Khởi sắc con số xuất siêu

GD&TĐ - Nếu như những tháng đầu năm 2017, Việt Nam luôn ở tình trạng nhập siêu thì từ tháng 9 đến hết nửa giữa tháng 10, chúng ta đã chuyển sang xuất siêu và đạt mức thặng dư xuất siêu từ đầu năm lên gần 1,1 tỷ USD. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng bởi các năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có tỷ lệ nhập siêu cao nhất.

Khởi sắc con số xuất siêu

Những tín hiệu tích cực

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết tháng 8, Việt Nam vẫn nhập siêu qua các tháng, dù ở mức thấp. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi đến hết tháng 9/2017, nền kinh tế đã đảo chiều chuyển sang tình trạng xuất siêu.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 163,25 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 162,16 tỷ USD, tăng 21,7% cũng so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất tích cực, có tính vượt trội, đồng thời cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Thực tế trên là yếu tố đưa Việt Nam vươn lên, với mức xuất siêu là gần 1,1 tỷ USD - tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 10/2017. Việc cán cân thương mại quay trở lại trạng thái thặng dư từ tháng 9 và nâng cao mức thặng dư trong nửa đầu tháng 10 đã góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cũng như góp phần ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước, tạo điều kiện để ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ nâng cao dự trữ ngoại hối của quốc gia.

Được biết, đến nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục mới 45 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với cuối năm 2016.

Điểm tích cực nữa là xuất khẩu nhiều khả năng sẽ về đích trước thời hạn khi đến giữa tháng 10 đã hoàn thành 86,8% kế hoạch của cả năm, tức chỉ còn chưa đầy 25 tỷ USD nữa là xuất khẩu sẽ cán đích. Với tốc độ xuất khẩu bình quân hàng tháng như trong quý III là khoảng 18,92 tỷ USD/tháng thì chỉ chưa đầy 1,5 tháng nữa là hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017 như đã đề ra.

Xét riêng khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối này đạt 115,72 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng của khu vực doanh nghiệp FDI, từ đầu năm đến nay đạt 100,16 tỷ USD. Như vậy khối doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu khá lớn, 1,61 tỷ USD, trong nửa đầu tháng 10 - nâng con số xuất siêu của khối này từ đầu năm lên 15,56 tỷ USD.

Điều đó cho thấy, khu vực FDI đang đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam. Trong khi khu vực 100% vốn trong nước nhập siêu tới 14,47 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Hiện Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đặc biệt là chủ động bãi bỏ những điều kiện kinh doanh, những giấy phép còn bất hợp lý nhằm hỗ trợ tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Công Thương vừa chính thức công bố bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh bất hợp lý và công tác này sẽ được tiếp tục rà soát và bãi bỏ những thủ tục còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề được xác định không chỉ là số lượng quy định được bãi bỏ, mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng và lợi ích mang lại cho doanh nghiệp được thuận tiện như thế nào trong khi hoạt động...

Ngoài ra, hiện chính quyền các địa phương cũng đang chủ động vào cuộc trong những tháng cuối cùng của năm 2017, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp - bởi đây là thời điểm quyết định đến kết quả chung cuộc về đích của xuất khẩu.

Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ các đơn vị trong việc khai thác, tận dụng cơ hội thuận lợi hoá thương mại và giảm thuế theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký để đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, các đơn vị cần huy động vốn để thay đổi công nghệ, nhất là tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm hàng xuất khẩu...

Theo Bộ Công Thương, việc xuất siêu hay nhập siêu (nếu giá trị đó không quá lớn) nhiều khi chỉ là vấn đề thời điểm, chứ không thể hiện hết năng lực cạnh tranh quốc gia. Trên thực tế tình hình có thể đảo chiều nếu thời gian tới xuất hiện một vài yếu tố bất ngờ, chẳng hạn như doanh nghiệp trong nước nhận được thêm nhiều đơn hàng gia công phục vụ xuất khẩu, từ đó gia tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên, phụ liệu đầu vào để thực hiện... Tuy nhiên, nếu tình hình diễn ra ổn định thì đây sẽ là cơ hội để nền kinh tế duy trì vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ