Nan giải xử lý chất thải rắn

Rác thải chưa được phân loại (Ảnh VK)
Rác thải chưa được phân loại (Ảnh VK)

71% rác thải chôn lấp

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, nếu như năm 2018, cả nước có 819 đô thị thì đến ngày 9/9/2019, cả nước có gần 840 đô thị các loại. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ phát triển đô thị là nguyên nhân khiến lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ khu vực này gấp hơn 1,5 lần so với khu vực nông thôn.

Bởi nếu rác thải rắn ở đô thị hiện ước khoảng hơn 37.000 tấn/ngày thì ở nông thôn hơn hơn 24.000 tấn/ngày. Như vậy, mỗi ngày cả nước có hơn 60.000 tấn chất thải rắn.

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Lượng rác thải rắn nhiều các biện pháp thu gom cũng như xử lý còn hạn chế. Tại thành phố, đô thị tỷ lệ thu gom đạt 85% nhưng nông thôn thu gom mới đạt khoảng 40% - 55%. Thế nhưng, một số nơi ở vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ thu gom đạt dưới 10%. Đặc biệt, 71% lượng chất thải rắn sinh hoạt mới dừng ở việc chôn lấp, trong đó có nhiều bãi không hợp vệ sinh, vì thế gây ô nhiễm cho môi trường”.

Hiện nay có khoảng 40 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị được đầu tư xây dựng với tổng công suất khoảng 8.000 tấn/ngày đêm, chiếm gần 30% tổng lượng chât thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom.

Tuy nhiên, tỉ lệ tái chế, tái sử dụng tại các cơ sở này chưa cao, lượng chất thải chôn lấp sau xử lý đạt khoảng 30%. Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt 7 đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn ở 3 lưu vực sông và 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Theo dự báo của Sở tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện thành phố đã cấp chủ trương đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt hoặc hóa khí, thu hồi năng lượng để phát điện, phấn đấu đi vào vận hành năm 2021. Chẳng hạn, Nhà máy điện rác Sóc Sơn có công suất 4.000 tấn/ngày đêm, phát điện 75 MW; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện 15,5 MW...

Thành phố Hà Nội kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn hiện đại, mục tiêu đặt ra là giảm tỉ lệ chôn lấp (chỉ chôn lấp phần tro, xỉ sau đốt).

Còn nhiều thách thức

UBND thành phố Hà Nội cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, quy trình kỹ thuật trong việc thu gom, lưu giữ, trung chuyển và vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Do đó gây khó khăn trong việc xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tính dúng, tính đủ.

Đối với hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể nên các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Với thời điểm ký hợp đồng việc xây dựng giá dịch vụ xử lý chất thải theo Quyết định 1354 của Bộ Xây dựng chỉ quy định đối với cơ sở xử lý đốt có công suất tối đa 800 tấn/ngày đêm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố.

Hơn nữa việc xử lý chất thải rắn ở nước ta đang đối mặt với khó khăn cơ sở vật chất. Chính phủ đưa ra tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và phân cấp cho UBND tỉnh hoặc chủ đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp nhưng rất cần có sự hướng dẫn của các bộ, ngành khi ứng dụng công nghệ đốt phát điện, khí hóa điện, biogas, plasma...Tuy nhiên, gần như chưa có công trình tương tự được đầu tư tại Việt Nam.

Rác thải nhựa từ đồ dùng sinh hoạt (Ảnh VK)
Rác thải nhựa từ đồ dùng sinh hoạt (Ảnh VK) 

Có một nghịch lý hiện nay chính việc quản lý lỏng lẻo khâu xử lý chất thải rắn. Cơ bản các chất thải rắn từ xây dựng đều được người dân tận dụng san lấp ao, hồ làm mặt bằng. Họ mua từ các xe chuyên chở phế liệu. Song, với các gia đình sửa nhà, xây mới lại phải mất tiền thuê đổ đi. Như vậy, chính chủ xây dựng đã lợi hai lần tiền bỏ túi.

Chị Thu Hiền, ở (Dịch Vọng, Hà Nội) chia sẻ, với người dân, hiện tốn quá nhiều chi phí cho công việc xử lý chất thải rắn. Đơn cử, khi gia đình chị sửa chữa căn hộ gần 70m2, chát hết lại tường, đập bỏ một bức tường ngăn phòng ngủ, xây mới một bức tường 10 cho phòng bếp, vậy mà chủ công trình tính phí đập bỏ và vận chuyển rác thải rắn là hơn 20 triệu đồng với lý do nhà chung cư, phải vận chuyển khó khăn, phí đổ phế đắt đỏ.  

Làm thế nào để giải quyết bài toán thu gom, vận chuyển và xử lý được chất thải rắn hiệu quả, đảm bảo vê sinh môi trường, câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng giải đáp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ