Tuy nhiên, mọi chuyện đã ít nhiều thay đổi kể từ khi có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc ở giới trẻ bắt đầu giảm, người dân cũng ý thức hơn trong việc lựa chọn nơi không khói thuốc…
Tín hiệu tích cực
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc trong học sinh từ 13 - 15 tuổi do Tổ chức Y tế thế giới và đối tác thực hiện năm 2014 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014.
Báo cáo cũng đưa ra tín hiệu đáng mừng là khoảng 90% học sinh đang hút thuốc có ý định cai thuốc lá. Tỷ lệ này cho thấy hiện nay việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và có xu hướng giảm ở lứa tuổi học sinh của Việt Nam.
Tương tự, khảo sát của Bộ Y tế cũng khẳng định tỷ lệ hút thuốc ở nam, nữ nước ta đang có xu hướng giảm so với năm 2010. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% xuống 18,2%, giảm nhiều ở khu vực thành thị (23,3% xuống còn 20,6%).
Điều tra này cũng cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở tất cả địa điểm. Giảm mạnh nhất là tại trường đại học với mức giảm từ 54,3% xuống 37,9%.
Trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%. Việc sử dụng thuốc lá giảm một phần do nhận thức về tác hại của khói thuốc đến sức khỏe của người dân tăng trong những năm gần đây.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, so với năm 2010, tỷ lệ người tin rằng hút thuốc gây các bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư phổi tăng từ 55,5% lên 61,2%.
Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm tăng từ 87,0% lên 90,3%. Có thể nhận thấy rằng công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều việc phải làm
Nhận thức của người dân tăng lên đồng nghĩa với tỷ lệ hút thuốc giảm đi. So với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%. Hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%. Hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%. Hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng đây thực sự là tín hiệu đáng mừng. Nhưng với những tác hại mà khói thuốc đem lại như hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bởi thực tế cho thấy, khói thuốc vẫn bao vây nơi công cộng. Bệnh viện, trường họ
c là nơi cấm khói thuốc nhưng đâu đó vẫn có người vô tư nhả khói. Ở những nơi khác như bến xe, khu vui chơi, nhà hàng, việc người lớn hút thuốc vẫn diễn ra cho dù có biển cảnh báo, dù người xung quanh tỏ ra khó chịu…
Theo nghiên cứu của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, nhà hàng là một trong những địa điểm công cộng bị ô nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất.
Khảo sát cho thấy có đến 89,4% khách hàng không hút thuốc cảm thấy không thoải mái khi ăn nếu hít phải khói thuốc hay nhìn thấy người hút thuốc trong nhà hàng.
Thực trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế như tăng nguy cơ cháy nổ, tăng chi phí bảo dưỡng cơ sở vật chất của nhà hàng do thuốc lá gây ra, mà còn gây tổn hại về sức khỏe của nhân viên và khách, do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc.
Điều này chứng tỏ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa được thực thi nghiêm minh, công bằng, bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nhận định.
Nhà hàng ăn uống thuộc diện những địa điểm công cộng thực thi quy định cấm hoàn toàn hút thuốc lá trong nhà, nhưng kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 44,1% số nhà hàng được khảo sát có thực hiện quy định cấm hút thuốc lá.
Việc xử phạt hành vi hút thuốc lá trong các nhà hàng vẫn rất hạn chế. Trong vòng một năm qua, thanh tra Bộ Y tế chỉ tiến hành kiểm tra và xử phạt 100 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt 91 triệu đồng.
Nhà hàng đã vậy, tại những nơi công cộng có không gian mở như bến xe, nhà ga, khu vui chơi, việc cấm hút thuốc lại càng khó khăn. Bằng chứng là trong 2 năm 2014 - 2015, liên Bộ Y tế - Công an mới lập biên bản cảnh cáo 35 trường hợp; Xử lý 39 vụ; Phạt tiền 23,9 triệu đồng hành vi vi phạm các quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá…
Những con số trên cho thấy tình trạng vi phạm luật vẫn diễn ra, việc xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế, số tiền phạt và số trường hợp bị phạt còn quá ít, chưa đủ sức răn đe.
Theo các chuyên gia y tế, để việc thực thi luật tốt hơn nữa cần siết chặt quy định cấm ở nơi công cộng, đặc biệt là nhà hàng, bến xe đến nơi công cộng khác. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao ý thức người dân để họ sẵn sàng nói không với khu vực có khói thuốc…
- Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
- Hơn 75% các ca tử vong ở nước ta hàng năm là do các bệnh không lây nhiễm trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính.