Khoa học phát hiện nhiều lợi ích không ngờ từ nỗi buồn

Các nhà khoa học đã chứng minh, nỗi buồn có thể giúp bạn đương đầu và giải quyết những tình huống khó khăn trong cuộc sống tốt hơn.

Buồn bã có lợi hơn bạn tưởng (Ảnh: Shutterstock)
Buồn bã có lợi hơn bạn tưởng (Ảnh: Shutterstock)

Theo văn hóa của xã hội, những cảm xúc bình thường như buồn bã bất chợt thường được coi như dấu hiệu của rối loạn cảm xúc. Các chiến dịch quảng cáo, marketing và cả ngành kinh tế self-help (tự giúp mình) ngày nay đều khẳng định hạnh phúc là điều mà mỗi cá nhân phải theo đuổi. Tuy nhiên nỗi buồn - một tâm trạng thiết yếu mà chúng ta thường xuyên trải nghiệm lại đang không được đánh giá đúng.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của những cảm xúc buồn bã, chán nản. Những cảm xúc trên là hoàn toàn bình thường, là một phần hữu dụng và cần thiết của con người, là bạn đồng hành giúp chúng ta đương đầu với những tình huống và thách thức trong cuộc sống thường ngày.

Lịch sử của nỗi buồn

Trong quá khứ, những khoảnh khắc buồn chán hay tâm trạng xấu vẫn luôn được công nhận như một điều thường nhật của cuộc sống. Thậm chí, những tuyệt tác tinh thần vĩ đại nhất của loài người đều đi kèm với việc khơi gợi, luyện tập và thăng hoa các cảm xúc tiêu cực.

Các vở bi kịch của người Hy Lạp giúp khán giả biết chấp nhận và đương đầu với những sự kiện không may như một phần của cuộc sống. Điển hình như những vở bi kịch của Shakespeare được xếp vào hàng kinh điển vì đã đẩy nỗi buồn lên đến mức tột cùng.

Cùng với các thành tựu của những nghệ sĩ vĩ đại như Beethoven và Chopin trong âm nhạc hay Chekhov và Ibsen trong văn học, các tác phẩm nghệ thuật mở ra bức tranh toàn cảnh về nỗi buồn. Đây là một chủ đề đã được công nhận như di sản mang tính hướng dẫn và quý giá của loài người.

Những triết gia cổ đại cũng đặt niềm tin rằng, việc chấp nhận tâm trạng xấu là một phần thiết yếu để có một cuộc sống trọn vẹn.

Thậm chí Epicurus - nhà triết học theo trường phái hedonist (trường phái triết học mưu cầu sự lạc thú) cũng công nhận việc sống tốt bao gồm các khả năng sau: quyết định khôn ngoan, tự chủ, kiềm chế và chấp nhận những bi kịch không tránh khỏi.

Những triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học để dự đoán và chấp nhận những bi kịch như mất mát, đau buồn hay bất công trong cuộc sống.

Điều cốt lõi của nỗi buồn là gì?

Nhiều nhà tâm lý học đã nghiên cứu về “sự phát triển của cảm xúc và hành vi con người qua thời gian” để cảnh báo cho chúng ta những trạng thái cảm xúc mà ta nên coi trọng.

Trong thực tế, phạm vi cảm xúc của con người bao hàm nhiều cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. Những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, nóng giận, xấu hổ hay ghê tởm rất hữu ích vì nó giúp chúng ta nhận biết, phòng tránh và vượt qua các mối đe dọa và những tình huống nguy hiểm.

Vậy điểm cốt lõi của nỗi buồn là gì? Phải chăng đó là những cảm xúc tiêu cực thông thường nhất mà một nhà tâm lý học giỏi giang bắt buộc phải nghiên cứu về nó?

Nỗi buồn dữ dội và dai dẳng như chứng “trầm cảm” rõ ràng là một loại rối loạn suy nhược trầm trọng. Tuy nhiên, những nỗi buồn diễn ra nhẹ nhàng và nhất thời thì lại có thể mang đến những lợi ích quan trọng. Nó giúp chúng ta đương đầu với những sự kiện không may và thách thức trong cuộc sống.

Tâm trạng xấu cũng đóng vai trò như một tín hiệu xã hội - nó thể hiện qua các hành động như tranh cãi, rút lui khỏi xung đột, tạo ra một lớp vỏ bảo vệ đối với mọi người xung quanh. Khi chúng ta xuất hiện với tâm trạng xấu, mọi người thường có xu hướng quan tâm và giúp đỡ ta hơn.

Một số cảm xúc tiêu cực như u sầu và ám ảnh về quá khứ thậm chí có thể được xem là dấu hiệu tốt. Chúng cung cấp những thông tin hữu ích mà giúp chúng ta lên kế hoạch và tạo động lực phấn đấu trong tương lai.

Ngoài khả năng thúc đấy cảm nhận về cái đẹp, sự nối kết, lòng từ bi và đạo đức, nỗi buồn còn là nhân tố quan trọng hỗ trợ cho sự sáng tạo trong nghệ thuật.

Nhiều thử nghiệm khoa học gần đây đã ghi lại các lợi ích của tâm trạng xấu. Nó thường có hiệu quả như một tín hiệu cảnh báo tự động, vô thức. Nói đơn giản, tâm trạng xấu giúp chúng ta tập trung và chú ý hơn trong các tình huống khó khăn.

Ngược lại, tâm trạng tích cực (như cảm giác hạnh phúc) - một kiểu tín hiệu thân thuộc và an toàn, lại dẫn tới sự kém chi tiết và thiếu tập trung trong khi giải quyết vấn đề.

Lợi ích tâm lý của nỗi buồn

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tâm trạng tiêu cực (như buồn bã) có những lợi ích về mặt tâm lý.

Để chứng minh điều này, những nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều thử nghiệm. Đầu tiên, họ khơi gợi những trạng thái cảm xúc khác nhau của đối tượng nghiên cứu (ví dụ, cho họ xem những bộ phim có nội dung vui và buồn); sau đó ghi nhận, đánh giá những thay đổi về cách thực hiện các bài tập được yêu cầu.

Một số lợi ích của tâm trạng xấu:

- Ghi nhớ tốt hơn: Trong một nghiên cứu, một kết quả của tâm trạng xấu (bị gây ra bởi thời tiết xấu) cho thấy rằng: đối tượng có khả năng ghi nhớ tốt hơn những chi tiết trong một cửa hàng mà họ ghé thăm. Tâm trạng xấu cũng cải thiện khả năng ghi nhớ bằng mắt qua cách làm giảm tác động của các vật gây xao nhãng (vật không liên quan; thông tin gây hiểu lầm, sai lệch).

- Ra quyết định chính xác hơn: Tâm trạng xấu cũng làm giảm một số sai lệch, biến dạng trong cách mọi người hình thành ấn tượng, nhận định. Ví dụ, các thẩm phán thường nhìn nhận sự việc một cách chính xác, đáng tin cậy hơn khi buồn. Bởi vì lúc buồn, họ có khả năng xử lý các chi tiết nhỏ hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng, tâm trạng xấu có thể làm giảm sự tự tin và gia tăng nỗi hoài nghi khi đánh giá các bí ẩn và tin đồn. Thậm chí, khi buồn người ta còn có khả năng phát hiện những lời nói dối chính xác hơn. Những người có tâm trạng bất an cũng thường ít dựa vào các môtip đơn giản khi giải quyết vấn đề.

- Tạo động lực: Ở một số thử nghiệm, các nhà khoa học chỉ ra: khi được yêu cầu thực hiện một thử thách khó về tinh thần, những người có tâm trạng xấu sẽ cố gắng, kiên nhẫn hơn những người vui vẻ. Họ đầu tư nhiều thời gian và cố gắng đưa ra nhiều câu trả lời hơn cho một câu hỏi.

- Giao tiếp tốt hơn: Việc tập trung suy nghĩ và để ý đến những chi tiết nhỏ khi buồn cũng giúp những người có tâm trạng xấu cải thiện khả năng giao tiếp. Họ thuyết phục người khác hiệu quả hơn, cũng như có khả năng hiểu các câu mơ hồ và truyền đạt thông tin tốt hơn khi nói.

- Công bằng hơn: Các nhà khoa học đã phát hiện rằng: những người trong tâm trạng không tốt quan tâm đến kỳ vọng xã hội và các chuẩn mực nhiều hơn. Họ cũng đối xử với người khác ít ích kỉ và công bằng hơn.

Phản đối quan điểm tôn thờ hạnh phúc

Chúng ta thường tôn thờ sự hạnh phúc nên vô tình đặt ra những mục tiêu không thể đạt được, điều đó làm chúng ta luôn ở trong tâm trạng thất vọng, thậm chí trầm cảm. Theo đuổi hạnh phúc là tốt nhưng không phải lúc nào nó cũng có lợi.

Ngược lại, việc cảm thấy buồn hay ở trong tâm trạng tồi tệ giúp ta tập trung và giải quyết tốt hơn khi lâm vào các tình huống khó khăn.

Những kết quả trên cho thấy, việc theo đuổi hạnh phúc không ngừng nghỉ có thể không tốt cho bản thân như bạn nghĩ. Và trong tương lai, cũng nên có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá một cách công bằng về những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực.

Theo Khám Phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...