Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên

GD&TĐ - Trong suốt quá trình xuất hiện khoa học viễn tưởng, có nhiều thể loại kỳ ảo, đưa con người đến với một thế giới hoàn toàn xa lạ và cũng có những câu chuyện mang tính dự báo hàng trăm năm. Vấn đề là các tác phẩm khoa học viễn tưởng ra đời từ khi nào?

Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên

Cuộc phiêu lưu kỳ thú

Theo các nhà lịch sử, sách khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới ra đời cách nay gần 1.800 năm, có tên là Vera Historia bằng tiếng Latinh, bằng tiếng Anh là A True Story (Một câu chuyện thật) hay A True History (Sự thật lịch sử) của nhà văn châm biếm người Syria, Loukianos, hay Lucian của Samosata, hoặc chỉ đơn giản là Lucian. Ông nổi tiếng hùng biện, có tài châm biếm, thường chọc ngoáy các thói mê tín, những chuyện huyền bí với giọng lưỡi sắc bén.

Ngoài những bài châm biếm, chế nhạo, chỉ trích, ông còn viết quyển sách A True Story, với nội dung khá rắc rối, được cho là có ảnh hưởng lớn đến thể loại khoa học viễn tưởng hiện đại.

Sách bắt đầu với tuyên bố một cách khó hiểu của Lucian về “những điều tôi chưa được thấy hoặc trải nghiệm, chưa nghe kể từ bất cứ ai; những điều mà thực tế không hề tồn tại và hoàn toàn không thể tồn tại. Do đó, các độc giả đừng nên tin thứ gì tôi kể”.

Chuyện kể về cuộc phiêu lưu với chính Lucian, nhân vật trọng tâm của quyển tiểu thuyết. Ông cùng một số người đi qua các trụ cột của Heracles, eo biển Gibraltar, rồi bị một cơn bão bất ngờ thổi bay lên trời, cuối cùng rơi xuống một hang thỏ. Sau đó, họ theo dòng sông rượu vang tới một hòn đảo đầy gấu, cá và cây cối với hình dáng phụ nữ. Còn đang ngơ ngác thì một cơn gió lốc đưa họ lên Mặt trăng. Tại đây, họ chứng kiến một cuộc chiến đẫm máu giữa vua Mặt trăng và vua Mặt trời. Họ đánh nhau vì “Ngôi sao ban mai”, thực tế là sao Kim.

Cả hai đội quân đông đảo, gồm nhiều quái vật lai và robot, lao vào nhau cho đến khi vua Mặt trời nổi gió che khuất ánh sáng với một bức tường khổng lồ. Hai bên tạm thời ngưng chiến. Sau đó, sách mô tả về đời sống trên Mặt trăng, nơi có một bầu khí quyển nhân tạo, con người ăn loài ếch bay nướng trên than. Ở đây không có phụ nữ và đàn ông sinh con ở bắp chân của họ. Tác giả viết:

Trong khoảng thời gian sống trên Mặt trăng, tôi quan sát thấy những điều lạ lùng và kỳ diệu. Đầu tiên, cư dân không được sinh ra bởi phụ nữ mà là đàn ông. Họ còn không hề biết đến từ “phụ nữ”. Sau khi kết hôn ở tuổi 25, họ mang thai những đứa trẻ ở bắp chân, thay vì ở bụng. Trong quá trình thụ thai, bắp chân họ bắt đầu phình ra. Sau một thời gian, họ mổ và lấy ra một trẻ sơ sinh bất động như chết, chỉ bắt đầu có sự sống khi được gió thổi vào miệng.

Sau một thời gian ở trên Mặt trăng, họ đã bắt đầu chặng tiếp theo của cuộc phiêu lưu. Trên đường quay về Trái đất, họ bị nuốt chửng bởi một con cá voi dài… 300km và tham gia cuộc chiến chống lại một tộc người cá quái dị. Sau đó, họ trốn thoát khỏi bụng cá, đi qua nhiều hòn đảo kỳ lạ, trong đó có một hòn đảo làm bằng pho mát ở giữa một biển sữa. Ngoài ra, họ còn có gặp gỡ những con quái vật và nhân vật thần thoại trong lịch sử, như các anh hùng của cuộc chiến thành Troy, Homer và Pythagoras.

Sau đó, họ đi thuyền quanh một vực sâu ở giữa đại dương, nhìn thấy một lục địa mới và bắt đầu cuộc khám phá mới. Sách kết thúc và Lucian hứa với độc giả câu chuyện sẽ tiếp tục ở phần tiếp theo. Nhưng không có phần tiếp theo nào xuất hiện và sự kỳ ảo trong câu chuyện này đã khiến những người thời đó vô cùng khó hiểu. 

Viễn tưởng hay châm biếm?

Sách ra đời vào thế kỷ thứ 2 và Lucian đã mô tả những khái niệm như du hành vũ trụ, thú lai, người đột biến, người máy, thuộc địa của các hành tinh khác, dạng sự sống ngoài hành tinh, bầu khí quyển nhân tạo và chiến tranh giữa các thiên hà… Tất cả những điều đó hoàn toàn xa lạ trong thời đại của ông. Thời điểm này chưa có kính thiên văn quan sát hành tinh, ý tưởng về du hành vũ trụ và người ngoài hành tinh thậm chí còn chưa hình thành.

Hầu như những chi tiết kỳ ảo trong sách chưa từng được biết đến vào thời của Lucian nhưng đã trở thành những yếu tố khoa học viễn tưởng như chúng ta biết. Thực sự có một số cuộc tranh luận học thuật gây ngạc nhiên xoay quanh việc liệu tác phẩm của Lucian có thực sự được xem là “khoa học viễn tưởng” hay không. Những người theo chủ nghĩa cổ điển đã cho rằng A True Story không gì hơn là một sự châm biếm, nhằm mục đích chế nhạo những câu chuyện ngớ ngẩn, kỳ quặc và phóng đại của những người đi du lịch, đang thịnh hành vào thời điểm đó. Lucian thậm chí còn nói thẳng điều này ở đầu cuốn tiểu thuyết.

Còn với một số người hợm hĩnh trong giới văn học, khoa học viễn tưởng không thực sự tồn tại dưới dạng thực sự của nó, cho đến sau cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, nếu xét về chủ đề và những ý tưởng kỳ lạ mang tính đột phá hướng đến tương lai mà

Lucian đề cập thì nó có thể được xem là khoa học viễn tưởng. A True Story  ít nhất đã truyền cảm hứng cho thể loại này đi sâu hơn vào lĩnh vực kỳ ảo và đã sử dụng những câu chuyện phiếm thường gặp trong khoa học viễn tưởng từ rất lâu. Dù thể loại của nó là gì, tác phẩm của Lucian cũng đã cung cấp một cái nhìn hấp dẫn về ý tưởng và chủ đề khoa học viễn tưởng mà cho đến nay vẫn thu hút người đọc, người xem.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ