Không cần thiết xét nghiệm kháng thể sau khi tiêm phòng Covid-19

GD&TĐ - Kết quả dương tính qua xét nghiệm kháng thể là tín hiệu cho thấy, người đó từng nhiễm Covid-19 nhiều tuần trước.

Việc xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là không cần thiết. Ảnh minh họa
Việc xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 là không cần thiết. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch cũng sản sinh ra kháng thể chống nCoV. Do vậy, có thể người đó sẽ có kết quả dương tính nhưng không phải bị nhiễm bệnh.

Không phải “thước đo” tin cậy

Xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một số đơn vị y tế hiện đã triển khai dịch vụ xét nghiệm kháng thể sau chủng ngừa Covid-19.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) nhận định, nhiều người muốn đi xét nghiệm kháng thể do lo ngại rằng, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể không hiệu quả. Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn nhấn mạnh, không nên thực hiện xét nghiệm kháng thể sau chủng ngừa Covid-19.

“Lý do là các phương pháp xét nghiệm này cho chúng ta biết một người đã bị phơi nhiễm virus trong quá khứ. Chúng không phải là thước đo tin cậy về sự miễn dịch chống virus”, chuyên gia cho biết.

Lý giải cụ thể, Giáo sư Tuấn chia sẻ, các phương pháp xét nghiệm này cho chúng ta biết, kháng thể chống nCov là hiện diện hay không hiện diện. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm không định lượng, không cho biết bao nhiêu kháng thể trong cơ thể.

“Điều này có nghĩa là một người có thể có kết quả dương tính, nhưng lượng kháng thể có thể không đủ để bảo vệ chống lại virus. Mặt khác, kết quả xét nghiệm là âm tính, cũng không có nghĩa là người đó không có miễn dịch.

Bởi, các thành phần khác của hệ miễn dịch (như tế bào T) có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống virus. Vì những lý do trên, các giới chức y tế không khuyến cáo làm xét nghiệm cho những người đã tiêm vắc-xin”, chuyên gia giải thích.

Giáo sư Tuấn cho biết, xét nghiệm có mục đích phát hiện nhiễm trong quá khứ qua phát hiện kháng thể đặc hiệu cho con virus nCov. Một kết quả dương tính qua xét nghiệm kháng thể là tín hiệu cho thấy người đó đã bị nhiễm nCov nhiều tuần trước.

Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch cũng sản sinh ra kháng thể chống nCov. Do vậy, có thể người đó sẽ có kết quả dương tính nhưng không phải bị nhiễm. Vì vậy, xét nghiệm kháng thể không được khuyến cáo dùng cho những người đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Kháng thể tự nhiên

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), xét nghiệm kháng thể không được khuyến khích để xác định một người có miễn dịch với nCoV sau khi tiêm chủng hay không. Test kháng thể cũng được khuyến cáo không nên sử dụng để quyết định một người nào đó có đủ điều kiện tiêm vắc-xin Covid-19 không. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng có cảnh báo tương tự về việc không xét nghiệm kháng thể, test nhanh với những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Chia sẻ về kháng thể, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) - nhận định, có một sự khác nhau “rất lớn” về phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể được tiêm vắc-xin và nhiễm Covid-19.

Hầu hết các vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay nhắm đến một protein quan trọng là protein gai (protein S) có trên bề mặt của virus. Một số loại vắc-xin như vậy bao gồm: Vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V.

Ngoài ra, vắc-xin của Sinopharm hoặc Sinovac sử dụng virus đã chết (bằng nhiệt hoặc chất hóa học) để dạy hệ miễn dịch hình dạng con virus thật như thế nào.

Trong khi đó, khi bị nhiễm Covid-19, virus sẽ xâm nhập vào tế bào vật chủ qua thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào. Từ đó, tạo ra nhiều loại protein trong suốt chu kỳ sống và sinh sản của chúng, tương tác với các con đường tín hiệu của tế bào. Do đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị kích hoạt một cách toàn diện hơn. Từ đó, nhận biết virus SARS-CoV-2 đầy đủ hơn.

“Nhìn chung, hệ miễn dịch được tạo ra từ người bị nhiễm virus một cách tự nhiên “mạnh” hơn nhiều so với hệ miễn dịch được tạo ra từ vắc-xin. Tuy nhiên, Covid-19 là một căn bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi, người có bệnh nền… Vắc-xin vẫn là giải pháp quan trọng và ưu tiên hàng đầu để phòng tránh lây nhiễm bệnh và ngăn nguy cơ trở nặng hoặc tử vong”, TS Vũ nhấn mạnh.

Song, theo chuyên gia này, hiện, các biến chủng mới như Beta hoặc Delta có đặc tính để “vượt” hàng rào miễn dịch. Từ đó, khiến người đã tiêm vắc-xin vẫn có thể nhiễm bệnh.

“Người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên, virus tồn tại trong cơ thể dài hơn (thường là 1 - 2 tuần) so với thời gian tồn tại các kháng nguyên được tạo ra bởi vắc-xin (thường chỉ vài ngày). Do vậy, các tế bào miễn dịch của cơ thể “học” được nhiều và hiệu quả hơn”, TS Vũ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.