Gobekli Tepe: Ngôi đền cổ nhất thế giới

GD&TĐ - Được xây dựng cách đây từ 11.000 đến 12.000 năm, đền thờ Gobekli Tepe (Thổ Nhĩ Kỳ) ra đời trước chữ viết, công cụ kim loại và thậm chí cả đồ gốm.

Ngôi đền cổ nhất thế giới được khai quật.
Ngôi đền cổ nhất thế giới được khai quật.

Các nhà khoa học cho rằng, nếu đây thực sự là ngôi đền cổ nhất thế giới, lịch sử loài người cần được nhìn nhận lại.

Di tích bị chôn vùi

Khi các nhà khảo cổ tình cờ phát hiện đồi Gobekli Tepe vào những năm 1960, họ cho rằng nó chỉ là một nghĩa địa thời Trung cổ. Ngọn đồi – có tên là “đồi bụng” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ - chứa trong nó nhiều phiến đá vôi bị vỡ. Các chuyên gia cho rằng, chúng chính là bia mộ, đánh dấu nơi chôn cất người chết.

Nhưng nhà khảo cổ học người Đức, Klaus Schmidt, sau khi đọc được thông tin ngắn gọn về ngọn đồi này trong báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago (Mỹ), đã cảm thấy có điều gì đó khác biệt ở đây. Năm 1994, ông một mình tìm đến Gobekli Tepe để nghiên cứu kỹ thực địa.

Theo ông, ngọn đồi khiêm tốn ở nơi vắng lặng này dường như do con người tạo ra và đang ẩn giấu một bí mật cổ xưa. “Lúc đó, tôi biết mình cần phải lựa chọn. Đi khỏi và không nói với ai, hoặc dành phần đời còn lại của mình làm việc ở đây”.

Schmidt chọn ở lại. Và quyết định này được xem là đúng đắn. Một năm sau đó, Schmidt và nhóm của ông đã tìm thấy những tảng cự thạch trong lòng đất và những cột trụ sắp xếp thành vòng tròn. Một số cột được chạm khắc phức tạp với hình sư tử, rắn và bọ cạp.

Thú vị hơn, các nhà khảo cổ đã xác định công trình này có tuổi đời từ 11 nghìn đến 12 nghìn năm. Theo Schmidt, “Gobekli Tepe là thánh địa đầu tiên do con người xây dựng”. Nhưng cơ sở nào để ông chắc chắn mình đã khám phá ra ngôi đền cổ nhất thế giới?

Nhóm nghiên cứu của Schmidt có nhiều lý do để tin vào điều này. Một phần từ những gì họ không tìm thấy tại địa điểm, như bếp lò, nhà ở hoặc hố rác. Nói cách khác, có vẻ như con người cổ đại không định cư tại Gobekli Tepe.

Thêm vào đó, Gobekli Tepe có thể được hình thành trước khi con người biết thuần hóa động vật hoặc trồng cây. Một nghiên cứu về xương động vật được tìm thấy tại khu vực này cho thấy nhiều loài hoang dã, bao gồm lợn rừng, cừu, kền kền và vịt, từng sinh sống trong khu vực.

Joris Peters, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Ludwig Maximilian ở Munich (Đức), cho biết: “Chúng tôi đã xem xét 15 nghìn mẩu xương, tất cả đều của động vật hoang dã. Những phát hiện này càng chứng tỏ Gobekli Tepe không phải là một khu định cư vì những người tụ tập ở đây dường như đã giết bất cứ loài động vật hoang dã nào mà họ bắt được để làm thức ăn. Rõ ràng, chúng tôi đang có mặt ở một nơi tụ tập của những người săn bắn, hái lượm”.

Nhận định lại lịch sử loài người

Những trụ đá ở ngôi đền với những hình ảnh được chạm khắc tinh xảo.

Những trụ đá ở ngôi đền với những hình ảnh được chạm khắc tinh xảo.  

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều hình chạm khắc tại Gobekli Tepe - có thể là những biểu hiện ban đầu về tôn giáo. Schmidt nói: “Tại Gobekli Tepe, chúng tôi thấy sự miêu tả các vị thần sớm nhất.

Hình khắc không có mắt, không có miệng, không có khuôn mặt, nhưng có cánh tay và bàn tay. Theo tôi, những người tạc tượng thần đang tự hỏi: Vũ trụ này là gì? Tại sao chúng ta lại ở đây?”.

Nhưng chính độ tuổi đã làm cho di tích trở nên quan trọng. Nếu Gobekli Tepe là ngôi đền cổ nhất trên thế giới, có nghĩa là con người đã hiểu sai về lịch sử của chính mình.

Trong một thời gian dài, nhiều học giả tin rằng tôn giáo có tổ chức xuất hiện sau sự phát triển nông nghiệp. Theo họ, con người chỉ bắt đầu xây dựng đền thờ và những nơi thờ cúng sau khi đã từ bỏ săn bắn, hái lượm. Thế nhưng, việc phát hiện Gobekli Tepe đã khiến lý thuyết này phải được nhìn nhận lại.

Con người không định cư tại Gobekli Tepe, mà tụ họp ở đây như những người săn bắn, hái lượm để xây dựng một ngôi đền. Nếu đúng như vậy thì chính việc theo một tôn giáo nào đó đã dẫn đến các xã hội định cư.  

Theo Schmidt, Hodder và một số chuyên gia khác nhận định, yếu tố tâm linh (chứ không phải thặng dư lương thực như lâu nay vẫn tin) đã hình thành nền văn minh ngày nay.

Nhưng cái gì ở Gobekli Tepe thuộc về tâm linh?  Một số nhà khảo cổ chỉ ra các hình chạm khắc là manh mối. Có thể những người ở Gobekli Tepe tin (giống như các nền văn minh cổ đại khác) kền kền đã đưa con người lên thiên đàng, do đó họ đã tạc những con chim lớn vào trụ đá để tôn vinh chúng. Hoặc có thể, như Schmidt suy đoán, Gobekli Tepe là nơi an nghỉ cuối cùng của những thợ săn dũng cảm.

Cho đến năm 2017, các nhà khảo cổ đã tìm ra manh mối mới và tiến thêm một bước nữa để giải mã một số bí ẩn cổ xưa của ngôi đền. Họ đã có một khám phá quan trọng tại Gobekli Tepe: Hộp sọ người.

Thật đáng kinh ngạc, một số trong những hộp sọ này đã được chạm khắc có chủ ý với những đường rãnh sâu và thẳng chạy từ trước ra sau.

Điều này có ý nghĩa gì? Các nhà khảo cổ học không rõ, nhưng họ đã ghi nhận sự hiện diện của sọ người trong công trình đá ở ngôi đền, một số không có dấu vết nào. Các nhà khảo cổ nghi ngờ các hộp sọ được chạm khắc là có lý do.  

Họ cho rằng, đây có thể là bằng chứng của một số kiểu “sùng bái đầu lâu” tại Gobekli Tepe - nơi trưng bày những hộp sọ của “tổ tiên đáng kính hoặc kẻ thù được phái đến”.

Dù bằng cách nào, việc phát hiện ra những chiếc đầu lâu chứng tỏ có nhiều điều để khám phá tại ngôi đền. Gobekli Tepe gợi ý rằng tôn giáo có trước nông nghiệp, nhưng điều gì đã thu hút những người săn bắn hái lượm xây dựng ngôi đền ngay từ đầu?

Hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn tiếp tục nghiên cứu để có câu trả lời cho những bí ẩn còn ẩn chứa nơi ngôi đền cổ nhất thế giới này.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ