Tích trữ rác thải, tận dụng trồng rau

GD&TĐ - Tất cả các loại rác hữu cơ thu gom lại để ủ thành phân bón phục vụ cho trồng rau sạch là xu hướng của nhiều hộ gia đình ở Hà Nội nhằm ứng phó với tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo, tích trữ rác thải trong nhà sẽ phải đối diện với nguy cơ nhiễm nhiều loại bệnh, tác động xấu đến sức khỏe. 

Tích trữ rác thải, tận dụng trồng rau

Nhà hôi thối vì tích trữ rác

Cơm thừa, cọng rau, nước vo gạo, vỏ hoa quả... tất cả những thứ trước đó được tống ngay vào sọt rác thì nay một số người dân ở Hà Nội giữ lại, tích thành núi trong nhà để ủ thành phân hữu cơ. Thậm chí, nhiều nhà còn mua thêm rác rau, rác vỏ hoa quả để có thể ủ được đủ số phân mình cần dùng. Theo đó, cách tích trữ rác để ủ làm phân bón thực hiện theo quy trình đơn giản. Những chiếc thùng phuy to sẽ được để trên sân thượng.

Tất cả các loại rác thải như cọng rau, vỏ hoa quả, thức ăn thừa… sẽ được dồn vào các thùng phuy này. Không những gom đủ các loại rác trong nhà, nhiều người ở Hà Nội còn bỏ tiền mua rác rau ngoài chợ về tích đầy nhà để ủ thành phân hữu cơ. Mỗi ngày phải lấy gậy khuấy đều lên một lần để cho rác ngập nước dễ phân hủy. Ủ khoảng một tuần hoặc lâu hơn càng tốt, sau đó, chắt nước đó sang một cái thùng khác để tích trữ dùng làm phân tưới rau dần. Rác tiếp tục gom hàng ngày lại đổ vào ủ như bình thường. Ủ kiểu này, phân có mùi hôi thối do rác phân hủy, thậm chí, thùng ủ phân nhiều khi còn có giòi bọ.

PGS.TS Dương Đức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học Phục vụ Đời sống và Sản xuất cho rằng, việc tích trữ rác như vậy sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho chính gia đình và những người xung quanh. Đây là việc làm không nên khuyến khích bởi loại rác này có thể tốt cho rau nhưng sẽ tạo nên môi trường không khí ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều loại bệnh tật cho con người.

Kiểu phân giải hiếu khí này dễ tạo ra môi trường để các vi sinh vật sinh sôi nảy nở, trong khi để ủ các loại rác thành phân bón người ta phải sử dụng phương pháp yếm khí. Nghĩa là rác được tập trung thành đống, sau đó ủ kín trong một thời gian dài, không cho không khí tiếp xúc thì sẽ thu được phân bón.

Nên có chế phẩm xử lý

Cũng theo PGS.TS Dương Đức Tiến thì việc tập trung rác thải để tự xử lý là tốt, các khu vực dân cư tập trung nên thu gom lại và làm theo cách truyền thống là ủ yếm khí vì kiểu ủ này không bốc mùi khó chịu. Trong khi người ta đốt rác tràn lan, xe xả khí thải thoải mái, bụi bặm khiến không khí ô nhiễm thì việc nếu nhà nào cũng sử dụng biện pháp tích trữ rác thải trong nhà như thế này sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm nặng, nhất là khi thời tiết nắng nóng, không khí lưu thông ít.

TS Lê Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội cho biết ông đang thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Việc xử lý rác tại nhà là hoàn toàn có thể làm được nếu có những chế phẩm xử lý phù hợp. Theo đó, muốn tích trữ rác sẽ phải trang bị thiết bị chứa chuyên dụng có 2 ngăn, 1 ngăn để rác thải hàng ngày và 1 ngăn kín để chưa những rác thải đã bị phân hủy.

Sử dụng loại men vi sinh để xử lý rác sẽ không có mùi hôi thối. Việc người dân tự tích trữ rác để xử lý sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi hoàn toàn có thể khắc phục được điều này bằng những chế phẩm xử lý rác giá rẻ được bán trên thị trường.

“Trung bình mỗi người thải ra 1,5kg rác/ngày. Việc tận dụng xử lý rác thải hữu cơ là tốt nhưng phải đúng phương pháp. Tránh tình trạng phân hữu cơ bón rau tưởng là sạch mà lại không sạch, tưởng tốt cho rau mà lại không tốt. Hiện nay xu hướng trồng rau ở sân thượng hay ban công trong những thành phố lớn là khá nhiều, nếu tận dụng được rác thải đúng cách cũng rất tốt”, TS Lê Văn Tri cho biết.

TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng việc trồng rau trên sân thượng là tốt, và sử dụng rác thải hữu có cũng tốt, cần khuyến khích. Tuy nhiên, làm gì thì cũng khoa học và có ý thức cộng đồng.

Đáng nói là hiện một số người chạy theo trào lưu, cố nhồi nhét hết các phế phẩm của gia đình mình để ủ phân hữu cơ như các cách trên là không đủ căn cứ khoa học. Quá trình sản xuất phân bón phải đòi hỏi bảo đảm các yếu tố về chất lượng, hiệu quả, an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong không gian chật hẹp như vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo các chuyên gia, xử lý rác hữu cơ tại nhà làm nguồn bón cây, nhất thiết phải sử dụng cùng các chế phẩm xử lý vi sinh vật, giống như thịt lợn để không sẽ thối, nhưng ủ men thì trở thành nem chua vậy. Làm như vậy để tránh ô nhiễm cho chính những người trong gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ