Giáo viên cần làm gì để hạn chế thấp nhất căn bệnh đau vai gáy?

GD&TĐ - Mỗi giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để hạn chế thấp nhất việc mắc phải bệnh nghề nghiệp, trong đó có bệnh đau mỏi vai gáy.

Đau mỏi vai gáy thường xảy ra đối với người ngồi lâu trong thời gian dài. Ảnh minh họa.
Đau mỏi vai gáy thường xảy ra đối với người ngồi lâu trong thời gian dài. Ảnh minh họa.

Bệnh nghề nghiệp mới

LTS: Ngồi làm việc trước màn hình máy tính quá lâu, cúi gập cổ trong thời gian dài, dựa đầu vào ghế, nằm nghiêng và co quắp… có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và máu cho các cơ vùng cổ vai gáy. Từ đó dẫn tới đau nhức và cứng các vị trí trên.

Đau vai gáy là hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở những người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều giờ liền tại một vị trí, trong đó có giáo viên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) chia sẻ, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang đến cho con người nhiều tiện ích. Công nghệ nghe nhìn thời 4.0 mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đối với nghề giáo, bảng đen phấn trắng không còn phổ biến trên bục giảng nữa. Nhờ đó mà các căn bệnh về mũi, họng, lao phổi... giảm đáng kể.

Các phương tiện nghe nhìn phục vụ cho việc dạy học được sử dụng phổ biến, thường xuyên và rất đa dạng. Với máy tính, điện thoại thông minh... việc dạy học có thể diễn ra mọi nơi, mọi lúc.

Nhiều trường của các cấp học đều được trang bị máy chiếu, video, máy thu thanh, bảng, bút tương tác, các phần mềm trình diễn... Vì vậy, giáo viên cũng chịu cường độ thời gian làm việc lớn với công nghệ.

Cũng theo thầy Hùng, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, phải dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học lại càng được chú trọng hơn. Đối với giáo viên, sự trợ giúp của các công cụ, thiết bị công nghệ là rất cần thiết.

Công việc dạy học của nhà giáo ngày nay đã khác trước rất nhiều. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh không chỉ qua sách vở, thầy giảng trò nghe mà qua nhiều thiết bị, phương tiện công nghệ hiện đại.

“Không những thế, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, giáo viên thường chú trọng đào tạo học sinh thành những người năng động, sáng tạo và giúp các em dám đương đầu với những mặt trái của công nghệ và xã hội.

Chính vì thế, sử dụng các công cụ, thiết bị công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả giáo viên. Và việc sẽ xuất hiện những bệnh nghề nghiệp mới là không thể tránh khỏi”, thầy Hùng chia sẻ.

Cô Nguyễn Kim Ngân (Trường Tiểu học Sơn Đồng, Hà Nội) cho biết có tới gần 30 giờ đứng lớp/tuần. Trong suốt thời gian đó, ngồi, đứng và viết bảng là 3 tư thế, động tác thường phải sử dụng nhiều nhất. Mặt khác, do ngày nào cũng phải soạn giáo án nên việc bị đau, nhức mỏi ở vùng vai, cổ, gáy và khu vực thắt lưng thường xuyên xảy ra.

Những lưu ý

Đau mỏi vai gáy thường gặp ở nhóm có lối sống ít vận động, làm công việc văn phòng, giáo viên, người lớn tuổi, cơ địa béo phì, có các vấn đề tâm lý, sức khỏe kém, từng bị chấn thương vùng vai gáy… Bên cạnh đó còn thường xảy ra ở người làm việc nặng, có yếu tố phải mang vác ở phần vai, đầu, cổ.

Bác sĩ Tạ Hồng Nhung (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ, với đặc thù công việc, giáo viên phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ phục vụ cho dạy học.

Khi đó, giáo viên ngồi quá lâu, với tư thế cúi đầu, tạo căng thẳng cho đốt sống cổ, sẽ mắc “những chiếc cổ bị bệnh”. Vì vậy, đau vai gáy, thoái hoá đốt sống cổ là một bệnh khá phổ biến đối với thầy cô giáo.

Bác sĩ Nhung thông tin, hằng năm, khoảng 30% dân số thế giới gặp phải các vấn đề vùng vai gáy ở các mức độ từ nhẹ đến nặng, đa số sẽ tự hết hoặc đáp ứng với điều trị. Nhưng có một tỉ lệ đáng kể chuyển thành đau mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

“Đau vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu. Bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy”, bác sĩ Tạ Hồng Nhung nói.

Triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy có thể được nhận biết như cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc nặng, ngồi quá lâu trên bàn làm việc với cùng một tư thế. Cùng với đó, mức độ đau sẽ càng tăng khi người bệnh đi đứng, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cổ hay khi thời tiết thay đổi.

Cơn đau từ bả vai lan xuống cánh tay khiến vai và tay luôn bị tê mỏi, nặng nề, khó vận động. Thậm chí, người bệnh khi sờ vào vùng bả vai, cánh tay sẽ thấy tê cứng. Tùy trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng chóng mặt, ù tai, hoa mắt…

“Cần đi khám bác sĩ ngay để có chẩn đoán chính xác khi cơn đau dữ dội hoặc nặng lên, dai dẳng trên 4 đến 6 tuần. Đi kèm với đó là các triệu chứng khác như sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt cao, nôn ói, rối loạn tri giác, tê yếu tay, teo cơ, khó thở, đau bụng, đau ngực...”, bác sĩ Nhung đưa ra lời khuyên.

Theo đó, chuyên gia khuyên rằng, giáo viên không ngồi quá lâu trong thời gian dài, nên thay đổi tư thế hoặc đứng lên vươn vai đi lại sau mỗi 45 phút làm việc hoặc nghỉ giải lao tại chỗ giữa giờ làm. Khi sử dụng điện thoại, không dùng bả vai và đầu để giữ điện thoại.

Ngoài ra, khi phải soạn bài hoặc dùng máy tính, thầy cô không nên cúi đầu nhìn màn hình quá lâu mà nên đặt ngang tầm mắt. Ghế ngồi được điều chỉnh sao cho phù hợp, khuỷu tay vuông góc với mặt bàn khi gõ máy và không nằm ngủ gục mặt trên bàn.

Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi điều độ, tránh stress, áp lực công việc. Giáo viên thường có thói quen thức khuya soạn bài, đây là thói quen không tốt. Vì vậy, cần ngủ trước 23 giờ và đảm bảo đủ 6 - 8 tiếng mỗi ngày.

Ngoài ra, nên chú ý chọn lựa những thực phẩm ít dầu mỡ, bột đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Thức ăn chế biến đơn giản, thực phẩm nhẹ nhàng dễ tiêu. Đồng thời, tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, café … quá nhiều và liên tục trong thời gian ngắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.