Nhận định về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học trong học kỳ II năm học 2019-2020 của Bộ GD&ĐT với môn Ngữ văn ở THCS, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ Văn - Hệ thống Giáo dục Hocmai – cho rằng:
Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện tốt nhất để các nhà trường tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Mặc dù có nhiều nội dung được tinh giản nhưng có thể thấy tính hệ thống của các môn học vẫn được bảo đảm, điều này sẽ giúp nhà trường giảm được gánh nặng về giảng dạy và học sinh có thể chủ động tự đọc trực tiếp từng văn bản và tự thực hành phần lớn nội dung học.
Bộ GD&ĐT đã tiến hành giảm tải khá triệt để, khiến chương trình dạy học tinh gọn, vừa đảm bảo phù hợp với quỹ thời gian năm học bị thu hẹp, không tạo áp lực học tập cho học sinh đồng thời vẫn đảm bảo được những kiến thức cơ bản, trọng tâm để học sinh tiếp tục học lên chương trình các năm học sau.
Thầy Nguyễn Phi Hùng
Khối lượng kiến thức được giảm tải khá lớn, trải rộng trên tất cả các phần Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể khối lượng kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần học trong phần còn lại của năm học.
Có 3 hình thức tinh giản chương trình: Không dạy trọn vẹn một bài: chiếm số lượng ít, chủ yếu là các bài ôn tập, thực hành, kiểm tra (làm ở nhà thay vì làm trên lớp);
Khuyến khích học sinh tự đọc/tự làm: cả bài hoặc một phần của bài học. Nội dung giảm tải này thường là các phần luyện tập, thực hành trong mỗi bài học. Ở mỗi bài học, chỉ giữ lại các phần cung cấp kiến thức cơ bản, giúp học sinh hình thành khái niệm.
Hình thức giảm tải này chiếm phần lớn nội dung giảm tải; Tích hợp các bài học có cùng chung đặc điểm về nội dung, thể loại.
Về tính chất kiến thức giảm tải, những kiến thức còn được giữ lại, theo thầy Nguyễn Phi Hùng, các kiến thức được giảm tải được chọn lọc giữ lại những kiến thức trọng tâm, có sự kế thừa cho những lớp học sau.
Bên cạnh các bài được giảm tải trọn vẹn (không dạy), đa phần các bài được giảm tải theo hình thức giảm mục tiêu, yêu cầu bài học, chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp học sinh nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần yếu nhất.
“Bộ GD&ĐT đã tiến hành giảm tải khá triệt để, khiến chương trình dạy học tinh gọn, vừa đảm bảo phù hợp với quỹ thời gian năm học bị thu hẹp, không tạo áp lực học tập cho học sinh đồng thời vẫn đảm bảo được những kiến thức cơ bản, trọng tâm để học sinh tiếp tục học lên chương trình các năm học sau” – thầy Hùng đánh giá chung.
Lưu ý với người học, thầy Hùng cho rằng, học sinh có thể tự đọc, tự trau dồi kiến thức các văn bản, các tác phẩm để rèn kĩ năng đọc hiểu, cảm thụ. Với các bài Tổng kết cần tự tổng hợp kiến thức. Trong quá trình tự học, tự đọc, có vấn đề gì chưa rõ có thể hỏi thêm thầy cô để làm rõ.
Thầy cô giáo và học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn thành chương trình năm học. Riêng với các bạn học sinh lớp 9 chuẩn bị tham gia kì thi vào lớp 10, nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kì I và một số bài được giữ lại trong chương trình học kì II.