Khốn khổ vì phải xin tiền mẹ đẻ đưa cho chồng

Có chồng hà tiện, thường cặn kẽ hỏi vợ từng khoản chi tiêu dù nhỏ nhất, bản thân họ lại lương thấp hoặc ở nhà không làm ra tiền, những người vợ này nhiều lần phải muối mặt về xin tiền mẹ đẻ để đưa cho chồng để “yên thân” với hạnh phúc đang có.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới lấy chồng được gần 1 năm, dù đang mang bầu con đầu lòng được hơn 2 tháng, song Thu Phương, 25 tuổi không khỏi mệt mỏi về người chồng quá đỗi hà tiện và keo kiệt của mình.

Trước đây khi 2 người còn đang yêu nhau, bố mẹ Phương đã nhiều lần phản đối tình yêu này do hoàn cảnh 2 nhà quá khác biệt. Nhà Phương dù không giàu có nhưng cũng có của ăn của để. Phương được chi tiêu thoải mái. Trong khi đó nhà chồng Phương lại nghèo và anh chi tiêu "đại tiết kiệm", nhất là sau khi cưới.

Kể đến đây, Phương rơm rớm nước mắt tủi thân nói: “Mình buồn lắm, nhiều lúc không biết phải làm sao nữa. Mình đâu có ngờ được anh sinh ra trong gia đình nghèo nên cứ ngày càng trở nên hà tiện và bẩn tính đến vậy”.

Phương kể tiếp: “Được đúng 1 tháng đầu sau cưới, anh vẫn hào phóng như ngày yêu. Còn sau đó, mang tiếng vợ chồng son mà tháng nào mình cũng phải về xin mẹ tiền chi tiêu. Hoặc những lúc muốn mua sắm gì cho bản thân, mình cũng chỉ dám ngửa tay xin mẹ.

Bởi sau cưới 1 tháng, anh chưa bao giờ đưa vợ đi chơi hay cho tiêu thoải mái. Dù lương chồng mình cũng gần 10 triệu. Thậm chí, đi đâu làm gì, tiêu bao nhiêu, mình đều phải khai báo cho anh biết. 

Trong khi có những khoản lặt vặt mình chi cho những lần mua sắm của gia đình thì làm sao có thể nhớ được khi 1 tuần sau anh mới hỏi đến. Những lúc vợ không nhớ, anh lại nói tiêu những gì mà hết nhiều thế?Lúc ấy, mình tủi thân chỉ muốn phát khóc lên".

Trong khi Phương cũng đi làm chứ không phải ăn bám chồng toàn tập. Nhưng vì lương kế toán của Phương chỉ được hơn 4 triệu/tháng. Lại thêm Phương đang ốm nghén nên đi làm không đều đặn. Vì thế, tiền lương tháng của Phương cũng giảm sút đáng kể.

Có những ngày ốm nghén, người lả đi không thể gượng dậy nổi, Phương phải nằm ở nhà. Những lúc ấy, Phương muốn chồng chở cô sang nhà mẹ đẻ chơi thì chồng toàn từ chối: 

“Anh ấy chẳng những không chở vợ sang nhà ngoại dù nhà vợ chỉ cách đó 2 km mà lý do anh đưa ra cũng rất sốc. Anh bảo đã không đi làm ra tiền, lại còn đòi đi đến nhà bà ngoại chơi thì đồng nghĩa với việc anh sẽ phải tốn thêm tiền đổ xăng?!”.

Ức chế nhất là mới đây vì ốm nghén Phương phải xin nghỉ làm không lương 15 ngày ở nhà. Bố mẹ đẻ thấy vậy nên bảo Phương lên nhà chơi: “Nhà bố mẹ đẻ có cửa hàng tạp hóa nhỏ nên những lúc khỏe khoắn, mình cũng đứng phụ bán hàng giúp ông bà. 

Mẹ mình cũng bảo cuối tháng sẽ cho mình chút tiền vì đã phụ mẹ. Vậy mà còn chưa cuối tháng, chồng mình cứ liên tục hỏi liệu bố mẹ cho mình được bao nhiêu tiền”.

“Thấy chồng hỏi thăm dò vậy nhiều lần, mình đau đầu quá nên đã nổi cáu nói lại anh. Mình bảo để cho mình yên thì anh quay ra chửi mình không ra gì, còn cấm không cho mình lên nhà ngoại nữa vì bảo lên giúp như vậy mà không thấy tiền đâu thì thằng nào đổ xăng cho cô đi hàng ngày” - Phương ứa nước mắt kể.

Cũng trong tình trạng có chồng hà tiện và chỉ biết đến một chữ “tiền”, Hoàng Mai (27 tuổi) luôn thấy ngột ngạt không thể chịu nổi với chồng. Tuy chưa nghĩ đến 2 chữ ly hôn nhưng tình cảm của vợ chồng Mai vì thế mà rạn nứt rất nhiều.

Lấy nhau đã 3 năm nhưng vợ chồng trẻ này vẫn chưa có con do chồng Mai tinh trùng yếu. Vì thế, vợ chồng Mai cũng làm thêm linh tinh để tập trung tiết kiệm và làm thụ tinh ống nghiệm. 

Đã 2 lần thụ tinh ống nghiệm nhưng chưa lần nào vợ chồng Mai thành công. Do đó, lần 3 này, chồng Mai bảo vợ nghỉ làm để ở nhà tập trung cho lần thụ tinh thứ 3 được may mắn.

Mai kể: “Từ ngày mình ở nhà đến nay chưa được 3 tháng mà hàng ngày mình bị rất nhiều áp lực từ việc chi tiêu. Không ngày nào là chồng không hỏi, hôm nay mình mua bán những cái gì để anh còn ghi chi tiết. 

Thậm chí, anh thường xuyên ngó các khoản này kêu cái này mình mua đắt, rồi cái kia không cần thiết. Cứ thế, chồng lại mắng mình. Mình cũng có phải là đứa tiêu xài hoang phí gì đâu chứ. Vợ chồng nhiều lúc cứ cãi nhau về chi tiêu. Những lúc như vậy, anh lại bảo mình ngu như con này, con nọ”.

Bị chồng keo kiệt chửi không ra gì, nhiều lần Mai cũng muốn nói lại cho chồng nghe: “Song chồng mình chẳng những không nghe vợ nói còn nhiều lần vì chuyện tiền nong mà đánh mình không thương tiếc. Anh còn quàng sang bảo, từ ngày đi làm thụ tinh ống nghiệm, bố mẹ mình mới chỉ cho được vài đồng bạc. Mình thấy bị xúc phạm nhiều quá”.

Người vợ 27 tuổi này cũng phân bua: “Anh cứ nóng lên nói vậy mà không nghĩ. 2 lần trước đi thụ tinh ống nghiệm, lần nào mình chẳng về nhà xin bố mẹ mình tiền. Khi thì bố mẹ mình cho 10 triệu, lúc lại 5 triệu để 2 đứa đi lại”.

Ở nhà 3 tháng không có tiền lương, tháng nào người vợ này cũng phải chạy về nhà ngửa tay xin tiền mẹ đẻ để đưa cho chồng: “Từ ngày vợ chồng cưới nhau, tài khoản lương của vợ, chồng giữ tất. 

Hàng ngày anh chỉ đưa cho vợ 1 khoản chi tiêu cố định để đi chợ. Muốn mua cái gì ngoài ra thì phải thống kê cho anh. Mấy tháng rồi, mình không đi làm, sợ chồng bị thâm hụt ngân sách chi tiêu ảnh hưởng đến con số dự phòng để làm thụ tinh, mình đã 2 lần muối mặt xin tiền bố mẹ đẻ để đưa cho chồng đỡ cằn nhằn, kêu ca. Chồng mình biết là tiền của bố mẹ vợ cho nhưng vẫn vui vẻ cầm”.

Sự hà tiện thái quá của chồng Mai càng khiến anh trở nên bẩn tính hơn: “Thời gian vừa rồi, bố mẹ đẻ mình có rậm rịch định bán một suất đất dịch vụ. Bố mẹ cũng bảo sẽ chia 1 phần cho mình. Bố mẹ mới nói phong thanh thế, chồng đã có ý nhòm ngó khoản này. Anh cứ hỏi bảo sao bố mẹ vợ lâu bán thế, rồi không biết được khoản bao tiền”.

Trước người chồng như vậy, Linh than thở: “Chẳng hiểu sao chồng mình là đàn ông mà lại không biết xấu hổ thế. Đàn ông gì mà suốt ngày nhòm ngó gia sản của vợ mình cứ thấy sao ấy. Sao anh không nghĩ tự làm nuôi vợ con đi. Mình buồn vì chồng chẳng ra dáng làm trụ cột gia đình gì cả”.

Trước đó, do nghĩ đã 2 tháng phải xin tiền bố mẹ đẻ để đưa cho chồng nên Mai nghĩ tháng này nhất định sẽ không làm thế nữa. Song đến cuối tháng chưa thấy vợ có động tĩnh gì về nhà ngoại, chồng Mai còn nhắc vợ về "đẽo": 

“Anh còn trơ mặt bảo mình, cuối tháng rồi mà không thấy vợ về đẽo của ông bà ngoại thế? Mình bảo, bố mẹ gày gò lắm rồi, sao đẽo hoài được. Anh lấy vợ thì tự lo cho vợ đi, đừng trông chờ vào người khác. Có thế mà anh đánh mình mấy bạt tai vì tội ăn nói láo toét với chồng. 

Anh bảo: "Tao đang bệnh tật thì mới cần tiền. Chứ tao mà hết bệnh tật thì thằng này đi làm 5 triệu/tháng ở đâu chả nhận”.

Quá tủi thân trước sự việc vừa mới xảy ra, Mai trào nước mắt bảo: “Mình không biết có thể dùng tiền để mua sự yên ổn của mình mãi được không? Nhưng nhiều lúc nghĩ, chẳng lẽ bố mẹ mình cứ phải chìa tiền ra để mua hạnh phúc cho mình cả đời sao? 

Ừ thì anh vì bệnh tật mà tiết kiệm đã đành, keo kiệt tính toán đã đành. Nhưng đến tiền của bố mẹ vợ cũng xui vợ về xin được thì đúng là mình bó tay. Sống thế này mình khổ tâm quá”.

Theo ttvn.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ