Ngư dân thua lỗ, tàu thuyền nằm bờ
Những ngày này, tuy đang vào mùa đánh bắt chính vụ nhưng gần 50 tàu cá hành nghề vây rút chì của ngư dân Lý Sơn phải nằm bờ không thể ra khơi, bởi cạn kiệt nguồn cá, nhiều tàu cá từ đầu năm đến nay chỉ một vài lần vươn khơi bám biển rồi lại phải neo bờ vì lỗ vốn.
Ngư dân Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn Đông (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) hành nghề vây rút chì - buồn rầu chia sẻ: Những năm trước, sau Tết Nguyên đán là thời điểm đánh bắt chính vụ của nghề vây rút chì. Thế nhưng năm nay lượng cá về thưa thớt nên phần lớn tàu vươn khơi hành nghề đều lỗ vốn phải neo bờ.
“Năm ngoái cũng tháng này, mỗi đêm ra khơi thả lưới tàu chúng tôi khai thác được từ 5 -10 tấn cá nục suông cho thu nhập hàng chục triệu đồng, cá biệt có đêm gặp luống cá dày khai thác được gần 30 tấn giá trị gần cả tỷ đồng, nhưng nay mỗi đêm thắp điện chong đèn thả lưới, tàu nhiều thì được vài tạ, không đủ tiền dầu nói gì đến tiền chia cho các lao động trên tàu”, ngư dân Nghĩa nói.
Đang loay hoay, xếp gọn lại những tay lưới vừa được vá xong để chuẩn bị ra khơi, ngư dân Lê Văn Mạnh – chủ tàu cá hành nghề vây rút chì, ở thôn Đông (xã An Vĩnh, Lý Sơn), bày tỏ: Từ đầu năm đến nay, tàu của ông mới chỉ vươn khơi được 4 chuyến biển nhưng đều lỗ nặng vì biển không có cá.
Chồng chất nỗi lo
Mùa biển năm 2017 vừa qua, nghề vây rút chì của ngư dân Lý Sơn trúng lớn, nhiều tàu cá kiếm tiền tỷ chỉ sau một đêm vươn khơi bám biển. Sau mỗi chuyến đi biển hàng trăm tấn cá được khai thác trong đêm lại cập bờ. Nhưng mùa biển năm nay vì “non cá” nên sau vài đêm vươn khơi phần lớn tàu cá hành nghề vây rút chì của ngư dân đành phải neo bờ vì thua lỗ.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Thời gian qua, nghề vây rút chì ở huyện đảo Lý Sơn phát triển và đem lại hiệu quả nhất. Do đánh bắt các loại hải sản sinh sống ở tầng trên của mặt nước, như cá thu, cá ngừ, cá nục, mực... cho nên nghề vây rút chì là hình thức đánh bắt được khuyến khích phát triển, mở rộng.
Tuy nhiên, chi phí cho nghề cá lưới vây khá cao, khoảng 1,3 - 2,5 tỷ đồng/tàu, chưa kể ngư dân còn phải nắm được nhiều kỹ thuật, nên không phải tàu nào cũng có đủ năng lực. Qua quá trình hoạt động của mô hình đánh bắt lưới vây rút chì đã cho thấy nghề vây rút chì cho hiệu quả và năng suất cao hơn các nghề khác, nguồn hải sản đánh bắt rất đa dạng.
Bà Phạm Thị Hương cho biết thêm: Hiện nay, toàn huyện Lý Sơn có trên 70 phương tiện tàu cá hành nghề vây rút chì. Nhiều chủ tàu vì thua lỗ nên cho tàu nằm bờ hoặc chuyển đổi ngành nghề khác. Nếu tình trạng này kéo dài đội tàu vây rút chì của địa phương sẽ giảm về số lượng. Có lẽ, ngư dân hành nghề vây rút chì Lý Sơn đang khốn đốn khi ngư trường ngày càng cạn kiệt nguồn tôm cá.
“Phát triển mạnh vào những năm gần đây, nghề vây rút chì của ngư dân Lý Sơn đã giúp hàng trăm hộ ngư dân giàu lên nhanh chóng, hàng chục tàu cá công suất lớn với ngư cụ hiện đại được đầu tư đóng mới. Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay, không biết nghề này còn tồn tại hay không bởi mỗi khi mất mùa biển sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, sản xuất của ngư dân, buộc ngư dân tìm hướng chuyển sang nghề đánh bắt khác. Chính vì vậy, nghề vây rút chì nổi tiếng một thời của ngư dân Lý Sơn sẽ có nguy cơ bị mai một” - bà Hương lo lắng.