Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

GD&TĐ - Là huyện vùng biên còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, những năm qua, huyện Sông Mã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, cùng sự chung tay góp sức của người dân, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí số 17 về môi trường.

Trao sổ tay hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải cho người dân
Trao sổ tay hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải cho người dân

Huyện Sông Mã có 18 xã, 1 thị trấn. Với đặc thù huyện vùng cao, biên giới, địa bàn rộng, phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều, Sông Mã bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với nhiều gian nan.

Ban đầu, đa số các xã trên địa bàn chỉ đạt 1 - 4 tiêu chí, điểm xuất phát thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng lĩnh vực; tập trung kiện toàn Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên toàn huyện về công tác xây dựng nông thôn mới.

Hết năm 2018, toàn huyện có 1 xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu xã Chiềng Sơ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019. Cùng với đó, có 6 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; 10 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí; triển khai thực hiện kế hoạch bộ tiêu chí nâng cao và Bản kiểu mẫu tại xã Chiềng Khương. Phấn đấu hết năm 2019, đạt bình quân 10,6 tiêu chí/xã, tăng 1,6 tiêu chí/xã so với năm 2018.

Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân huyện Sông Mã đã chung tay, góp sức thực hiện chương trình và đã đạt được kết quả quan trọng, tạo nên nhiều chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, xác định tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những tiêu chí khó, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn đã được các cấp các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Kết quả, toàn huyện có 453/453 bản xây dựng hoàn chỉnh hương ước về bảo vệ môi trường, đạt tỷ lệ 100%. Đa số các bản tự tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt và làm vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm.

Nhiều hộ gia đình đã có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở, không còn nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, nhiều cơ sở sản xuất giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, tỷ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94%, tăng 29% so với năm 2010 (2010 đạt 65%). Tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh là 43,35%. Tỷ lệ hộ dân có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là 35,68%.

Huyện đã hỗ trợ xây dựng và lắp đặt 43 bể khí sinh học Biogas tại các xã Pú Bẩu, Mường Lầm, Chiềng Sơ, Nà Nghịu, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Chiềng Khương. Hỗ trợ được 75 bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Công tác quản lý các cơ sở sản xuất việc vệ sinh môi trường được quan tâm thực hiện. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến Luật Bảo vệ môi trường cho nhân dân được đẩy mạnh. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban Nhân dân các xã thường xuyên tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và phát tài liệu, sổ tay hướng dẫn phân loại, thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn cho cán bộ xã, bản. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng bản tin tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện.

Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí môi trường vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện mới có 1 xã Chiềng Khương được hỗ trợ thu gom xử lý chất thải sinh hoạt; còn 17 xã chưa tổ chức thu gom và chưa xử lý rác. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn yếu, trong 2 năm 2018 - 2019, huyện không được phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường. Tỷ lệ số hộ dân có nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh còn thấp...

Trong thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn. Khuyến khích nhân dân đầu tư chỉnh trang các khu dân cư tạo môi trường sống nông thôn khang trang, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa. Phấn đấu hết năm 2019, có 4/18 xã đạt tiêu chí số 17, tăng 2 xã so với năm 2018. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ