Đây được gọi là “pha 2” của dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất - dự án đã thành công tốt đẹp vào cuối năm 2014 - với những kế thừa, phát huy và những bổ sung mới, nhằm mang lại nhiều hơn nữa những lợi ích giáo dục cho các tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế.
Theo Giám đốc Dự án Đào Ngọc Nam, Dự án mới được phát triển dựa trên thành công của giai đoạn 1 và có thêm một số sáng kiến và hạng mục mới, bao gồm những bộ sách giáo khoa mới dành cho từng vùng được xây dựng dựa trên năng lực của học sinh người dân tộc thiểu số, một nền tảng mới cho hoạt động đào tạo giáo viên tại chức, chú trọng hơn đến việc giáo dục các kỹ năng sống.
Bên cạnh đó là một hệ thống mạng lưới kết nối các giáo viên và các điểm trường, chương trình đào tạo trực tuyến cho các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, các thư viện mẫu nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo ngoại khóa và giải trí của học sinh người dân tộc thiểu số cũng như các công trình giáo dục tránh bão và quản lý thiên tai.
Thể hiện đồng thuận và nhất trí cao với báo cáo định hướng của Giám đốc Dự án, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lắk Bùi Hữu Thành Cát hi vọng tiếp tục nhận được những hỗ trợ kịp thời và thiết thực từ BQLDA trung ương, phát huy những ưu điểm trong quá trình thực hiện dự án giai đoạn 1 để đạt những thành quả tốt đẹp hơn trong giai đoạn tới.
Đại diện ADB – bà Eiko Izawa, Chuyên gia giáo dục cao cấp - đánh giá cao thành công của dự án giai đoạn 1 và những nỗ lực của BQLDA trong giai đoạn khởi động dự án giai đoạn 2. ADB cam kết sẵn sàng hỗ trợ về nâng cao năng lực quản lý và năng lực kỹ thuật cùng như nguồn vốn để Dự án đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, hi vọng sẽ được phối hợp cùng Bộ GD&ĐT Việt Nam thực hiện "pha 3" của dự án.
Bà Eiko Izawa cũng cho biết: Dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 1 là dự án giáo dục đầu tiên của Việt Nam hoàn thành mọi mục tiêu đề ra mà không phải gia hạn.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận và cảm ơn sự phối kết hợp chặt chẽ của ADB và các bên liên quan để dự án giai đoạn 1 thành công tốt đẹp và cam kết sử dụng những đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Đối với việc thực hiện Dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu: Dự án thường xuyên tham vấn ADB; Các đơn vị hỗ trợ (thuộc Bộ GD&ĐT) phối hợp chặt chẽ với Dự án và hỗ trợ các BQLDA tỉnh; Các địa phương, các Sở GD&ĐT, BQLDA các tỉnh phối hợp tốt với BQLDA trung ương thực hiện các mục tiêu của dự án.
Với thời gian thực hiện dự kiến kéo dài 6 năm kể từ đầu năm 2015, Dự án Giáo dục Trung học Cơ sở cho các Khu vực Khó khăn nhất, Giai đoạn 2 hướng đến mục tiêu tăng số lượng thực tế học sinh trung học cơ sở thêm 5% vào năm 2020 thông qua việc xây dựng thêm 660 lớp học, 350 cơ sở bán trú, 250 nhà cho giáo viên, đào tạo cho khoảng 24.000 giáo viên cũng như phát triển thêm 344 điểm trường mới.
Ngoài các vùng tham gia giai đoạn 1: Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Giai đoạn 2 của Dự án triển khai thêm tại các tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung.