Khóa Tập huấn, bồi dưỡng cốt cán mầm non: Trao truyền niềm tin và động lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non đã mang đến nhiều xúc cảm cho các học viên.

Cô Phạm Thị Hiền (thứ hai từ phải qua trái) – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cùng các học viên tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non
Cô Phạm Thị Hiền (thứ hai từ phải qua trái) – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa) cùng các học viên tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non

Ở đó có tình thầy – trò, tình đồng chí, đồng nghiệp và trên hết là những nhiệt huyết, yêu thương và trọn vẹn hạnh phúc.

Những kỷ niệm thân thương

"Khoá Tập huấn giúp mọi người gần nhau hơn, trao truyền cho nhau niềm tin và tiếp thêm động lực để cùng nhau vững tin vào ngày mai, vững tin vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục mầm non nói riêng".

Cô Cao Mộng Nghi - chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hậu Giang).

Là một trong những giáo viên cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), cô Đỗ Ngọc Hân – giáo viên Trường Mẫu giáo Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) nhận thấy, đây là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao của mình.

Năm 2020, 2021 khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cô nhận được thông báo triệu tập đi tập huấn mà tâm trạng lâng lâng khó tả. “Thời điểm mở tài khoản học tập, nhìn thấy các học viên với những cái tên đăng nhập vừa quen, vừa lạ mà lòng cảm thấy thân thương lắm. Dịch bệnh không làm gián đoạn việc học và không thể xóa nhòa tình cảm của cộng đồng giáo viên mầm non chúng tôi” – cô Hân bộc bạch.

Cô nhớ lại, khoảnh khoắc các báo cáo viên và học viên miệt mài bên những bài giảng trực tuyến khiến ai nấy đều tự nhủ, phải cố gắng khắc phục khó khăn, học tập thật tốt. “Từ đáy lòng, tôi chỉ ước mong sao được gặp các báo cáo viên để tay bắt mặt mừng và nói lời cảm ơn” – cô Hân tâm sự.

Một ngày nắng đẹp, Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực miền Nam đã được diễn ra – thỏa lòng mong ước của biết bao học viên. Khóa Tập huấn diễn ra trong 3 ngày, tại TP Hồ Chí Minh.

“3 ngày mà cảm xúc dâng trào như 3 năm cộng lại. Thầy, cô đến lớp với niềm nhiệt huyết, hăng say, truyền đi thông điệp hạnh phúc về sẻ chia và về một mầm non hạnh phúc thân yêu. Những kiến thức mà thầy cô chia sẻ, những trải nghiệm cùng các học viên ở 21 tỉnh thành trong Khóa Tập huấn này sẽ mãi là hành trang đẹp trong ký ức nghề nghiệp của tôi” – cô Hân trải lòng.

Cô Đỗ Ngọc Hân (thứ 5 từ trái qua phải) và các thành viên "khoe" sản phẩm bài tập nhóm của mình.

Cô Đỗ Ngọc Hân (thứ 5 từ trái qua phải) và các thành viên "khoe" sản phẩm bài tập nhóm của mình.

Bùi ngùi nhớ về Khóa Tập huấn vừa qua, cô Hân chia sẻ, dường như không khí làm việc, học tập vẫn còn đâu đây. Ở đó có niềm hăng say lao động của học viên, với những lần cùng cả nhóm hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao.

“Tôi nhớ đến cô giáo hiền từ, hỏi chúng tôi: “Sữa tươi loại nào ngon các cô nhỉ?”. Thế là một lát sau, cô tặng cho cả lớp mỗi người 1 hộp sữa tươi! Cô bảo “Phải uống cho hết để tiếp thêm năng lượng làm việc cả lớp nhé” – cô Hân kể.

Theo cô Hân, Khóa Tập huấn, bồi dưỡng có những kiến thức mới về Montessori, Reggio, STEM. Đặc biệt, khái niệm về “Năng lực tự chủ” được khai mở nhiều hơn và “Camtasia, Kahoot, Padlet, Google Forms...” lần lượt được thực hành, ứng dụng...

Còn nhiều nữa những kiến thức được “note” lại thành những từ khóa. Điều đặc biệt là, nếu ai từng trải qua Khóa Tập huấn sẽ không bao giờ quên thông điệp “Sẻ chia, hỗ trợ, hòa nhập, đổi mới, phù hợp, nhiệt huyết và yêu thương....”.

“Qua 3 đợt tập huấn, chúng tôi dần trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động. Chúng tôi thấy rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với địa phương, đơn vị nơi mình công tác” – cô Hân bày tỏ.

Những ngày mới trở về trường, cô Hân thử lập phiếu khảo sát (Google Forms) và gửi cho giáo viên trong đơn vị, với nội dung “Nâng cao năng lực giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ mầm non”. Nhận được phản hồi từ đồng nghiệp về nhu cầu cần được hỗ trợ trong nội dung này, cô Hân đã mạnh dạn tham mưu nhà trường thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở kỳ gần nhất.

Bằng cách thiết kế Game trên phần mềm Kahoot, dựa trên hệ thống câu hỏi cụ thể, cô Hân đã cùng đồng nghiệp trải qua những giờ “vừa học, vừa chơi” vô cùng thú vị. Việc ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin vừa đơn giản, mang lại hiệu quả cao, giúp giờ sinh hoạt tổ không nhàm chán. Đặc biệt, kiến thức được chia sẻ, hỗ trợ và diễn ra một cách tự nhiên, hiệu quả đến không ngờ.

Cô Phạm Thị Hiền và đồng nghiệp chăm chú, nghiêm túc trong giờ học.

Cô Phạm Thị Hiền và đồng nghiệp chăm chú, nghiêm túc trong giờ học.

Thay đổi để cùng chung nhịp bước

Tham gia Khóa Tập huấn, bồi dưỡng, cô Phạm Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Sơn (TP Thanh Hóa) – cho hay: Các nội dung của 5 mô-đun đều rất thiết thực và mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu cần bồi dưỡng cho học viên.

Từ đây, cô đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích. Đặc biệt, phương pháp mà các báo cáo viên truyền đạt kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm đã giúp cho học viên hoạt động tích cực, đạt hiệu quả cao.

“Tôi ấn tượng với sự tâm huyết, say sưa với nghề của các giảng viên và lan tỏa nhiệt huyết đến học viên. Thông qua các hoạt động nhóm, học viên học được cách “Hợp tác - Hòa hợp để thành công” – cô Hiền bày tỏ và cho biết: sau Khóa Tập huấn, cô đã có những suy nghĩ, cách nhìn, cách làm sâu, rộng và hiệu quả hơn. Cô quyết tâm làm mới bản thân và sẵn sàng lan tỏa các kiến thức, tâm huyết đến với đồng nghiệp của mình.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung và các đồng nghiệp tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung và các đồng nghiệp tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non.

Với cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - chuyên viên Phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cảm xúc nhất là 500% năng lượng đến từ các báo cáo viên đã được trao truyền cho học viên. Trong quá trình tập huấn, học viên đã thực sự thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận.

“Đặc biệt, chúng tôi đã học được kĩ thuật dạy học tích cực mà các báo cáo viên đã sử dụng trong quá trình lên lớp. Kết thúc Khóa Tập huấn, chúng tôi đã vỡ òa niềm vui, hạnh phúc khi nhận được những yêu thương, sẻ chia về chuyên môn của đồng nghiệp đến từ các tỉnh Miền Nam qua “Hộp thư yêu thương” – cô Dung xúc động nói, đồng thời cho hay, Ban Tổ chức đã sáng tạo, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức. Trong đó, chú trọng hoạt động trải nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giữa báo cáo viên với học viên, giữa học viên với học viên. Qua đó, giúp các học viên tiếp cận đến các mô-đun một cách hiệu quả nhất, tạo ra lớp học sôi nổi.

Thay đổi cách truyền đạt đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán được trải nghiệm các phương pháp dạy học tích cực. Từ đó, giúp học viên tiếp thu và khắc sâu kiến thức qua từng hoạt động ngay tại lớp tập huấn.

Cô Cao Mộng Nghi (thứ ba từ phải qua trái) cùng cả nhóm thảo luận bài tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non.

Cô Cao Mộng Nghi (thứ ba từ phải qua trái) cùng cả nhóm thảo luận bài tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non.

Đồng quan điểm, cô Cao Mộng Nghi - chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học - Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hậu Giang) – khẳng định, Khoá Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thể hiện lòng nhân ái, sự nhiệt huyết, lòng đam mê với nghề ở mỗi học viên và báo cáo viên.

Sau Khoá Tập huấn, cô Nghi đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, triển khai bồi dưỡng đại trà đến tất cả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong tỉnh. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo điểm và lộ trình thực hiện áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới vào phát triển Chương trình giáo dục mầm non tại địa phương.

“Tôi cũng có cái nhìn thoáng hơn về cách quản lý, dần chuyển sang quản trị trong tất cả công việc. Tôi sẽ dần thay đổi nhận thức cho đội ngũ về cách thức tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; cách trang trí môi trường lớp học, cách tiếp cận với cái mới… Tôi mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện tốt việc quản trị nhà trường” - cô Cao Mộng Nghi bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ