(GD&TĐ) - Sáng nay 5/7, tại Hà Nội, Bộ GD&TĐ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2. Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chỉ đạo hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Kể từ năm 2008, Việt Nam bắt đầu triển khai Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất (Dự án).
Trong giai đoạn 1, Dự án đã được triển khai tại 17 tỉnh, với tổng kinh phí 64 triệu USD (trong đó ADB cho vay 50 triệu USD) nhằm tăng cơ hội tiếp cận GD THCS; nâng cao chất lượng và sự phù hợp của GD THCS đối với vùng khó khăn; thử nghiệm các biện pháp cải tiến nhằm tăng cơ hội tiếp cận GD và sự công bằng; nâng cao năng lực quản lý và lập kế hoạch cho GD THCS ở những vùng khó khăn nhất.
Tính đến tháng 5/2013, Dự án giai đoạn 1 đã xây dựng được 210 trường, 820 phòng học, 61 thư viện, 75 phòng thí nghiệm, 445 nhà công vụ giáo viên, 959 nhà ở bán trú cho HS, 268 nhà vệ sinh.
Đánh giá ban đầu của Dự án cho thấy, ở nhiều khu vực, Dự án đã đạt được, thậm chí còn vượt qua cả những mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn thiết kế dự án.
Chính vì vậy, ADB và Chính phủ Việt Nam đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ cho giáo dục THCS, đặc biệt là đối với những khu vực khó khăn do Chính phủ chỉ ra. Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 (Dự án HTKT) sẽ hỗ trợ Chính phủ và ADB trong việc thiết kế Dự án giai đoạn 2 nhằm làm cho giáo dục THCS chất lượng có thể tiếp cận đối với mọi người, trong đó có các nhóm dân tộc thiểu số, những người đang sống ở các khu vực khó khăn.
Ông Đào Ngọc Nam – Giám đốc Dự án HTKT - cho biết: Dự án HTKT đã xác định các khu vực thụ hưởng dự án, bao gồm 3 khu vực khó khăn nhất là khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long; khu vực duyên hải thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Theo chuyên gia giáo dục cao cấp của ADB, bà Eiko Izawa, Dự án HTKT nhằm mục tiêu rà soát và đánh giá hiệu quả hoạt động của phân ngành giáo dục THCS, cụ thể là việc đến trường ở các nhóm dân tộc thiểu số; xác định những thách thức còn tồn tại ở giáo dục THCS. Đồng thời, xây dựng Dự án đầu tư do ADB cấp vốn, phù hợp với các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính, kinh tế, thể chế và an sinh xã hội của ADB.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhận định sự đóng góp của ADB có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách của Chính phủ, nhằm mở rộng và tăng cường chất lượng giáo dục của Việt Nam nói chung và của vùng khó nói riêng.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, Dự án HTKT có nhiệm vụ hỗ trợ Dự án Giáo dục THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 đảm bảo các nguyên tắc: đạt hiệu quả bền vững, không lãng phí, không có sự đầu tư trùng lặp, dàn trải. Việc lựa chọn các đơn vị thụ hưởng dự án phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Nhiệm vụ của Dự án HTKT không chỉ dừng ở việc giúp Dự án giai đoạn 2 giải ngân mà còn phải giải ngân một cách có hiệu quả.
Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đề nghị Ban quản lý Dự án HTKT chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với ADB. Bên cạnh đó, cần tiếp thu ý kiến của các địa phương để điều chỉnh các hoạt động của dự án cho phù hợp.
Đồng thời, Ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ hơn với các vụ, cục của Bộ GD&ĐT để nắm được các chủ trương, định hướng của ngành nhằm thực hiện các mục tiêu của dự án cho tốt, tránh sự chồng chéo, đảm bảo dự án được thiết kế có chất lượng cao, đúng tiến độ.
Mặt khác, các vụ chức năng của Bộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án được thiết kế phù hợp với chính sách, với thực tiễn giáo dục và những thay đổi của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.
Về phía các Sở GD&ĐT, phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho dự án tìm hiểu thực tế địa phương. Từ đó, cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn để dự án được thiết kế phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn địa phương; giải quyết những khó khăn, tồn tại mà các địa phương chưa tháo gỡ được.
Chu Minh