Một đám khói mù do nạn đốt rừng có thể là nguyên nhân khiến 100.000 người chết sớm vào năm ngoái, BBC hôm nay đưa tin. Hơn 90% số trường hợp tử vong ở Indonesia, phần còn lại là công dân các nước Malaysia và Singapore, theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Harvard và Columbia, Mỹ.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Indonesia ngày càng trầm trọng do nạn đốt rừng lấy đất canh tác. Khói mù lan rộng khắp khu vực Đông Nam Á và tồn tại suốt vài tháng vào năm 2015.
Nghiên cứu sắp công bố trên tạp chí Environmental Research Letters sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh và mô hình máy tính về những ảnh hưởng tới sức khỏe để xác định tỷ lệ chết sớm. Nhóm nghiên cứu nhận định số người có nguy chết sớm nằm trong khoảng 26.300 - 174.300 và tỷ lệ trung bình hàng năm là 100.300 ca.
Báo cáo của họ tập trung vào tác động lên sức khỏe của người trưởng thành và chỉ đánh giá ảnh hưởng của PM2.5, các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet) có thể bị hít vào phổi.
Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết hơn 43 triệu người dân nước này phải tiếp xúc với khói mù và nửa triệu người bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng.
"Nếu không có biện pháp thay đổi, làn khói mù chết chóc này sẽ tiếp tục làm tăng tỷ lệ tử vong lên mức đáng sợ chỉ sau vài năm", Yuyun Indradi, nhà vận động bảo vệ rừng của tổ chức Hòa bình xanh Indonesia, nhận xét.