Trí tuệ nhân tạo sản phẩm của trí tuệ con người

GD&TĐ - Rô-bốt làm luật sư, làm bác sĩ, thậm chí làm danh họa đại tài... là những thành quả bất ngờ của trí tuệ nhân tạo. Nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nên công nghệ AI đang là thời cơ và cũng là thách thức.

Trí tuệ nhân tạo sản phẩm của trí tuệ con người

Con người có thể bất lực, nhưng máy móc thì không gì là không thể

Quá trình tiến hóa của loài người xuất phát từ sự tiến hóa của bộ não. Khi còn là bò sát, não chỉ có một lớp điều khiển cử động, hoạt động bới cào để vận động và kiếm sống. Tiến hóa lên đến loài động vật có vú, hình thành lớp thứ hai của bộ não xuất hiện cảm xúc, cảm nhận tình cảm… 

Đến khi phát triển hình thành não người thì xuất hiện lớp thứ ba, đặc trưng của lớp này là luôn tìm tòi sáng tạo để thích nghi với cuộc sống, chống chọi với mọi đối thủ để sinh tồn và phát triển… đó là trí tuệ. Bởi vậy, trong quá trình phát hiện ra trí tuệ nhân tạo (AI) các nhà khoa học đã hình thành cho nó có 3 bộ phận cấu thành, có thể coi là 3 quá trình: cảm nhận, suy nghĩ và hành động. 

Quá trình cảm nhận là quá trình AI nhận dữ liệu từ thế giới bên ngoài thông qua các cảm biến như hình ảnh, giọng nói, chữ viết hay các loại cảm khác. 

Quá trình suy nghĩ là bước phát triển, lúc này AI cân nhắc những dữ liệu thu thập được và phân tích những dữ liệu đó phục vụ cho mục đích mà lập trình đã nêu ra. Quá trình suy nghĩ là bước quan trọng nhất và cơ bản nhất của trí tuệ nhân tạo.

Quá trình này AI tiến hành xử lý trên cơ sở dữ liệu đã có, tiến hành xử lý ngôn ngữ, đánh giá thực trạng, quy nạp lô gíc, tìm ra vấn đề cần giải quyết. Quá trình hành động là từ sự việc đã tìm ra, chuyển hóa thành hoạt động cụ thể.

Ở trình độ cách mạng công nghiệp lần thứ ba, công nghệ tự động hóa đã hình thành và phát triển theo hàm số tuyến tính để thay cho lao động dây chuyền của công nhân chủ yếu bằng chân tay. Còn đến trình độ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ tự động hóa đã phát triển theo hàm cấp số mũ

Rô bốt biểu diễn khả năng chơi nhạc.
Rô bốt biểu diễn khả năng chơi nhạc.

Trước đây máy móc chỉ có thể thực hiện được những công việc do con người lập trình cho, thì giờ đây công nghệ AI cho phép máy móc tự học, tự tìm kiếm những công việc mà chưa có trong lập trình hoặc đến mức chưa ai lập trình được, thậm chí có nhiều việc vượt quá khả năng của con người. 

Đây là vấn đề lớn mà AI đặt ra, là sự tiến bộ theo cấp số mũ của công nghệ mà loài người đã tìm ra nhưng lại có thể không theo kịp nó. Những phát minh này không chỉ phục vụ cho con người mà còn có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong thế giới tương lai nếu ta không có sự nhìn nhận đúng mức về sự phát triển của AI để có sự chuẩn bị kịp thời từ bây giờ.

Trên thực tế, hiện nay xuất hiện nhiều loại rô bốt mà với trí tuệ thông minh của chúng đang được vận hành để phục vụ con người, trong đó có những công việc con người không làm được hoặc đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Rô-bốt là danh họa, là bác sĩ tài năng, là siêu kiện tướng cờ vua…

Tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) sau động đất năm 2011 nguy cơ gây ô nhiễm do phóng xạ hạt nhân gây ra cho cộng đồng mà con người không điều khiển được, các nhà khoa học đã tìm đến rô bốt. Các rô bốt này đã đi vào trong nhà máy quay phim, chụp ảnh rồi tự lập trình điều khiển máy móc, kể cả công việc dọn dẹp, mang vác, chỉnh sửa những hỏng hóc…

Nhiều nhà máy thông minh trên thế giới cũng đã áp dụng AI với các mục đích khác nhau trong lĩnh vực sản xuất như là giúp kiểm tra các thiết kế và nhận xét về các mẫu thiết kế, giúp sản xuất và lắp ráp, kiểm tra, bảo dưỡng… Người máy cũng có thể giúp hoạch định chiến lược hoặc góp ý cho những chiến lược đã được phác thảo. Ở nhiều dịch vụ người máy có thể tự phục vụ theo yêu cầu khách hàng, trả lời điện thoại, chạy bàn, nhận tiền .v.v..

Tập đoàn Robitics vừa cho ra đời rô-bốt Ba-xtơ không chỉ làm đúng những gì theo lập trình mà còn có thể học được và dạy lại bất cứ công việc gì mà con người yêu cầu ngoài lập trình. Nhờ vào rô-bốt này mà dự báo trong 10 năm tới số lượng công việc trong các nhà máy sẽ được tự động hóa lên đến trên 25%.

Thảm họa từ sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân (Nguồn ảnh: Flickr)
Thảm họa từ sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân (Nguồn ảnh: Flickr)

Hiện nay, dịch vụ vận chuyển là lĩnh vực có hàng chục triệu lao động trên toàn thế giới. Xe tự lái ra đời đã được sử dụng trong nhiều nhà kho, nhà máy, phân xưởng, công trường… để vận chuyển vật liệu, hàng hóa… Khi xe tự lái hoàn thiện để vận chuyển được người thì vấn đề gì sẽ đặt ra cho hàng chục triệu lao động trên lĩnh vực này.

Ngay cả trên bàn giấy AI có thể tự học để làm được những công việc mà chính người lập trình ra nó cũng chưa nghĩ tới hoặc không thể làm được, thị trường chứng khoán là một ví dụ. Ngày nay trên thị trường chứng khoán chủ yếu là các AI tự mua bán chứng khoán với nhau thay vì con người. Rồi đến những công việc tưởng như bắt buộc phải có bàn tay, khối óc con người như viết báo, viết truyện, phân tích số liệu, phân tích báo cáo… thì AI thực hiện tinh vi đến mức không phân biệt được đâu là do con người, đâu là do AI làm.

Các nhà khoa học đã có thể giao cho AI sử dụng kho dữ liệu gồm hàng triệu triệu tài liệu đã được xây dựng và lưu trữ trên thế giới. Ví dụ với một “AI luật sư” có thể nhập vào hàng ngàn văn bản pháp luật, hàng triệu hợp đồng có vi phạm được lưu trữ từ trước đến nay ở các quốc gia để luật sư AI có thể từ đó mà đứng ra xử kiện, xử lý các sai phạm hoặc tự đề xuất các văn bản, hợp đồng mới hoàn thiện. 

Năm 2018 tổ chức Lawgeex đã cho ra đời AI luật sư đọ sức với 20 luật sư hàng đầu ở Mỹ về việc phân tích 5 hợp đồng giao dịch để tìm ra sai phạm và hướng xử lý. Kết quả các luật sư đạt được độ chính xác 85% trong thời gian 92 phút; còn AI của Lawgeex đạt độ chính xác 94% trong 26 giây! Như vậy rõ ràng con người đã thua AI cả thời gian, cả độ chính xác và quan trọng nhất là chi phí. Các công ty luật phải trả lương cho các luật sư rất cao và tính theo giờ làm việc. Còn với AI luật sư công ty chỉ cần bỏ tiền mua AI và từ đó AI vận hành coi như chi phí bằng không.

Robot Tommy được điều động để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Ý. Ảnh: Reuters
Robot Tommy được điều động để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Ý. Ảnh: Reuters

Lấy ví dụ trong nghề y, hiện nay đã tạo ra được loại rô-bốt mà AI có thể chẩn đoán bệnh và kê đơn, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Vì bộ não con người có hạn, nên một bác sĩ tài giỏi đến mấy cũng không thể hiểu tường tận về cơ thể người bệnh, các loại bệnh, các loại thuốc điều trị cho từng loại bệnh, tương tác giữa các loại thuốc; các phát minh sáng chế mới nhất của y học.v.v.. 

Thế nhưng “một rô-bốt bác sỹ” trên cơ sở nắm giữ được kho dữ liệu vô tận này có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Một thí nghiệm mới đây với 1.000 ca bệnh ung thư phổi, lộ trình điều trị của AI đưa ra trùng với lộ trình của bác sỹ chuyên khoa đến 99% ca bệnh, ngoài ra AI còn đề xuất được thêm một số phương pháp điều trị mới vượt các bác sĩ chuyên khoa cho hơn 30% số ca.

Vào năm 2016, “AI cờ ma” đã đánh bại kiện tướng cờ vua Na-ka-mu-ra xếp hạng thứ 5 thế giới khi chấp đối thủ cho đi trước 4 nước cờ; tiếp đó đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới La-xê-đôn. 

Trên lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo AI cũng đang có những bước tiến đáng kể. Nếu ta đặt hàng cho “AI âm nhạc” theo những thể loại mình thích, thì AI đã có thể tự sáng tác ra vô hạn các bản nhạc theo phong cách và thể loại đó. 

Trong lĩnh vực hội họa từ những bức tranh mà con người đã vẽ ra AI sẽ vẽ ra những bức tranh mới với nhiều cách sáng tạo không còn giống với bức tranh đó. 

Như vậy ngay cả trên lĩnh vực nghệ thuât AI cũng có thể mô phỏng giống với tư duy sáng tạo của con người, bắt nguồn từ những cái đã biết, từ những dữ liệu đã có để sáng tạo ra cái mới, cái chưa có, nên đã đến lúc phải tính đến xử lý thế nào với AI văn hóa. 

Trên lĩnh vực an ninh hiện nay cũng sử dụng đến AI. Mới đây tập đoàn Viettel của Việt Nam đã lập trình được phần mềm mà AI đã phát hiện và ngăn chặn trên 4,7 triệu tin nhắn và cuộc gọi rác.

Thời cơ và thách thức

Như vậy thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã xuất hiện trên con đường phát triển của nhân loại. Sớm hay muộn nhân loại cũng tiếp cận với các sản phẩm vô cùng phong phú và đa chiều do cuộc cách mạng này tạo ra. Bất cứ quốc gia nào, ở trình độ phát triển nào thì rồi cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của máy móc thông minh và AI theo cả hai chiều hướng: lợi thế (tích cực, thuận lợi) và thách thức (tiêu cực, khó khăn). Sự tác động hai chiều này trên phạm vi quốc gia hay từng doanh nghiệp và cá nhân người lao động cũng như toàn xã hội là thời cơ những cũng là thách thức cần phải tính đến.

Với tư cách là chủ thể sáng tạo ra AI, con người cần tiếp cận với máy móc thông minh và AI một cách chủ động, tức là chủ động trong sáng tạo ra nó và điều hành nó để khai thác các sản phẩm phục vụ cho con người, hạn chế những tiêu cực và hậu quả có thể phát sinh mà không lường trước được trong quá trình làm ra và lập trình cho nó hoạt động. Qua đó tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những thách thức của cuộc cách mạng này nói chung và AI nói riêng trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của xã hội.

Nhận thức được điều đó với đất nước ta lúc này cần kịp thời hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi cho việc chủ động tham gia vào cách mạng công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. 

Rô bốt chiến thắng kiện tướng cờ vua Nga.
Rô bốt chiến thắng kiện tướng cờ vua Nga.

Có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu (viễn thông, dữ liệu quốc gia, thanh toán số quốc gia, kỹ thuật bảo đảm an ninh mạng…). Có chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo tầm quốc gia; chính sách phát triển các ngành công nghệ ưu tiên (chế tạo máy móc thông minh, điện tử - viễn thông, cơ khí chính xác; nông nghiệp số; du lịch, thương mại số…); chính sách hội nhập quốc tế và thu hút nhân tài. 

Đặc biệt, hết sức quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm một cách linh hoạt, kịp thời trên cơ sở gắn với công nghệ số, đào tạo kỹ năng để chuyển đổi và thích nghi với công việc và phù hợp với những thành tựu mới của công cuộc cách mạng khoa học và công nghệ số. 

Các doanh nghiệp dù ở lĩnh vực nào cũng cần đổi mới công tác quản trị, hình thành liên hoàn, liên kết: doanh nghiệp thông minh - người lao động thông minh - máy móc thông minh và AI để đem lại sự đột phá và sáng tạo trong quá trình sản xuất và tạo điều kiện để phát triển kịp với xu thế theo hàm cấp số mũ của cách mạng chuyển đổi số.

Rõ ràng trước mắt chúng ta, sự hiện hữu và phát triển không ngừng của cách mạng công nghệ 4.0 với sự ra đời sản phẩm công nghệ AI là thời cơ để tiếp cận phát triển nhanh, nhưng cũng sẽ là thách thức cho nhân loại không kể đối với quốc gia nào, dân tộc nào. 

Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy đó của sự phát triển, cho nên mọi chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực, ở các cấp độ, từ tầm cao đến các doanh nghiệp đến người lao động cần phải có ý thức, với quyết tâm học tập, tiếp thu, nghiên cứu, sáng tạo trong sự vận hành và phát triển của xã hội thông minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ