"Quên" không dạy con cách tranh luận
Dạy con Công - Dung - Ngôn - Hạnh để trở thành những người phụ nữ hiền dịu, nhẹ nhàng, biết hi sinh là điều tốt. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại dạy quá đà, vô tình biến con thành người phụ nữ cam chịu.
Đặc biệt, việc ‘nhồi nhét’ vào đầu con rằng, một cô gái đáng yêu luôn phải biết "dĩ hòa vi quý", biết an phận, không làm ảnh hưởng đến người khác… là một lỗi không nhỏ.
Chính điều này, làm giảm trí cầu tiến và sự thành công của con gái khi trưởng thành vì không dám nói, dám làm mà chỉ biết răm rắp tuân thủ theo sự sai bảo của cấp trên.
Ngoài việc dạy con gái các quy tắc ứng xử và trở thành người hòa nhã biết lựa thế, lựa thời… cha mẹ đừng quên dạy chúng cách tranh luận, giải quyết bất đồng và đàm pham với người khác. Khuyến khích con nêu quan điểm riêng và bảo vệ quan điểm đó.
Chỉ cho con chơi với bạn cùng giới
Vì lo sợ con có thể cảm mến một người bạn khác giới quá sớm, nên nhiều mẹ có tâm lý chỉ con chơi với bạn cùng giới. Việc làm này rất có thể sẽ gây phản ứng ngược vì tâm lý trẻ là càng cấmchúng càng tò mò, càng muốn khám phá nên hoặc sẽ chống đối ra mặt quyết định của cha mẹ, hoặc sẽ ngấm ngầm.
Vì vậy, cha mẹ thông thái luôn để con được kết thân với một bạn khác giới và kiểm soát tình bạn đó ở một mức nhất định. Vì một người bạn khác giới sẽ "dạy" con rất nhiều điều thú vị về cuộc sống cũng như giúp con biết cách ứng xử hơn với nam giới khi trưởng thành.
Chê bai cơ thể mình hoặc người khác trước mặt con
Phàn nàn hay cằn nhằn về cơ thể mình cũng như người phụ nữ khác trước mặt con. Tuyệt đối: Không! Bởi bé sẽ mặc định một số khái niệm thế nào mới là một cơ thể đẹp và bé sẽ cố để đạt được "chuẩn" đó một cách không tích cực.
Do đó, nếu mẹ có hơi thừa cân một chút, vẫn nên ăn uống lành mạnh. Đừng làm gương xấu cho con bằng cách bỏ bữa hay ăn toàn đồ không có dinh dưỡng.
Nuông chiều, làm thay con mọi việc
Vì yêu con, xót con… nên nhiều bà mẹ không cho con đụng tay, đụng chân vào bất kỳ việc nào trong nhà. Chính vì thế, rất nhiều bé gái ở độ tuổi teen không biết cách nấu một gói mỳ; chưa từng rửa một cái bát hay lau nhà.
Kết quả, khi trưởng thành, chúng gặp vô vàn những khó khăn và không biết cách tự chăm sóc bản thân, luôn có tâm lý ‘để cha mẹ lo’ hay ‘việc đó của cha mẹ’.
Hãy hiểu, thương con không có nghĩa là làm thay con mọi việc. Người mẹ thông thái sẽ "cho con cần câu chứ không phải con cá", nghĩa là sẽ dạy con các kỹ năng để "sống sót" và thành công chứ không phải luôn bao bọc và lo cho con mọi thứ.
Cấm đoán những thứ cha mẹ cho là xấu
“Bạn đó không tốt, con không nên chơi cùng” hay “Chương trình đó thật vớ vẩn, con xem chỉ tốn thời gian”… Đây là một hình phạt khá "buồn cười" mà các vị phụ huynh khi bất lực hay dùng tới.
Đáng lẽ ra cần giúp trẻ nhận thức, định hướng được cái gì là nên, không nên và nhẹ nhàng giải thích tại sao, hay chia sẻ với con trải nghiệm bản thân về những điều đó thì cha mẹ lại ngay lập tức "bật đèn đỏ" ngăn con lại. Họ không hiểu rằng cấm đoán chỉ xây một bức tường ngăn cách với con và tạo điều kiện để con nói dối.