Danh tính các đối tượng gồm: Hà Trọng Tài (SN 1997, trú tại thôn Hà Kỳ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ); Vũ Văn Linh (SN 1993, trú tại thôn Quàn, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ) và Nguyễn Văn Quyền (SN 1994, trú tại thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ).
Cả 3 đối tượng này đều bị cơ quan công an áp dụng các biện pháp tố tụng về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu điều tra, cả 3 đối tượng trên đều không có công ăn việc làm ổn định. Vì muốn có tiền để tiêu xài cá nhân nên từ đầu năm 2022, các đối tượng đã nảy sinh ý định cho người khác vay tiền với lãi xuất cao để thu lợi bất chính.
Cả 3 sau đó đã mua quyền sử dụng phần mềm quản lý cầm đồ rồi đăng ký tên tài khoản, tạo mật khẩu để quản lý số người vay, mức lãi suất, kỳ hạn đóng lãi của người vay.
Khi có khách vay tiền, các đối tượng kiểm tra thông tin người vay, đủ điều kiện cho vay thì thỏa thuận lãi suất từ 3.000 đồng/1 triệu/ ngày đến 5.000đồng/1 triệu/ngày (tương đương từ 109,5%/1 năm đến 182,5%/1 năm).
Hình thức vay của các đối tượng thường là vay tín chấp. Khách hàng mà các đối tượng cho vay nhằm tới là những người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động, giáo viên, học sinh và cho vay với số lượng nhỏ nhưng lãi suất cao.
Với thủ đoạn này, các đối tượng cho vay ít có nguy cơ mất vốn, ít tạo ra mâu thuẫn lớn, việc đòi nợ cũng dễ hơn, khách hàng cho vay dễ bị khuất phục.
Riêng đối với đối tượng Hà Trọng Tài, ngoài cho vay với hình thức tín chấp lãi suất cao, Tài còn cho vay với hình thức “bốc bát họ”, mức tiền vay từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Thời gian trả tiền tùy thuộc vào khách vay tiền. Trong đó, khách hàng có thể trả số tiền gốc giảm dần từ 50 đến 100 ngày (hình thức vay này Tài sẽ cắt lãi trước).
Cơ quan công an xác định, từ đầu năm 2022 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, Tài đã thực hiện 1.293 lượt cho vay (trong đó cho vay dưới hình thức tín chấp là 151 lượt, cho vay dưới hình thức “bốc bát họ” là 1.142 lượt) với tổng số tiền cho vay hơn 20 tỷ đồng, tổng tiền lãi đã thu trên 3,5 tỷ đồng.
Trong đó, có 51 lượt vay với lãi suất trên 100%/1 năm với tổng tiền cho vay là gần 520 triệu đồng, tổng số tiền lãi đã thu gần 175 triệu đồng, tổng số tiền thu lợi bất chính gần 145 triệu đồng.
Với đối tượng Vũ Văn Linh, cơ quan công an xác định, từ đầu năm 2022 đến thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, Linh đã thực hiện 276 lượt cho vay tín chấp, tổng số tiền cho vay hơn 1,5 tỷ đồng, tiền lãi đã thu gần 479 triệu đồng, số tiền thu lời bất chính gần 417 triệu đồng.
Còn đối tượng Nguyễn Văn Quyền, từ đầu năm 2022 đến khi bị phát hiện bắt giữ, Quyền đã thực hiện 66 lượt cho vay tín chấp, với tổng số tiền cho vay hơn 420 triệu đồng, tiền lãi đã thu gần 100 triệu đồng, tiền thu lời bất chính gần 88 triệu đồng.
Với người vay tiền không có khả năng trả nợ, các đối tượng cũng dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” như bêu xấu trên mạng xã hội, ném chất bẩn, bắt giữ người trái pháp luật…