Những con số biết nói
Sau một thời gian đủ dài để các trường đại học đẩy mạnh cơ chế tự chủ và tham gia sâu vào kiểm định chất lượng, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, số lượng du học sinh nước ngoài đến Việt Nam học tập ngày càng nhiều.
Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam có hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ sang Việt Nam học tập, nghiên cứu tại 155 cơ sở giáo dục. Trong đó, 26,6% lưu học sinh theo Hiệp định và 73,4% lưu học sinh ngoài Hiệp định.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, trung bình hàng năm có 4.000 - 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch Covid-19, số du học sinh nước ngoài đến Việt Nam gia tăng nhanh chóng so với con số khoảng 3.000 - 3.200 du học sinh trong năm 2020.
Quốc tịch du học sinh đến Việt Nam học tập cũng đa dạng hơn khi ngoài thị phần là các quốc gia thuộc Đông Nam Á, châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), số lưu học sinh đến từ các quốc gia châu Âu, Nam Mỹ cũng tăng dần.
Điểm đặc biệt là ngoài các trường đại học công lập có sức hút với du học sinh nước ngoài truyền thống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế…, thời gian qua số lượng du học sinh quốc tế đến Việt Nam học tập tại các trường đại học ngoài công lập như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tăng mạnh. Đây rõ ràng là điều kiện thuận lợi để các trường tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên các nước có mối quan hệ tốt với Việt Nam.
Trường ĐH Hoa Sen thời gian qua tạo được sức hút mạnh mẽ với sinh viên quốc tế (Hàn Quốc, Philippines, Ý, Anh, Mỹ) thông qua chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế như: Quản trị kinh doanh, Marketing, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử và Quản trị nhân lực… với quy mô hơn 30 sinh viên mỗi năm.
Năm 2022, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cũng tiếp nhận và khai giảng năm học cho sinh viên quốc tế đợt 1 từ các quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Honduras, Ấn Độ, Nigeria (50 sinh viên) theo học ngành Y khoa, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh tại trường.
Theo ThS Trần Thúy Trâm Quyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, hầu hết sinh viên quốc tế đều nhập học dưới dạng du học tự túc, chỉ có vài em được nhận học bổng toàn phần. Trong các ngành học thì Y khoa có sức hút với sinh viên quốc tế mạnh nhất dù học phí thuộc dạng cao nhất trường.
Sinh viên quốc tế trong một giờ học. |
Thu hút sinh viên quốc tế bằng cách nào?
“Để tạo sức hút và giúp sinh viên quốc tế, ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, HIU có một team ISC (Hội đồng Sinh viên quốc tế) do sinh viên Việt Nam đang học tại HIU tham gia. ISC phụ trách việc hỗ trợ, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động vui chơi cho sinh viên quốc tế nhằm thích nghi với văn hóa Việt Nam”, ThS Trâm Quyên cho biết.
Cũng theo ThS Trần Thúy Trâm Quyên, du học sinh là một nguồn lực vô cùng to lớn. Nếu biết tận dụng khai thác, các trường đại học tại Việt Nam sẽ không chỉ gia tăng nguồn lực tài chính, thương hiệu cho mình, mà quan trọng hơn, việc tạo sức hút với du học sinh quốc tế sẽ thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao thành tựu của đơn vị.
Theo PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU), để tạo sức hút với sinh viên quốc tế, các trường đại học tại Việt Nam phải đảm bảo được sự tương đồng về chất lượng (thông qua kiểm định quốc tế), có khung chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, với không gian học thuật (môi trường nghiên cứu khoa học, giảng viên hướng dẫn, cơ sở vật chất) ngang bằng hoặc hơn các trường trong khu vực.
“Chỉ cần xây dựng được một nền tảng học thuật tương đương các nước trong khu vực, chúng ta sẽ giảm đáng kể lượng du học sinh ra nước ngoài học tập, cũng như gia tăng sức hút với du học sinh quốc tế bằng lợi thế mà hệ thống GDĐH chúng ta đang có, đó là học phí và chi phí dịch vụ học tập thấp.
Để gia tăng sức hút học thuật với sinh viên quốc tế, Trường ĐH Hoa Sen là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam vinh dự đạt chứng nhận kiểm định NEAS (Úc) đối chương trình tiếng Anh giao tiếp quốc tế. Với những chương trình đạt chuẩn như NEAS, Qstars, AUN-QA, ACBSP (Mỹ), sinh viên quốc tế sẽ dễ dàng tiếp cận và theo học bởi sự tương đồng”, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy nói.
Phụ huynh cho con đi du học nước ngoài bởi mong mỏi lớn nhất được học trong môi trường giáo dục chất lượng cao. Vì vậy, theo TS Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nếu Việt Nam có chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở đào tạo chất lượng cao một cách đúng đắn, mạnh mẽ và có hệ thống (phân tầng đại học) chắc chắn hệ thống GDĐH tiếp tục thu hút được du học sinh quốc tế đến Việt Nam du học, cũng như giữ chân được học sinh ở lại Việt Nam học tập thông qua các chương trình liên kết quốc tế, du học tại chỗ.
Đánh giá việc thúc đẩy công tác thu hút sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm hệ thống GDĐH Việt Nam và thương hiệu của từng trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, giai đoạn 2022 - 2030, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế.
“Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút du học sinh nước ngoài đến học tập tại Việt Nam nhằm gia tăng thêm nguồn lực cho các trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.