Giới nghiên cứu văn hóa từng kỳ vọng hoạt động thư pháp sẽ khơi được mạch nguồn văn hoá xa xưa, góp phần vào việc chấn hưng để bảo tồn và phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc.
Tuy nhiên, ở một lĩnh vực thiếu nhà thư pháp chuyên nghiệp, không có khoa trường đào tạo đã khiến sự lộn xộn trở nên phổ biến.
Đánh thức đam mê
Trước khi chấn hưng văn hoá thì phải bảo vệ, gìn giữ được nền văn hoá vốn có. Trên tinh thần bảo lưu để phát triển, trong những năm qua Văn miếu Quốc Tử Giám trở thành “ngôi nhà chung” cho các hoạt động sáng tạo và triển lãm thư pháp.
Trong một không gian đặc biệt, tinh thần thư pháp Việt với sự nghiêm chỉnh của cả người viết lẫn người nhận chữ đều trở nên thiêng liêng. Hàng chục cuộc triển lãm và viết chữ trao tay diễn ra tại nhà Thái học để tôn vinh truyền thống viết thư pháp, tôn vinh đạo học, vinh danh non nước và tinh thần quốc gia dân tộc.
Vào cuối năm 2021, triển lãm thư pháp “Phiêu diêu” của Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn - hai nghệ sĩ gắn liền với nhóm thư pháp Tiền Vệ Zenei Gang of Five đã khiến công chúng Thủ đô phải trầm trồ trước các nét chữ “phượng múa rồng bay”.
Còn mới đây, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) và Ngày Di sản Việt Nam (23/11) - triển lãm “Một mối xa thư” ngay tại không gian Văn miếu Quốc Tử Giám lại khiến cả giới nghiên cứu văn hoá phải bất ngờ về quy mô lẫn sức lan toả các giá trị truyền thống.
“Một mối xa thư” là hoạt động nằm trong chuỗi 50 sự kiện lễ hội thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2022. Tuy nhiên, triển lãm đã vượt qua khuôn khổ của sự sáng tạo của một thành phố, và hướng tới sự toàn diện khi đánh thức đam mê của hàng trăm nhà hoạt động thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và quốc tế.
“Trong quan niệm của người xưa, cụm từ “xa thư” được dùng như một khái niệm để chỉ giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất ở mọi miền đất nước. Với mong muốn cống hiến các tác phẩm tiêu biểu nhất về thư pháp, ban tổ chức đã thống nhất chủ đề “Một mối xa thư” đặt tên cho triển lãm”, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho hay.
“Một mối xa thư” cũng được chắt lọc từ câu đối tại tòa Đình bia: “Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung (Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau).
Triển lãm quy tụ hơn 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ, thể hiện đủ năm loại thư pháp: Triện thư, Lệ thư, Hành thư, Chân thư và Thảo thư. Các tác phẩm thư pháp trong triển lãm nêu bật các giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, thẩm mỹ… trong thơ văn Hán Nôm tiêu biểu còn lưu lại trên bia đá, chuông đồng, mộc bản và kinh sách cổ.
Giới chuyên gia cho rằng, để thư pháp phát triển có chiều sâu thì cần phải đào tạo bài bản. |
Cần được đào tạo bài bản
“Thư pháp cần có cơ sở pháp lý đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần tuyển chọn những người có năng lực trình độ viết thư pháp tốt tham gia vào việc phục chế các di tích văn hoá, lịch sử. Quản lý việc viết thư pháp ở các di tích, lễ hội một cách chặt chẽ để hoạt động viết chữ ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung, thẩm mỹ”, nhà thư pháp Trần Quốc Chí.
Thư pháp là nghệ thuật viết chữ, nơi người viết sẽ thể hiện cái tài, cái tâm qua từng tác phẩm. Thư pháp vốn có nguồn gốc ở Trung Hoa, sau ảnh hưởng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở nước ta, có 2 loại hình thư pháp: Thư pháp Hán Nôm và thư pháp Quốc ngữ.
Tác phẩm thư pháp đầu tiên của Việt Nam được tìm thấy là dòng chữ “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” đắp theo lối chữ “triện” trên trán bia ở làng Trường Xuân (Thanh Hóa).
Cùng với thời gian, chữ Quốc ngữ ra đời với các mẫu tự Latinh, nhiều người Việt mong muốn viết chữ sao cho đẹp và thư pháp chữ Việt Latinh cũng bắt đầu được manh nha. Tuy nhiên vào những năm 2000, giới thư pháp từng có cuộc tranh luận gay gắt về thư pháp Quốc ngữ.
Trong những năm gần đây, hoạt động thư pháp trên khắp cả nước diễn ra khá sôi động. Các lớp dạy, triển lãm, trưng bày thư pháp diễn ra ở nhiều nơi, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, theo nhà thư pháp Trần Quốc Chí thì nước ta hiện nay chưa có nhà thư pháp chuyên nghiệp, chưa có trường khoa ngành đào tạo, mà chỉ là những người yêu thư pháp học qua người trước hoặc qua tài liệu sách vở.
Người viết thư pháp hiện nay đa số đi viết các hoành phi, câu đối, văn thơ nên còn tuỳ tiện, tính thẩm mỹ không cao, sai quy cách. Đây là nguyên nhân tạo nên khung cảnh lộn xộn, tự phát của hoạt động thư pháp nhiều năm qua, như viết sai - xấu - bừa - ẩu… với mục đích thương mại nên xảy ra không ít việc đáng chê trách.
Để khơi thông dòng chảy thư pháp, Thạc sĩ Lê Trung Kiên - Đốc giáo Nhân Mỹ học đường cho rằng, nhu cầu về thư pháp ứng dụng là có thật và cũng là sự tiếp nối truyền thống văn hoá. Việc đào tạo thư pháp cần phục vụ 2 mục tiêu lớn: Một là nâng cao nhận thức xã hội về thư pháp, hai là đào tạo được những người viết có chất lượng.
“Thư pháp là môn nghệ thuật tổng hợp của nhiều yếu tố ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử, mỹ thuật và không thể đơn lẻ. Do đó, đào tạo thư pháp cần gắn liền với đào tạo Hán Nôm để thúc đẩy đào tạo nghệ thuật thư pháp”, ông Kiên cho hay.
Giới nghiên cứu thẳng thắn nhận định, thư pháp là dòng chảy của văn hoá. Dòng chảy ấy chưa thể khơi thông bởi hoạt động thư pháp vẫn thiếu và yếu. Muốn trưng bày tác phẩm, đưa thư pháp tiệm cận đến công chúng, lưu giữ phần hồn của văn hoá dân tộc thì cần chiến lược dài hơi, bài bản và thực tế.