Hai anh em Tiến sĩ Dương Khuê - Dương Lâm xứng đáng là đại diện cho tinh thần hiếu học của người Vân Đình xưa. Từ khoa bảng họ Dương, Vân Đình trở thành một trong những vùng đất trọng sự học bậc nhất các làng ven dòng sông Đáy.
Theo gia phả, chi họ Dương làng Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội) có gốc từ Quỳnh Đôi (Nghệ An). Cùng họ Bùi với các Tiến sĩ Bùi Tuấn, Bùi Bằng Thuận; họ Nguyễn với Nguyễn Thượng Phiên, Nguyễn Thượng Hiền ở Kẻ Bặt (Liên Bạt)… đã tạo cho Vân Đình trở thành vùng đất khoa bảng, người người đua tranh ghi danh bảng vàng.
Đất lành chim đậu
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, vùng Nghệ An - Bố Chỉnh (Hà Tĩnh - Quảng Bình) luôn là bãi chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến phân tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài từ năm 1627 - 1672.
Tiếp sau là những năm mất mùa, đói kém ở thế kỷ thứ 17 - 18, khắp nơi đồng ruộng bỏ hoang, hàng loạt người phải rời bỏ quê hương bản quán phiêu dạt đi các nơi. Trong số những người di cư ấy, có một số người của người họ Dương về định cư và lập nghiệp ở Vân Đình.
Vân Đình vốn có tên Nôm là Kẻ Đình và tên chữ “Vân Đình” đã khẳng định đây là địa danh cổ. Theo các sách văn hóa, các thần phả, vào thời nhà Đinh, vùng đất Kẻ Đình đã là tụ điểm dân cư đông đúc. Vì mang nhiều dấu ấn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, nên lúc đầu Kẻ Đình có tên là Kẻ Đinh.
Sự tích ghi rằng, vào triều đại nhà Đinh ở trang Vân Đình có 3 anh em ruột làm thủ lĩnh của đạo quân, cùng tập hợp các nghĩa binh trong vùng về dự hội thề Hoa Lư. Nghĩa binh đánh nhiều trận quan trọng như Đỗ Động Giang, góp sức mạnh vào thắng lợi của cuộc thống nhất đất nước.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh xưng Đại Thắng Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, phong hầu cho các bộ tướng, ba anh em lập nhiều chiến công được phong quan chức. Đệ Hoàn không ra làm quan, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, 3 anh em được phong làm hùng trưởng và hưởng thực ấp tại Vân Đình.
Xưa kia, Vân Đình trên bến dưới thuyền và cũng bến cảng bên bờ sông Đáy, là nơi tàu bè các nơi tập kết hàng hóa để phân bổ đi các vùng xung quanh. Nhiều tàu của thương nhân đến từ các nơi giao hàng theo phiên chợ, nhưng hết phiên, hàng hóa không tiêu thụ hết, nhiều người đã lưu lại để chờ phiên chợ mới, dần hình thành bến chợ, nhiều người các nơi lưu tán đến lập nghiệp.
Họ Dương khi mới đến, mặc dù sống trong hoàn cảnh túng thiếu, đói nghèo nhưng vẫn khắc phục, chịu khó gìn giữ truyền thống. Các cụ bà thì chịu thương, chịu khó tần tảo buôn thúng, bán mẹt để nuôi chồng con ăn học.
Lấy trí dục và đức dục làm gốc vì có đức mới có phúc. Hạnh phúc cho bản thân và cho con cháu mai sau. Giáo dục cho con cháu hiểu: “Thanh bần là thói nhà Dương/ Lò vàng dám đọ thế gian được nào”, và: “Vàng ăn bao nhiêu vàng cũng hết/ Chữ bán dư ăn chữ vẫn còn”.
Giai thoại mộ phát khoa danh
Ngày nay, ở vân Đình vẫn còn giai thoại giải thích về việc họ Dương phát đường công danh khoa bảng.
Chuyện rằng, khi mới lưu lạc đến Vân Đình, họ Dương bị người làng miệt thị vì là dân ngụ cư. Cụ sinh đồ Dương Đức Thắng vì quá túng thiếu nên phải lên chùa viết sớ giúp người đến lễ bái để có thêm tiền chi dùng.
Sau khi cụ mất được một năm, một hôm có một vị thiền sư đến chơi nhà hỏi thăm và nói với gia đình: “Tôi vốn quen thân với cụ ông. Nay người bạn đã mất, tôi sẽ giúp tìm cho cụ một ngôi đất để di chuyển mộ đến đó. Gia đình muốn chuyển mộ cụ đến khu đất giàu có hay khu con cháu đỗ đạt làm quan?”. Cụ bà liền thưa rằng: “Nhà tôi có con đi học nên mong được con cháu sau này đỗ đạt chứ không muốn giàu có”.
Nghe đến đây, vị sư nói rằng, hiện có một ngôi đất địa thế rất tốt nên sẽ dành cho cụ ông. Vì gia đình nghèo, không có tiền làm cơm thiết đãi dân làng nên khi cải táng cho chồng, cụ bà đã quyết định cùng con cháu làm về ban đêm.
Khi màn đêm buông xuống, vị sư và con trai cụ Thắng đem thuổng, cuốc và một cái nồi đình ra lo việc bốc mộ (vì nhà nghèo không sắm được tiểu sành). Hài cốt được xếp vào nồi, chôn ngay ở mô đất sát đường đi đến phủ lỵ.
Chôn xong, vị sư nói với gia đình rằng: “Thử địa tiên phát, Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Thứ phát đồng triều lưỡng Thượng thư, Nhị thập niên phương kế đăng khoa, nhị thập niên phương kế hiểm họa”. Khi gia đình hỏi tên hiệu vị thiền sư để ghi ân thì ngài không chịu cho biết.
Do thửa ruộng táng ngôi mộ tổ có nhiều mồ mả của người dân chôn cùng nên người nhà rất lo bị lẫn lộn. Tuy nhiên, vị thiền sư khẳng định rằng, chỉ trong vòng trăm ngày họ sẽ phải bốc đi hết. Điều đó quả nhiên đúng. Nay chỉ còn ngôi mộ cổ của dòng họ hình chiếc án thư. Phía trước ngôi mộ là những ngọn núi đá màu lam xa thẳm.
Sau này, việc cụ Đức Ứng - Đốc học tỉnh Sơn Tây được vua ban chức Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, rồi cụ Dương Khuê, Dương Lâm làm tới Thượng thư đồng triều và các con cháu kế tiếp đỗ đạt đã chứng nghiệm lời nói của vị thiền sư.
Tới nay, mặc dù không biết tên hiệu của vị thiền sư nhưng khi con cháu cúng giỗ, để tỏ lòng thành kính, ghi ơn ngài nên vẫn khấn Đức dương gia phúc thần Đức thanh tịnh Thiền sư.
Tiến sĩ Dương Khuê và nghệ thuật ca trù
Cụ Dương Khuê (1839 - 1902), hiệu Vân Trì, xuất thân trong một gia đình nhà Nho; là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm. Nhờ chuyên cần, Dương Khuê nhanh chóng nổi tiếng là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, Dương Khuê thi Hội đỗ Cử nhân, cùng khoa này Nguyễn Khuyến đỗ Hội nguyên. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Dương Khuê được bổ làm tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi được thăng làm Bố chánh. Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, trước việc lái buôn người Pháp là Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại.
Dương Khuê dâng sớ lên can vua Tự Đức “không nên nhượng bộ Pháp”. Chỉ có thế mà ông bị giáng xuống làm Chánh sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Năm 1873, người Pháp đem quân đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng.
Năm 1878, nhân lễ “ngũ tuần khánh thọ” của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho Dương Khuê làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình. Năm 1897, Toàn quyền Paul Doummer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân (1884), đặt cơ sở cho guồng máy cai trị của chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ ca, Dương Khuê nổi tiếng là bài “Hồng hồng, Tuyết tuyết”: Hồng hồng, Tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu... và để rồi: Riêng một thú thanh sơn đi lại/ Khéo ngây ngây dại dại mới tình/ Đàn ai một tiếng Dương tranh.
“Hồng hồng, Tuyết tuyết” được coi là bài vỡ lòng của những ai học hát ca trù, được giới chuyên môn đánh giá là bài ca trù chuẩn mực nhất, giàu ý nghĩa và triết lý nhất. Hai anh em Dương Khuê, Dương Lâm, cùng với các tài tử văn nhân như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm… góp phần làm nghệ thuật ca trù trở nên nổi tiếng.
Dương Khuê mất ngày 6/3 năm Nhâm Dần (1902). Nghe tin, bạn thân ông là Tam nguyên Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ nổi tiếng khóc bạn để viếng ông. Tác phẩm của ông để lại có “Vân Trì thi thảo” và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng…
Trước đây, Dương Khuê vẫn được xem là một đại biểu của khuynh hướng “thoát ly hưởng lạc” trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 19. Song gần đây, bước đầu giới nghiên cứu đã có cách lý giải mới đối với phần tâm sự của ông gửi gắm trong thơ văn. Là một viên chức buổi giao thời, đường làm quan không mấy suôn sẻ… vì thế, các sáng tác của ông, chính là một phương tiện giúp ông giải tỏa những bất mãn đối với hiện thực.
Tuy có làm thơ chữ Hán, nhưng Dương Khuê trước sau vẫn nổi tiếng nhờ những bài ca trù. Với sự tinh luyện về ngôn ngữ và sự hài hòa trong thanh điệu của ông, khiến những bài ấy luôn cuốn hút người nghe bởi lời ca - thơ của Dương Khuê đã đạt đến trình độ “thanh thoát, uyển chuyển và hóm hỉnh” như nhận xét của giới chuyên môn.
Hiện lăng mộ thi sĩ – quan Thượng thư Dương Khuê tọa lạc tại thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình. Ngày 10/4/2019, UBND TP Hà Nội đã trao bằng xếp hạng khu lăng mộ là di tích cấp thành phố.
Danh sĩ soạn Tân giáo khoa
Từ thời Dương Khuê, dòng họ này trở nên nổi tiếng nhờ tên tuổi ông và người em trai là Dương Lâm. Dương Lâm (1851 – 1920), hiệu Vân Hồ, Quất Đình, tự Thu Nguyên, Mộng Thạch. Ông nổi tiếng về tài văn chương, tính tình tao nhã, lại là một nhà giáo có biệt tài.
Năm Mậu Dần (1878), ông đỗ Cử nhân, đến năm Giáp Thân (1884), được bổ làm Huấn đạo Ý Yên, rồi thăng làm Tri huyện Hoài Yên. Ba năm sau, ông làm Bang tá Nha kinh lược Bắc Kỳ. Năm Kỷ Sửu (1889), ông được bổ làm Án sát Hưng Yên, rồi thăng làm Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc tự khanh. Năm Tân Mão (1891), ông về Hà Nội, làm chủ bút báo Đồng Văn.
Năm sau, lại được bổ làm Tuần phủ Thái Bình. Năm Ất Tỵ (1895), ông làm Tham tri Nha kinh lược Bắc Kỳ, sau đó về triều giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Khi triều đình sửa đổi phép học, phép thi, ông được cử đứng đầu ban Tu thư, cùng với Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành cùng soạn sách Tân giáo khoa.
Năm Canh Tý (1900), ông làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Vì quê làng Vân Đình nên người đương thời gọi ông là cụ Thiếu Vân Đình. Khi về hưu, ông được triều đình tặng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Ông về quê nhà, mở trường dạy học. Năm Canh Thân (1920), ông mất hưởng thọ 69 tuổi, được truy tặng tước Khánh Vân Nam.
Lăng mộ danh sĩ Dương Lâm tọa lạc trên một khu đất cao thuộc thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn (Ứng Hòa), đối diện một chiếc hồ hình bán nguyệt ngay giữa đồng. Đường vào mộ là một lối đi dài, hai bên ruộng lúa mênh mông bát ngát. Từ xa xa đã thấy tấm biển Lăng mộ cụ Dương Lâm – Thái tử Thiếu bảo, Hiệp tá Đại học sĩ. Tổng thể kiến trúc của lăng mộ nổi bật với nhiều chi tiết bằng đá tinh xảo như: Voi đá, bia đá, bậc đá…
Sau hai danh nhân văn hóa Dương Khuê – Dương Lâm của dòng họ Dương được Nhà nước ghi danh trong “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, con cháu trong dòng họ Dương ở Vân Đình vẫn phát huy được truyền thống, nhiều người đỗ đạt làm quan, giảng dạy và giữ các vị trí cao trong các trường học, viện nghiên cứu, như: Dương Thiệu Tường - đỗ Tiến sĩ khoa cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn (1919), làm Tuần phủ Vĩnh Yên, Tổng đốc Hưng Yên; GS.TS Dương Thiệu Tống (Đại học Sư phạm TPHCM), GS Dương Thiệu Lễ, GS.TS Dương Hồng Chương…