giải pháp khắc phục, phòng ngừa

Giáo viên là nghề có khả năng cao bị khô mắt do làm việc nhiều với thiết bị màn hình như nhìn màn hình máy tính quá lâu hoặc có thói quen thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử như iPad, điện thoại. Điều này khiến mắt không những bị khô, mà còn có thể bị mờ, nhức, căng mắt, đau đầu, nhìn đôi… Đây là những triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình. BS TẠ BÍCH NGỌC

Mỗi dấu hiệu mắt nhức mỏi kèm theo các triệu chứng khác sẽ khiến mắt có nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Tuy nhiên, khi mắt có biểu hiện “mệt mỏi”, cần xây dựng thói quen sinh hoạt tốt cho mắt.

Bác sĩ Tạ Bích Ngọc khuyên, để đôi mắt sáng khỏe, giáo viên cần chú ý xây dựng các thói quen sinh hoạt tốt cho mắt như không dụi mắt. Bởi hành động này có thể gây xước giác mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào mắt…

Thay vào đó nên rửa mắt với nước sạch, dùng tăm bông để lấy dị vật ra ngoài, trường hợp dị vật hoặc tổn thương lớn cần đến ngay các cơ sở y tế. Nên đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn và bức xạ Mặt trời.

Hạn chế sử dụng smartphone, máy tính, máy tính bảng, xem tivi… Khi có các triệu chứng đau đầu kèm theo nhức mắt, mỏi mắt, mắt nhìn mờ… cần để cho mắt được thư giãn nghỉ ngơi, trường hợp nặng hơn nên đến các cơ sở chuyên khoa về mắt để được tư vấn và thăm khám. Đồng thời, khám mắt định kỳ mỗi năm một lần để kiểm tra các bệnh thoái hóa hoàng điểm, đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.

Giáo viên cũng cần điều chỉnh độ sáng khi đọc sách hoặc xem tivi. Nên bảo đảm ánh sáng ở mức dễ chịu cho mắt. Bên cạnh đó là nghỉ ngơi thường xuyên và giữ vị trí thích hợp.

Sử dụng ghế có thể thay đổi vị trí hoặc điều chỉnh màn hình máy tính để đảm bảo góc nhìn tốt. Điều chỉnh độ phân giải màn hình để đảm bảo rằng màn hình hiển thị máy tính có độ phân giải cao để giúp hình ảnh sắc nét hơn và giảm mỏi mắt.

Ngoài ra, thầy cô nên vệ sinh màn hình sạch sẽ, thường xuyên lau sạch bụi ở màn hình máy tính. Bụi làm giảm độ tương phản, gây chói và các vấn đề về tương phản. “Để phòng ngừa, hạn chế các bệnh về mắt, sau mỗi giờ dạy các thầy cô nên có thói quen rửa sạch đôi bàn tay của mình. Đồng thời, hạn chế mức thấp nhất bụi phấn bay vào mắt”, bác sĩ Ngọc khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ