Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường bền vững

GD&TĐ - Diễn đàn 'Lắng nghe nông dân nói' do Bộ TN&MT chủ trì và phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam diễn ra hôm 24/11.

Diễn đàn 'Lắng nghe nông dân nói' nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.
Diễn đàn 'Lắng nghe nông dân nói' nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn.

Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” là bước chuẩn bị quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.

Cởi mở, thẳng thắn và tâm huyết

Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” do Bộ TN&MT chủ trì và phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam diễn ra hôm 24/11. Đây là lần đầu tiên ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Diễn đàn trao đổi cởi mở, thắng thắn với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, diễn đàn lắng nghe các ý kiến, trao đổi, thảo luận với tinh thần tâm huyết và trách nhiệm. Nội dung thảo luận là bước chuẩn bị quan trọng trước thềm Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với nông dân năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.

Diễn đàn lần này kết nối hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã trên cả nước. Cùng với đó là sự góp mặt của hơn 200 nông dân tiêu biểu cả nước tại sự kiện, hàng nghìn nội dung kiến nghị như: Thi hành Luật Đất đai 2024 về các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực từ đất đai. Các giải pháp về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cam kết của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0...

Dẫn chứng, giải đáp ý kiến của một nông dân thắc mắc: “Đất thuê hết thời hạn nếu người dân có nhu cầu thì Nhà nước vẫn tiếp tục cho thuê tiếp?”.

Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất cho biết: “Nếu là đất giao theo Luật Đất đai, kể cả Luật Đất đai 2013 là tự động kéo dài 50 năm thì Nhà nước phải tự làm cho người dân. Nếu đất thuê hạn 20 năm, Nhà nước không thu hồi mà người dân có nhu cầu thì vẫn tiếp tục cho thuê tiếp”.

Ý kiến về công tác bồi thường tại Dự án Đường vành đai 4, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất phân tích: “Đường vành đai 4 khi chúng ta làm đã có Dự thảo Luật Đất đai mới, đặc biệt khu vực Hà Nội, vận hành Dự thảo Luật Đất đai 2024 rất tốt. Kinh nghiệm Hà Nội là chốt vị trí tốt nhất để làm khu tái định cư, vận động người dân nhường đất để làm đường”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT, đánh giá cao những ý kiến của nông dân rất thiết thực, mục tiêu nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế...

Hướng đến trọng tâm chuyển đổi xanh

Tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội Nông dân Việt Nam đang triển khai “App nông dân Việt Nam” với hơn 3 triệu hội viên nông dân cài đặt để lắng nghe trực tiếp những ý kiến của nông dân từ cơ sở về các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, diễn đàn hướng đến nông dân, hội viên nông dân xuất sắc, các hợp tác xã tiêu biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp... nhằm tuyên truyền thực hiện tốt chuyển đổi xanh.

Trọng tâm, đáng chú ý là nội dung cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa diễn ra.

Do đó, phải nâng cao công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế carbon thấp…

Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động quy hoạch, di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

“Đặc biệt, gắn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tài nguyên và môi trường với giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận những chính sách mới, khơi thông các nguồn lực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Ngoài ra nhiều ý kiến nêu quan điểm, tập trung thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với Luật Đất đai năm 2024, có rất nhiều điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, cũng như chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số cần được phổ biến, hướng dẫn sâu rộng để người nông dân nắm bắt, vận dụng các chính sách mới này để phát triển kinh tế gia đình, kinh tế nông thôn và tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tối ưu hóa việc đưa các diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng trong thực tế; kiểm soát chặt hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, ven biển.

Bên cạnh đó, xử lý nước thải làng nghề; cải tạo, phục hồi môi trường các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm; thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu chất thải nhựa…

Cuối Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tâm huyết tiếp thu những ý kiến, vướng mắc, thảo luận của nông dân để áp dụng điều hành, gắn với yêu cầu thực tiễn.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương và bà con. Chúng ta hướng tới, xây dựng các phương thức cấp chứng chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp có thể được cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ