Tên lửa Proton của Nga đưa kính viễn vọng tiên tiến vào không gian

GD&TĐ - Theo cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), sau nhiều lần trì hoãn, hôm qua (13/7), một tên lửa Proton đã đưa thành công kính viễn vọng không gian tiên tiến vào quỹ đạo.  

Tên lửa Proton của Nga đưa kính viễn vọng tiên tiến vào không gian

Roscosmos nói rằng kính viễn vọng có tên Spektr-RG đã được đưa vào quỹ đạo chờ trước khi được đẩy ra khỏi quỹ đạo Trái đất và đến đích cuối cùng là điểm L2 Lagrange.

Các điểm Lagrange là những vị trí độc nhất trong hệ Mặt trời – nơi các vật thể có thể duy trì vị trí của chúng so với Mặt trời và các hành tinh quay xung quanh. Nằm cách Trái đất 1,5 triệu km, L2 đặc biệt lý tưởng cho những kính viễn vọng như Spektr-RG.

Nếu mọi chuyện tốt đẹp, kính viễn vọng trên sẽ tới được vị trí yêu cầu trong 3 tháng và nó cũng sẽ trở thành tàu vũ trụ Nga đầu tiên hoạt động bên ngoài quỹ đạo Trái đất kể từ thời Xô viết. Kính viễn vọng này có mục tiêu thực hiện một cuộc khảo sát tia X hoàn chỉnh trên bầu trời vào năm 2025 và đây là kính viễn vọng không gian đầu tiên làm được việc này.

Thành tựu trên của Nga được công bố khi cơ quan vũ trụ Mỹ NASA kỷ niệm 50 năm ngày tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt trăng 20/7/1969.

Các sứ mệnh khoa học vũ trụ của Nga đã tổn thất nhiều kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Việc cắt giảm ngân sách đã buộc chương trình không gian Nga phải chuyển đổi thành những nỗ lực thương mại nhiều hơn.

Công việc đối với kính viễn vọng Spektr-RG bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng đã bị loại bỏ trong những năm 90. Kính Spektr-RG được khôi phục vào năm 2005 và được thiết kế lại để nhỏ hơn, rẻ hơn. Đây là dự án kết hợp giữa các nhà khoa học Đức và Nga, hai bên đều lắp đặt thiết bị kính viễn vọng trên tàu vũ trụ Nga.

Theo CBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ